Các bác sĩ khẳng định, nghiện mua sắm nói chung, nghiện mua sắm trực tuyến nói riêng là một chứng rối loạn tâm thần. Đây cũng là vấn đề đang rất nóng tại Việt Nam.
Việc mua sắm quá đà có liên quan đến những khó khăn tâm lý? Giải pháp nào để tháo gỡ? Tiến sĩ tâm lý Tô Nhi A, giảng viên ngành tâm lý học, Khoa Quan hệ công chúng và Truyền thông, Trường đại học Kinh tế - Tài chính TPHCM (UEF), sẽ cùng bạn đọc trò chuyện, mổ xẻ.
Rất dễ để nhận diện
* Phóng viên: Có dễ nhận ra một người đang trên đà nghiện mua sắm hay không, thưa tiến sĩ? Việc nhận biết dựa trên những dấu hiệu gì?
Tiến sĩ Tô Nhi A: Thực tế, rất dễ để nhận ra một người mất hay thiếu kiểm soát hành vi đối với việc mua sắm.
Bạn nhìn thấy số lượng hóa đơn tăng lên đột biến, diễn ra trong khoảng thời gian dài và bạn chi quá nhiều tiền cho việc mua sắm. Đó là dấu hiệu đầu tiên mà bản thân người đi mua lẫn người thân hoàn toàn có thể dễ dàng nhận thấy.
Tuy nhiên, mua sắm nhiều, tốn tiền nhiều không phải là thông tin duy nhất để khẳng định người đó đã nghiện mua sắm hay chưa. Tiếp đến, ta còn phải xét xem lượng hàng hóa đó có tính hữu ích hay không. Nếu bạn mua nhiều nhưng mua đúng mục đích, dùng hết công năng thì hành vi mua sắm ấy vẫn hợp lý; còn nếu những món đồ bạn mua không có mục tiêu cụ thể thì dù ít cũng là mua sắm thiếu kiểm soát. Hàng hóa mang về nhà tạo ra một môi trường hỗn độn. Đây là dấu hiệu đắt giá nhất cho thấy bạn đã mua sắm quá đà.
Cuối cùng, ngay tại thời khắc chốt đơn, bạn cũng đã xác định không phải bạn muốn được thỏa mãn trên món đồ mình mua. Có nghĩa, bạn mua cái giỏ đó không phải là để bạn sử dụng, mua bộ quần áo đó không phải để bạn mặc, mua món đồ gia dụng đó không phải để bạn dùng cho gia đình của mình.
* Đứng trước các quầy hàng trên mạng và ngoài đời, phụ nữ hay đàn ông thường “giữ mình” tốt hơn?
- Phụ nữ bị định kiến mua sắm nhiều hơn nhưng chúng ta phải có nghiên cứu, khảo sát mới thuyết phục. Không thể nói theo nhận định cảm tính rằng phụ nữ nghiện mua sắm hơn đàn ông hay ngược lại.
Cũng như với câu hỏi “Một người có hành vi mua sắm quá đà thì có bị rối loạn ám ảnh cưỡng chế hoặc rối loạn lo âu?”, câu trả lời là không. Nguyên tắc quan trọng để khẳng định rối loạn tâm lý là phải có bài chẩn đoán, đánh giá lâm sàng và nằm trong hệ thống các hành vi khác nữa.
Mua sắm chỉ là một biểu hiện.
* Hành vi mua sắm vô tội vạ bắt nguồn từ đâu?
- Có rất nhiều nguyên nhân, nhưng hành vi thiếu kiểm soát chắc chắn liên quan mật thiết đến các khó khăn về mặt tâm lý với nhiều mức độ khác nhau. Rất khó để nói rằng vì bạn khó khăn về tâm lý mà bạn thiếu kiểm soát trong hành vi mua sắm hay ngược lại - vì bạn thiếu kiểm soát trong hành vi mua sắm mà bạn gia tăng khó khăn tâm lý. Không có cái nào tạo ra cái nào một cách cụ thể. Đây vốn là câu chuyện hai chiều, không dễ để xác định.
Chúng ta sẽ phải nhìn nhận trong mối tương quan: có thể bắt đầu từ một khó khăn tâm lý của bản thân - vì không hài lòng trong hoàn cảnh sống, vì một nỗi buồn trong một mối quan hệ nào đó, vì một ức chế chưa được giải quyết… mà bạn tìm đến việc mua sắm như một cách để giải tỏa năng lượng, tự giải phóng nỗi buồn. Vậy nhưng, vì việc mua sắm không phải là hành động giải quyết trực tiếp vấn đề nên mua sắm trở thành hành vi gia tăng sự khó khăn bởi bạn đang tốn tiền và lại phải chứng kiến sự vô dụng của hành vi mình tạo ra.
Đôi khi hành vi này xuất phát từ nỗi lo sợ liên quan đến suy nghĩ rằng việc mua sắm đó sẽ giúp giải quyết vấn đề. Ví dụ: Tôi sinh con thì tôi phải mua sữa, mua quần áo… cho con. Hoặc khi đối diện với dịch bệnh thì rõ ràng trong những trường hợp hạn chế đi lại, bạn bắt đầu tập trung vào việc mua sắm lương thực thực phẩm tích trữ. Ai cũng đi làm và ai cũng phải có những sự đầu tư nhất định cho bản thân. Từ mong muốn đó, bạn bắt đầu tập trung vào việc đầu tư cho bản thân. Điều mấu chốt là mức độ có hợp lý hay bạn đã mua sắm quá nhiều so với nhu cầu thực tế. Trong trường hợp này vẫn thấy được công năng của đồ đạc nhưng chúng ta lại mua quá nhiều, không sử dụng kịp hạn dùng. Điều này đôi khi do chúng ta đã chu toàn quá đà mà không đánh giá vấn đề một cách hợp lý.
* Nếu chúng ta mua và không sử dụng thì đem cho người khác có giúp vơi bớt gánh nặng tâm lý?
- Trường hợp này cũng không hợp lý bởi công năng của món đồ không được thuyết phục. Việc bạn tặng quà cho người khác phải là việc được nhận định một cách độc lập: vì họ cần món này, vì tôi có tình cảm đặc biệt với họ và tôi tặng món này. Còn tặng “đồ tôi mua mà tôi không dùng” chỉ có tính chất… giải quyết hậu quả cho câu chuyện trước đó.
* Đâu là rào cản lớn nhất để vượt qua ma lực của lời chào hàng?
- Bước khởi đầu cũng là thử thách lớn nhất: Bạn phải nhận diện được mình đang có hành vi bất thường, ở đây là hành vi mua sắm. Khi một người đang gặp khó khăn về tâm lý, trầm cảm, rối loạn lo âu, đôi khi họ cũng khó tự biết. Thế nên họ vẫn sử dụng những hành động khác như thể để giải quyết năng lượng, giải quyết những điều tiêu cực cho mình. Nếu biết bản thân đang gặp khó khăn tâm lý dẫn đến hành vi mua sắm thiếu kiểm soát thì họ đã tự tìm đến những nguồn hỗ trợ trong việc trị liệu và chẩn đoán lâm sàng. Thêm một điều đáng tiếc nữa là đôi khi họ đã bị khủng hoảng ngay từ mối quan hệ bên cạnh mình nên thiếu sự giúp đỡ, đồng hành.
Cần xác định nguyên nhân dẫn đến sự bất thường
* Theo tiến sĩ, chúng ta nên phòng chống nghiện mua sắm như thế nào để mua sắm thực sự đem lại niềm vui?
- Đầu tiên, bản thân chủ thể của vấn đề cùng sự hỗ trợ của những người xung quanh sẽ phải trả lời được câu hỏi: Do đâu mà thiếu kiểm soát trong việc chi tiêu? Khi xác định được từng nhóm vấn đề do những nguyên nhân nào, chúng ta sẽ bắt đầu với giải pháp tương ứng.
Cội rễ của câu chuyện phải chăng từ chỗ bạn vốn có khó khăn trong cuộc sống, khó khăn về tâm lý với các mối quan hệ khác, với các vấn đề khác hay bạn không có năng lực trong việc vận hành các hành vi tiêu dùng dẫn đến mua sắm bị quá đà, lố tay? Các chuyên gia sẽ tư vấn cụ thể việc bạn nên bắt đầu từ đâu.
Bạn cần nhận diện đâu là hành vi bất thường và phải trả lời được sự bất thường ấy từ đâu mà ra. Nếu là từ cái tâm “sân si” với ai đó, sợ người khác có mà mình không có hay mua đồ chỉ để “dằn mặt” người khác chứ chẳng phải mua để sử dụng… thì cần xác định lại giá trị sống của mình, dám rời bỏ những áp lực mang tính cộng đồng. Nếu bắt nguồn từ hội chứng FOMO (sợ bị bỏ lỡ) thì bạn cần xác định lại nhu cầu của bản thân. Nếu do khủng hoảng mối quan hệ khiến bạn buồn bã, lo âu thì bạn cần chuyển qua hành vi khác như tập luyện thể dục thể thao, tập trung vào việc học tập, thiết lập mối quan hệ mới… Việc tập trung vào những vấn đề khác giúp bạn không “sa lầy” vào việc mua sắm. Nếu nguyên nhân là bạn không có được năng lượng cân đo đong đếm hợp lý thì bây giờ bạn sẽ phải ngồi lại tính toán lượng cầu với cung để tìm ra một con số tương quan, phù hợp và có sai số thấp nhất.
* Cảm ơn chị đã chia sẻ.
Tô Diệu Hiều thực hiện
Xem thêm: lmth.4728641a-iuv-mein-tohc-al-gnuc-gnah-nod-tohc-ed/nv.moc.enilnounuhp.www