Từ vụ chuyển cấp cứu người nhà bị tố "chặt chém", bác sĩ Nguyễn Duy Long - Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 (TP.HCM) - có chia sẻ thêm với Tuổi Trẻ Online.
Theo bác sĩ Long, hiện nay hầu hết chuyển bệnh nhân nặng từ tuyến tỉnh đều do tư nhân phụ trách. Đây là một trong các khó khăn rất lớn cho người bệnh khi cần chuyển viện. Do đó, hệ thống cấp cứu, vận chuyển ngoài bệnh viện cần được đầu tư, quan tâm nhiều hơn.
Đặc biệt, ở các địa phương chưa có điều kiện chăm sóc điều trị chuyên sâu và tỉ lệ chuyển tuyến lớn.
"Việc này nên đòi hỏi chính quyền các địa phương vào cuộc hơn là để các bệnh viện tự bơi bởi sẽ không thể đủ nguồn lực, vì cấp cứu ngoại viện chủ yếu phục vụ, an sinh hơn là tạo nguồn thu, nếu tính bài toán kinh tế sẽ càng làm càng lỗ" - bác sĩ Long nhấn mạnh.
Bác sĩ Long cũng cho biết việc thành lập thêm các Trung tâm cấp cứu 115 phụ trách vùng là một bài toán cần tính đến.
Ngoài ra, theo bác sĩ Long rất cần có hướng dẫn chung để các doanh nghiệp tham gia vào hệ thống vận chuyển cấp cứu xây dựng mức giá chuyển cấp cứu phù hợp, cơ bản tính đúng, tính đủ và có tích lũy.
Việc này có thể dựa vào các yếu tố như nguồn lực theo xe, trang thiết bị, can thiệt và chăm sóc trong quá trình vận chuyển. "Và đặc biệt quan trọng là phải công khai, minh bạch" - bác sĩ Long nói.
Về góc độ quản lý, bác sĩ Long cho rằng với các doanh nghiệp khi tham gia vào vận chuyển cấp cứu, đơn vị chỉ có thể khuyến cáo nên được quản lý, cấp phép; công khai giá lên website; thường xuyên huấn luyện cho nhân viên; cập nhật thông tin kịp thời cho cơ quan chức năng về phạm vi hoạt động…
"Các bệnh viện có bệnh nhân nặng không thể tiếp tục điều trị bắt buộc cũng phải có trách nhiệm ít nhiều như trích quỹ phúc lợi hỗ trợ, hỗ trợ trang thiết bị hoặc cử nhân viên y tế đi theo… Không thể để bệnh nhân xuất viện rồi phó thác cho tư nhân. Việc này sẽ giúp giảm chi phí cho người bệnh, cũng là nghĩa cử nhân văn hơn" - bác sĩ Long chia sẻ.
Trước đó, dư luận phản ánh xe cấp cứu của Công ty TNHH vận chuyển 115 Xuyên Việt (trụ sở tại TP.HCM) đã vận chuyển cấp cứu một bệnh nhi từ Bệnh viện Sản Nhi Cà Mau lên Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) với chi phí 16 triệu đồng, được cho là "chặt chém".
Tuy nhiên, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Lê Hồng Sơn - giám đốc công ty này khẳng định với việc vận chuyển cấp cứu một bé sơ sinh, có đầy đủ nhân viên y tế và trang thiết bị cấp cứu chạy từ TP.HCM xuống Cà Mau chuyển lên giá đó là hợp lý, không thể gọi là "chặt chém".
Giám đốc Bệnh viện Sản nhi Cà Mau, ông Võ Thành Lợi cũng cho biết cho biết mức giá 16 triệu đồng là bình thường đối với xe từ bệnh viện TP.HCM xuống có máy thở, có trang thiết bị và nhân viên y tế đi cùng.
Nhiều tỉnh giao đầu mối cấp cứu cho tư nhân
Theo báo cáo tổng hợp quy hoạch mạng lưới y tế cơ sở thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 của Bộ Y tế hiện nay mới chỉ có 11 tỉnh, thành phố thành lập được Trung tâm cấp cứu độc lập với 2 chức năng vừa là tổng đài 115 điều phối, vừa cấp cứu hiện trường và vận chuyển cứu thương.
Ở tuyến tỉnh có 18 tỉnh, thành phố đang giao cho Bệnh viện đa khoa tỉnh làm đầu mối cấp cứu 115; 7 tỉnh, thành phố giao đầu mối cấp cứu 115 cho Trung tâm cấp cứu 115 tư nhân và vẫn còn 27 tỉnh chưa có trung tâm cấp cứu 115
Theo Bộ Y tế, qua phân tích số liệu theo tỉnh hiện có 17/53 tỉnh không đảm bảo số xe cứu thương trên đầu dân như khuyến cáo của WHO (Theo WHO cứ mỗi 100.000 dân cần có 1 xe cứu thương).
Trong đó, chiếm đa phần là những thành phố lớn đông dân cư như Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương, Thái Bình, Đà Nẵng, TP.HCM và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Trung tâm cấp cứu 115 mới sẽ được xây dựng tại xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, cùng với việc hình thành hệ thống Trung tâm cấp cứu 115 tại 4 khu vực bao trọn TP.HCM.