Lãi suất cơ bản toàn cầu có thể không ngừng tăng cho đến năm 2023 khi giá cả hàng hóa bắt đầu hạ nhiệt trước các động thái chính sách từ các ngân hàng trung ương, bà Kristalina Georgieva, Giám đốc điều hành IMF nói.
Giá cả các loại hàng hóa, ví dụ như dầu, có thể đã bắt đầu qua mức đỉnh và giảm dần trong những tháng gần đây. Tuy nhiên, bà Georgieva cho rằng diễn biến này xảy ra là phản ứng trước nguy cơ suy thoái chứ không nhất thiết do lạm phát được kiểm soát.
"Các ngân hàng trung ương đang tăng cường kiểm soát lạm phát, đó là ưu tiên của họ. Họ phải duy trì nỗ lực này cho đến khi lạm phát chắc chắn được kiểm soát", bà Georgieva nói với CNBC tại cuộc họp G20 tại Bali cuối tuần này
Các gián đoạn do đại dịch gây ra với chuỗi cung ứng đã tạo nên những nút thắt cổ chai và cuộc xung đột tại Ukraine đã làm trầm trọng hơn những cú sốc này. Kết quả, giá cả hàng hóa, bao gồm các mặt hàng chủ lực như thực phẩm, phân bón, năng lượng, tăng vọt.
World Bank cho biết, giá lương thực toàn cầu từ tháng 3 đến tháng 4/2022 đã đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Theo đó, tổ chức này ghi nhận chỉ số giá cả thực phẩm giai đoạn trên tăng 15% so với 2 tháng trước đó và cao hơn 80% so với 2 năm trước.
Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) cho biết, số người suy dinh dưỡng trên thế giới sẽ tăng thêm 7,6 triệu người trong 2022 và thêm 19 triệu người nữa vào 2023.
Giá dầu, như đã nói ở trên, bắt đầu đi ngang và trượt dốc, giảm từ mức 120 USD một thùng hồi đầu tháng 6 xuống dưới 100 USD một thùng trong tuần này.
Tuy nhiên, lạm phát tiêu dùng ở Mỹ đã lên ngưỡng cao nhất trong 40 năm là 9,1% vào tháng 6, một mức mà Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen mô tả tại Hội nghị thượng đỉnh G20 là "cao không chấp nhận được".
Mặc dù nhiều dữ liệu được dùng để xác định lạm phát có độ trễ, bà Georgieva nhận định các dấu hiệu đang cho thấy tình hình vẫn chưa được kiểm soát. Bà lưu ý, điều quan trọng là phải kiểm soát được lạm phát, nếu không, thu nhập của người dân sẽ bị xói mòn mà những người thuộc các khu vực nghèo trên thế giới sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Từ những kinh nghiệm của các khủng hoảng trước, Bộ trưởng Yellen cho rằng các chính phủ cần thiết lập và duy trì các kịch bản về phản ứng chính sách nhằm giảm thiểu thời gian, mức độ nghiêm trọng của suy thoái kinh tế cũng như các tác động lên người dân, doanh nghiệp.
Với Indonesia, Bộ trưởng Tài chính Sri Mulyani Indrawati cho biết, việc kiểm soát nhu cầu là chìa khóa quan trọng vì các biện pháp nới lỏng tài chính, tiền tệ đưa ra hồi đầu đại dịch hướng đến khôi phục nhu cầu chứ không phải nguồn cung.
Đức Minh (theo CNBC)