Đã hơn 1h sáng nhưng nhóm bạn Kim Ngân, Hương Xuân, Gia Ngọc và Tấn Phúc (lần lượt từ trái sang) vẫn cặm cụi làm các bài tập còn dang dở - Ảnh: CÔNG TRIỆU
Không khó để tìm được quán cà phê, cửa hàng tiện lợi ở TP.HCM sáng đèn xuyên đêm phục vụ những vị khách có "khung giờ sinh học" trái ngược.
Trắng đêm ở quán cà phê
12h đêm. Trong tiệm cà phê nằm trên đường Lý Tự Trọng (quận 1, TP.HCM), mọi hoạt động vẫn diễn ra như thường. Đeo tai nghe, cúi mặt và bấm lia lịa trên chiếc điện thoại, cô gái Dương Thị Thanh Hương (25 tuổi) không buồn quan tâm đến mọi thứ xung quanh. Cô chỉ tạm rời mắt khỏi màn hình khi trận game kết thúc.
Hương kể thói quen này bắt đầu từ khi cô làm trợ lý phiên dịch tiếng Nhật cho một công ty tại quận 1. "Vẫn đang giữa tuần nhưng áp lực quá, mình đã xin nghỉ ngày mai. Việc được bàn chiến thuật, nói chuyện phiếm... rồi hóa thân vào nhân vật trong game khiến những chuyện stress như tiêu tan", Hương lý giải việc có mặt tại quán giữa đêm và sở thích không mấy phái nữ theo đuổi.
Đã 1h30 sáng nhưng tiệm cà phê phục vụ 24/7 nằm sâu trong con hẻm cụt ở quận Bình Thạnh không còn bàn trống. Chọn chiếc bàn trong cùng ở góc hẹp, Mai Anh lẳng lặng một mình nhâm nhi ly cà phê đặc quánh. Mới năm đầu lên thành phố trọ học nhưng Mai Anh đã trở thành khách quen của quán từ lâu.
Cô sinh viên quê Gia Lai cũng không ngần ngại chia sẻ lý do thức khuya: "Gia đình đang có chuyện buồn nên mình không muốn ở nhà, sợ ở một mình sẽ lại buồn khóc nên ra đây ngồi cho khuây khỏa tâm lý".
Cứ thế, với nhu cầu giải quyết nỗi buồn hay những áp lực trĩu nặng từ cuộc sống, công việc khiến loại hình dịch vụ cà phê xuyên đêm ngày càng nở rộ.
Miệt mài học tập, làm việc...
Hầu hết quán cà phê mở 24/24 thường có thiết kế không gian ấm cúng với ánh đèn vàng. Như thành quy luật, tiếng ồn cũng được hạn chế tối đa dù nơi đây không hề có tấm biển khuyến cáo "đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên" nào.
Sự đông đúc, nhiều người lạ nhưng thật yên tĩnh của những không gian ấy là điều đã níu chân anh Lương Duy Hưng (35 tuổi, kỹ sư điện) tới lui đều đặn 4 đêm/tuần. Là dân Sài Gòn, anh Hưng thừa nhận đã rất ngạc nhiên khi biết đến những quán cà phê kiểu này. Theo anh, việc nhốt mình trong phòng làm việc xuyên đêm trước đó không hiệu quả bằng làm việc ở quán.
"Công việc của tôi đòi hỏi phải tỉ mỉ dò xét từng chi tiết trên bản vẽ nên mình cần có một không gian yên tĩnh. Ngồi một mình rất dễ buồn ngủ. Sự thiếu tỉnh táo có thể khiến công sức cả tháng đổ bỏ, nguy hiểm hơn là ảnh hưởng tới cả công trình", anh Hưng lý giải thói quen thường xuyên thức khuya của mình.
Đồng hồ đã điểm quá 2h sáng, những ly nước đã cạn từ lâu nhưng nhóm của Kim Ngân, Hương Xuân, Tấn Phúc và Gia Ngọc (cùng là sinh viên năm thứ nhất ngành kiến trúc nội thất, Trường ĐH Văn Lang) vẫn cặm cụi bên bản vẽ tại một quán cà phê trên đường Nguyễn Oanh (quận Gò Vấp, TP.HCM). Kim Ngân cho biết tùy độ khó của từng đợt đồ án, bài tập mà nhóm cân nhắc nghỉ sớm hay muộn.
Riêng đợt này, nhóm đã "cắm chốt" 3 đêm liền từ 18h chiều hôm trước đến hơn 2h sáng hôm sau ở quán này. Nhưng vì mới làm được 1/3 nội dung nên nhóm cần thêm ít nhất 4 đêm nữa mới xong. Theo cả nhóm, việc cùng thức khuya làm bài chung có nhiều thuận lợi hơn làm một mình bởi "dễ nhắc nhau và những lúc bí còn có người góp ý".
"Làm bài đêm cùng nhau sẽ hiệu quả hơn, mọi người động viên nhau làm nhanh. So với làm bài ở phòng trọ, ra đây thời gian rút ngắn còn khoảng 1/3 thôi", Tấn Phúc nói.
Lợi bất cập hại
Bác sĩ Nguyễn Xuân Bích Huyên - nguyên trưởng khoa hô hấp Bệnh viện Chợ Rẫy, trưởng phòng chẩn đoán điều trị rối loạn giấc ngủ (Trung tâm Chăm sóc sức khỏe cộng đồng TP.HCM) - cho biết việc sử dụng các thiết bị điện tử dù là làm việc hay chơi game trước giờ ngủ, nhất là hơn 2 tiếng đồng hồ, sẽ ảnh hưởng xấu đến giấc ngủ như khó ngủ, giảm thời gian ngủ, ngủ không sâu...
Theo bác sĩ Bích Huyên, việc "ngộ nhận" luồng ánh sáng xanh do các thiết bị điện tử phát ra trong đêm khiến cơ thể không thể tiết ra melatonin - một chất kích thích nhằm gây ngủ vào buổi tối và được cơ thể thu hồi lại khi trời sáng để có thể thức dậy - khiến mọi người khó chìm vào giấc ngủ. Ngủ không sâu, giấc ngủ ngắn chắc chắn sẽ đem lại cảm giác uể oải, mệt mỏi và không tập trung.
"Việc mất ngủ kéo dài còn làm giảm sự sáng tạo, rối loạn tính tình, tâm trạng và còn gây ra những bệnh lý khác như béo phì, đái tháo đường, rối loạn tâm thần...", bác sĩ Bích Huyên nhấn mạnh.
Nhu cầu sử dụng các dịch vụ xuyên đêm ngày càng cao khiến nhiều hàng quán tuyển dụng nhân viên với yêu cầu "thức, ngủ tốt". Vừa pha nước, Minh Nhật - 5 năm quản lý ca từ 23h đến 7h sáng hôm sau tại một tiệm cà phê ở quận Bình Tân - nói những quán cà phê dạng này càng về khuya khách càng đông.
"Ngoài học sinh, sinh viên học bài, người lớn đi làm thường rơi vào các công việc: đồ họa, vẽ kỹ thuật. Các anh chị làm giao dịch viên cho các công ty nước ngoài cũng là khách quen của quán" - Minh Nhật "điểm danh" dạng khách thường ghé quán.
TTO - Hậu đại dịch COVID-19, thực trạng nhân sự nhảy việc hàng loạt trở thành thách thức của nhiều doanh nghiệp.
Xem thêm: mth.63932302171702202-med-uaht-ehp-ac-ihk-ig-mal-ert-nab-cac/nv.ertiout