Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank - HoSE: VPB) vừa có Nghị quyết của HĐQT về việc triển khai việc mua vốn Bảo hiểm OPES.
Trước đó, ĐHĐCĐ VPBank hồi tháng 4 đã thông qua sẽ kế hoạch mua lại Công ty Cổ phần Bảo hiểm OPES (có vốn điều lệ 550 tỷ đồng).
Theo đó, ngân hàng sẽ nhận chuyển nhượng toàn bộ hoặc phần lớn (trên 90%) vốn cổ phần của công ty này với giá dự kiến không quá 1,5 lần giá trị sổ sách. HĐQT ngân hàng cũng xin cổ đông uỷ quyền được toàn quyền quyết định, tổ chức thực hiện, tìm kiếm các doanh nghiệp phù hợp để VPBank tham gia phương án này.
Hiện tại, VPBank đã chốt kế hoạch thực hiện. Theo thông tin, VPBank sẽ nhận chuyển nhượng 47,85 triệu cổ phần OPES từ cổ đông hiện hữu, tương đương 87% vốn OPES. Giá mua một cổ phần là 12.200 đồng/cổ phiếu, tương ứng số tiền VPBank bỏ ra cho thương vụ là 585 tỷ đồng.
Sau giao dịch, tỉ lệ sở hữu của VPBank tại OPES sẽ nâng lên 98% vốn.
Đầu năm nay, VPBank cũng đã mua lại 97,42% vốn Công ty Chứng khoán ASC và đổi tên thành Công ty Chứng khoán VPBank (VPBank Securities). Sau khi mua lại, ngân hàng đã thống nhất tăng vốn công ty chứng khoán này từ 269 tỷ lên 8.920 tỷ đồng, đưa VPBank Securities từ một đơn vị ít được biết đến trở thành công ty chứng khoán có vốn điều lệ trong các công ty ngành chứng khoán.
Hôm 7/7 vừa rồi, VPBank cũng thông báo bắt đầu phát hành 30 triệu cổ phiếu phổ thông với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu theo chương trình ESOP đã được thông qua tại ĐHĐCĐ trước đó.
Theo đó, VPBank sẽ dùng 30 triệu cổ phiếu quỹ để chào bán cho cán bộ nhân viên (ESOP) với tỷ lệ 0,675%. Số tiền thu được từ phát hành sẽ được sử dụng để bổ sung vốn lưu động của ngân hàng. Cổ phiếu quỹ được bán cho cán bộ nhân viên sẽ bị hạn chế chuyển nhượng tối đa 3 năm kể từ ngày kết thúc đợt phát hành. Sau năm đầu tiên, 30% số cổ phần sẽ được giải toả, tỷ lệ giải toả 2 năm tiếp theo đều là 35%.
Giá phát hành là 10.000 đồng/cổ phiếu, tương đương số tiền mà VPBank sẽ huy động được là 300 tỷ đồng. Thời gian nhận tiền mua cổ phiếu cũng như ngày phát hành cổ phiếu dành cho người lao động sẽ diễn ra trong tháng 7 này.
VPBank hiện có hơn 60,2 triệu cổ phiếu quỹ trên tổng số hơn 4,5 tỷ cổ phiếu đã phát hành. Sau đợt chào bán này, số lượng cổ phiếu quỹ của VPBank sẽ giảm xuống còn hơn 30,2 triệu đơn vị.
Theo tờ trình phương án tăng vốn điều lệ, VPBank năm nay cũng sẽ tăng vốn thành 2 đợt để trở thành ngân hàng có vốn điều lệ cao nhất thị trường.
Đợt 1, VPBank sẽ tăng vốn bằng phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu theo tỉ lệ 50%. Tổng nguồn vốn dự kiến sử dụng để tăng vốn điều lệ là 22.377 tỷ đồng. Sau khi tăng vốn, dự kiến vốn điều lệ mới là 67.434 tỷ đồng.
Đợt 2, ngân hàng sẽ tăng vốn bằng hình thức phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài tối đa 15% vốn điều lệ để nâng tổng tỉ lệ sở hữu nước ngoài tại VPBank lên tối đa 30% vốn điều lệ. Số lượng cổ phiếu phát hành thêm tối đa dự kiến 1,19 tỷ cổ phiếu. Giá phát hành do Hội đồng quản trị quyết định theo thỏa thuận giữa bên, thời gian phát hành năm 2022 sau khi các cơ quan quản lý chấp thuận. Vốn điều lệ mới sau khi phát hành dự kiến là 79.334 tỷ đồng
Hiện VPBank mới công bố kết quả quý đầu năm. Theo đó, kết thúc quý I/2022, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng hợp nhất đạt trên 11.146 tỷ, tăng gần gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức lợi nhuận kỷ lục trong một quý mà VPBank ghi nhận được từ trước đến nay, góp phần đưa vốn chủ sở hữu của ngân hàng vượt lên trên 95.000 tỷ đồng và tỉ lệ an toàn vốn (CAR) theo thông tư 41 đạt trên 15%. Đáng chú ý là tốc độ tăng trưởng lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh cốt lõi của ngân hàng riêng lẻ đạt hơn 56%, cùng với đó là và sự phục hồi trong hoạt động kinh doanh của FE Credit.
Hôm 28/7 tới, lãnh đạo VPBank sẽ có buổi gặp gỡ nhà đầu tư cá nhân nhằm cập nhật Kết quả Kinh doanh quý II và 6 tháng đầu năm 2022 của VPBank.