Grab gia nhập thị trường Việt Nam từ tháng 2/2014, với tên gọi được nhiều người biết là GrabTaxi với Công ty TNHH GrabTaxi (GrabTaxi), có vốn điều lệ 20 tỷ đồng.
GrabTaxi khi ấy được sáng lập bởi 3 cá nhân, gồm: ông Nguyễn Tuấn Anh nắm 34% vốn điều lệ); ông Nguyễn Phú Sinh và ông Trần Anh Đức cùng nắm 33% vốn điều lệ. Trong đó, ông Nguyễn Tuấn Anh (SN 1982) là tên tuổi nổi bật trong làng công nghệ Việt Nam.
Sau 8 năm hoạt động tại Việt Nam, bên cạnh mảng gọi xe trực tuyến (4 bánh và 2 bánh), Grab hiện phát triển hàng loạt dịch vụ khác như ví điện tử, giao hàng, giao đồ ăn, đi chợ hộ…
Tuy nhiên, vốn điều lệ của Grab Việt Nam vẫn giữ ở mức 20 tỷ đồng. Theo Báo cáo tài chính năm 2021 của Grab Việt Nam, công ty hiện có 2 cổ đông bao gồm Grab Inc. nắm 49%, tương đương 9,8 tỷ đồng vốn góp và bà Lý Thụy Bích Huyền (sinh năm 1981) nắm 51%, tương đương 10,2 tỷ đồng. Bà Huyền cũng là Giám đốc điều hành Grab Việt Nam. Dù vậy, thông qua các điều khoản ràng buộc, Grab Inc. thực tế vẫn kiểm soát 100% vốn Grab Việt Nam.
Kinh doanh lâu tại Việt Nam và dần gây dựng tên tuổi, song thực tế Grab Việt Nam liên tiếp báo lỗ dù doanh thu mỗi năm lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Gần nhất, năm 2021, Grab Việt Nam đạt doanh thu đạt 3.346 tỷ đồng, giảm 11% so với năm 2020. Gần như tất cả số thu đến từ hoạt động cung cấp dịch vụ kết nối, chiếm 99,8%, tương ứng 3340 tỷ đồng, còn lại là bán hàng hóa. Tính trung bình, mỗi ngày Grab thu hơn 9 tỷ đồng tại thị trường Việt Nam.
Doanh thu giảm 11% nhưng giá vốn bán hàng lại tăng từ 1.336 tỷ đồng lên 1.950 tỷ đồng, điều này khiến lợi nhuận gộp của Grab Việt Nam giảm xuống 1.951 tỷ đồng, tương ứng mức giảm 20%.
Trong hoạt động kinh doanh của Grab Việt Nam, chi phí bán hàng là khoản chi phí lớn nhất mà công ty phải chi ra hàng năm. Năm 2021, chi phí bán hàng của Grab là 1.926 tỷ đồng, tăng 389 tỷ đồng so với năm 2020 và chi phí này vượt trên cả giá vốn hàng bán. Trong đó, chi phí khuyến mãi lên tới 1.622 tỷ đồng, tăng gần 300 tỷ đồng so với năm 2020 còn chi phí quảng cáo lên tới 303 tỷ đồng.
Khấu trừ chi phí, Grab Việt Nam báo lỗ hơn 300 tỷ đồng, trong khi năm 2020 ghi nhận lãi 242 tỷ đồng. Từ khi kinh doanh tại Việt Nam, duy chỉ có năm 2020 là năm duy nhất Grab Việt Nam báo lãi, hầu hết Grab Việt Nam đều báo lỗ. Năm 2019, công ty này lỗ ròng 1.697 tỷ và mức lỗ năm 2018 là 885 tỷ đồng.
Mức lỗ hơn 300 tỷ đồng năm vừa rồi nâng lỗ lũy kế của Grab Việt Nam lên 4.366 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp tính đến hết năm 2021 âm 4.346 tỷ đồng.
Dù vậy, tổng nguồn vốn của Grab Việt Nam vẫn đạt 1.350 tỷ đồng. nhờ vào các khoản vay và nợ thuê tài chính đối với những doanh nghiệp liên quan Grab Việt Nam. Cụ thể, Grab Việt Nam ghi nhận khoản vay với GrabTaxi Holdings 3.373 tỷ đồng và Grab Inc 905 tỷ đồng, đều bằng đồng USD, lãi suất 0% và không có tài sản đảm bảo.
Mới đây, Grab Việt Nam ra chính sách người dùng sẽ phải trả thêm 3.000-5.000 đồng phụ phí thời tiết nắng nóng với các dịch vụ GrabBike, GrabFood...
Chính sách này đã được Grab áp dụng từ ngày 6/7. Tại Hà Nội và Tp.HCM, Grab thu thêm phụ phí nắng nóng 5.000 với mỗi chuyến xe GrabBike và mỗi đơn hàng GrabFood, GrabMart. Với dịch vụ GrabExpress, phụ thu là 3.000 đồng/đơn hàng.
Tại các thị trường khác như Nghệ An, Thanh Hoá, Hải Phòng, Đà Nẵng, Huế... phụ thu thời tiết nắng nóng với các dịch vụ GrabBike và GrabFood đều là 5.000 đồng. Phụ phí sẽ được cộng trực tiếp vào giá cước hiển thị trên biên nhận khi tài xế nhận chuyến xe.
Grab cho biết mức phụ thu này nhằm hỗ trợ giảm bớt vất vả cho tài xế khi thực hiện các đơn hàng. Đây cũng là ứng dụng gọi xe đầu tiên áp dụng chính sách phụ thu thời tiết nắng nóng như vậy. Thông thường, các hãng gọi xe chỉ áp dụng phụ phí vào dịp Tết m lịch với mức từ 10.000-15.000 đồng hay phụ phí ban đêm cho mỗi đơn hàng, chuyến xe.
Cục Cạnh tranh & Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cũng đề nghị Grab làm rõ việc thu phụ phí nắng nóng và cách phân chia với tài xế trước ngày 18/7. Tuy nhiên, công ty vẫn chưa có phản hồi.