Không ra ở riêng vì vừa được gần bố mẹ, vừa tiết kiệm được tiền
Chị Hà Duyên (24 tuổi, nhân viên văn phòng), đã có gia đình và lựa chọn sống chung với bố mẹ chồng thay vì dọn ra ở riêng. Chị Duyên cho rằng, mình vẫn còn trẻ nên ở cùng bố mẹ để có thể tiếp tục học hỏi nhiều thứ, ví dụ như học từ cách tiêu tiền, chăm lo cho gia đình.
"Nhiều bạn nói sống cùng bố mẹ thì mất tự do nhưng bố mẹ chồng mình khá thoải mái, không cấm đoán gì cả. Mình được ông bà giúp đỡ và chỉ bảo rất nhiều. Có những lúc bận quá thì bố mẹ cũng giúp việc nhà cửa, con cái. Ở cùng bố mẹ cũng giúp mình có thời gian tập trung vào sự nghiệp hơn ", chị Duyên nói.
Ảnh minh họa.
Theo chị Duyên, nhiều bạn trẻ ra ở riêng thì sẽ mất thêm khoản tiền thuê nhà, riêng tiền thuê nhà rẻ cũng phải rơi vào khoảng từ 3-4 triệu đồng. Vậy trong khi mình có thể ở với bố mẹ và không mất khoản này thì tại sao không?
Còn với một bạn trẻ chưa lập gia đình như Linh Đan (23 tuổi, ở Hà Nội) cũng lựa chọn ở cùng bố mẹ thay vì ra ở riêng, bởi Đan thấy việc ở riêng khá tốn kém. "Ở cùng bố mẹ, mình được bố mẹ giúp mình rất nhiều công việc không tên trong khi ra ở riêng mình phải làm những điều nhỏ nhặt nhất. Ở cùng bố mẹ là người thương yêu mình nhất, nhà là nơi an toàn và nhất là con gái thì mình thấy việc ở riêng với mình không an toàn", Linh Đan chia sẻ.
Giống như Linh Đan, Trần Linh (22 tuổi, ở Hà Nội) cũng chọn sống cùng bố mẹ, một phần vì thu nhập không cho phép, phần còn lại là do bản thân Linh thích cảm giác được quây quần bên gia đình.
"Mình không phải lo lắng về vấn đề cơm nước, các loại tiền phí dịch vụ và rất nhiều những thứ linh tinh khác khi ở cùng bố mẹ. Tuy nhiên, bất tiện là việc không gian riêng tư của mình bị hạn chế phần nào và mình không thể đi chơi về quá muộn", Linh nói.
Không phải lo lắng gì về chi tiêu thời bão giá khi sống chung với bố mẹ
Hiện tại, trong thời điểm bão giá mọi thứ đều đắt đỏ và phải chi tiêu rất nhiều. Tuy nhiên, về chi phí dành cho việc chi tiêu, sinh hoạt hàng ngày thì chị Duyên không phải lo lắng nhiều. "Vợ chồng mình may mắn vì bố mẹ mình ‘nâng đỡ’ rất nhiều. Ông bà biết vợ chồng trẻ sẽ chưa biết cách chi tiêu nên cũng chỉ dẫn và khuyên nhủ, hỗ trợ thêm tiền vào mỗi tháng để chúng mình vẫn có thể chi tiêu tương đối thoải mái, không cần quá chắt chiu hay ‘bóp’ các khoản tiền lại quá nhiều", chị Duyên chia sẻ.
Mức lương của vợ chồng chị Duyên khoảng 16-18 triệu đồng/tháng. Mỗi tháng vợ chồng chị được bố mẹ hỗ trợ thêm từ 2-3 triệu đồng. Trung bình mỗi tháng chị Duyên chi tiêu khoảng 7 triệu dành cho việc ăn sáng, xăng xe, ăn trưa tại văn phòng, quà chiều, phí tập thể dục, tiền học cho con... Được bố mẹ giúp đỡ nhiều nên mỗi tháng, vợ chồng chị Duyên vẫn bỏ ra được một số tiền, dành cho tiết kiệm hay thỉnh thoảng đi ăn, đi chơi, du lịch.
Nhận được sự hỗ trợ về chi tiêu sinh hoạt từ bố mẹ, chị Duyên cũng muốn san sẻ với bố mẹ. "Tháng nào mình cũng gửi biếu ông bà 4 triệu nhưng mà ông bà không cầm. Vậy nên mình cũng thể hiện sự chi tiêu về chi tiêu bằng cách mua sắm các vật dụng gia đình, đi chợ mua thực phẩm...", chị Duyên chia sẻ.
Ảnh minh họa.
Với Trần Linh, cô không phải lo lắng về những khoản tiền chi tiêu sinh hoạt hàng ngày vì những khoản phí này được bố mẹ hỗ trợ 100%. Về những khoản tiền tiêu nhỏ cho cá nhân thì Linh hoàn toàn tự lo."Mình không có nhu cầu mua sắm nhiều, hơn nữa công việc cho phép mình dành phần lớn thời gian ở nhà nên mức chi tiêu cá nhân của mình không cao. Mình chủ yếu tiêu tiền vào những dịp đi chơi với bạn bè và với tiền lương hiện tại, mình hoàn toàn có thể "cân" được nên không cần đến hỗ trợ từ bố mẹ", Linh nói.
Về việc hỗ trợ bố mẹ trong việc chi tiêu cho gia đình, Linh cho biết, với bố mẹ, việc cô có thể tự lo chi tiêu cho bản thân đã là tốt rồi. Một phần cũng là do bố mẹ Linh có thu nhập cao hơn cô khá nhiều.Tuy nhiên, thỉnh thoảng, cô sẽ mua quà hay mời cả nhà ăn một bữa.
Linh Đan cho rằng, việc chi tiêu hàng ngày không còn là vấn đề quá quan trọng đối khi cô đã đi làm. Bởi Đan chưa có nhu cầu quá cao về việc mua sắm và ăn uống, mức chi tiêu của cô dừng lại ở mức đủ cho bản thân và dư một phần để tiết kiệm trong phạm vi lương.Từ khi kiếm được tiền, cô không còn nhận sự hỗ trợ từ bố mẹ. Ngoài ra, để hỗ trợ bố mẹ trong việc chi tiêu cho gia đình, Đan đóng tiền điện, nước và mua một số đồ dùng trong gia đình.
Chi tiêu thế nào thời thời bão giá
Chị Duyên cho biết, với tình trạng vật giá leo thang như hiện nay, mỗi thành viên trong gia đình đều tự bảo nhau "Hãy tiết kiệm" và phải bỏ ra một khoản tiền hàng tháng phòng trường hợp ốm đau. "Tất nhiên không cần quá eo hẹp, nhà mình vẫn thi thoảng lên kế hoạch đi du lịch nghỉ ngơi, xả stress. Tuy nhiên, việc giá cả leo thang thì cũng ảnh hưởng nhiều đến những quyết định sắm thêm đồ, đi chơi,... phải suy nghĩ nhiều hơn xem có nên tiêu khoản này khoản kia không, món đồ này có xứng đáng mua không, mua xong thì còn bao nhiêu tiền", chị Duyên chia sẻ.
Cách chi tiêu hợp lý, tiết kiệm nhất trong thời bão giá của gia đình chị Duyên bao gồm:
- Hạn chế khoản chi tiêu hơn, chỉ mua sắm và hưởng thụ khi thực sự cần thiết.
- Phân bổ lại các khoản chi tiêu thành từng mục: tiêu dùng, sinh hoạt, hưởng thụ,... để có thể theo dõi và điều chỉnh những chi tiêu sao cho hợp lý.
- Cố gắng để để dành ra một khoản để phòng trừ những khi ốm đau, có sự cố hay có việc gấp gia đình cần dùng đến.
Ảnh minh họa.
Giải pháp hiệu quả để chi tiêu hợp lý trong thời gian này của Trần Linh là tự đặt ra bản thân một giới hạn chi tiêu nhất định và sẽ cố để không vượt qua giới hạn đó. Linh cho rằng, với cách này, cô vừa thoải mái chi tiêu cho những mục đích cá nhân, vừa có thể tiết kiệm được một khoản để phòng những trường hợp cần thiết. Bên cạnh đó, Linh chọn cách gửi tiết kiệm hoặc đưa tiền cho mẹ giữ hộ.
Còn với Linh Đan, cô đưa ra cho mình các phương án mua sắm hợp lý như: Sử dử dụng các đồ dùng được nhiều lần, mua những trang phục sử dụng được trong nhiều dịp, tránh chạy theo thời trang nhanh, vừa mất nhiều chi phí và vừa ảnh hưởng tới môi trường.