Ông Nguyễn Thắng Lợi, phó tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự - Ảnh: DANH TRỌNG
Chiều 19-7, Bộ Tư pháp tổ chức họp báo thông tin về kết quả công tác 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ giải pháp chủ yếu công tác 6 tháng cuối năm 2022.
"Tài sản thực tế để thu hồi trong các vụ án tham nhũng rất ít"
Ông Nguyễn Thắng Lợi, phó tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự, cho biết đơn vị gặp nhiều khó khăn khi thi hành án dân sự trong các vụ án tham nhũng, kinh tế thuộc diện Ban Chỉ đạo trung ương theo dõi, chỉ đạo.
Theo đó, khó khăn lớn nhất là các bản án tuyên số tiền phải thu hồi, thi hành rất lớn nhưng tài sản thực tế để thu hồi là rất ít. Có trường hợp có tài sản để thi hành nhưng tính chất pháp lý của tài sản đó chưa được làm rõ.
"Chúng tôi đã phải yêu cầu chấp hành viên liên tiếp đi xác minh thêm để có những hướng xử lý, có những trường hợp án tuyên đưa ra một tài sản nhưng thông tin về tài sản lại không rõ nên rất khó khăn. Trình tự kê biên các tài sản trong các vụ án tham nhũng kinh tế cũng vướng mắc", ông Lợi thông tin.
Về ý kiến để tội phạm tham nhũng nộp tiền khắc phục hậu quả để không bị xử lý hình sự, ông Lợi cho hay đây là quan điểm không mới, tại nghị quyết Trung ương khóa X cũng nêu rõ rằng chú trọng thu hồi tài sản tham nhũng với những người có thái độ thành khẩn, thu hồi tài sản là trọng tâm, cốt lõi. Việc tội phạm ăn năn giao nộp cũng nên có các tình tiết giảm nhẹ.
"Vì vậy việc tội phạm ăn năn, hối cải, tự nguyện giao nộp lại tài sản và khi xét xử được giảm án theo chúng tôi cũng là cần thiết. Thực tế nhiều quốc gia cũng đã áp dụng biện pháp này.
Hiện tổng cục đã giao cho các đơn vị chuyên môn nghiên cứu, học tập kinh nghiệm quốc tế vận dụng vào thực tiễn của Việt Nam để đưa ra những luận cứ khoa học nhất, từ đó có quan điểm báo cáo đến các cấp có thẩm quyền", ông Lợi nói.
Còn gần 80.000 tỉ phải thi hành trong các vụ án tham nhũng, kinh tế
Bộ Tư pháp cho biết trong 9 tháng vừa qua đã thi hành xong là 348.490 việc (đạt tỉ lệ 64,35%), thu được trên 52.166 tỉ đồng (đạt 29,47%), thi hành xong 94 án hành chính.
Riêng về thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự tham nhũng, kinh tế (thuộc diện Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo), tổng số tiền phải thi hành là hơn 129.619 tỉ đồng, số đã thi hành xong là gần 50.000 tỉ đồng, còn phải thi hành gần 80.000 tỉ đồng.
Phần mềm đăng ký và quản lý hộ tịch dùng chung có hơn 26,7 triệu hồ sơ đăng ký khai sinh, hơn 3,9 triệu hồ sơ đăng ký khai tử, hơn 113.000 trường hợp nhận cha mẹ con, hơn 14.000 trường hợp đăng ký giám hộ, hơn 12.000 trường hợp đăng ký nhận nuôi con nuôi, hơn 28.000 trường hợp đăng ký cải chính, thay đổi, bổ sung hộ tịch, xác định lại dân tộc.
Bộ Tư pháp dự kiến những tháng cuối năm, tiếp tục hoàn thiện pháp luật về thi hành án dân sự để giải quyết các vướng mắc trong thực tiễn, nhất là các quy định liên quan đến việc thu hồi tài sản bị thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế theo chỉ đạo của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.
TTO - Ngày 12-7, kỳ họp thứ 7 HĐND TP Đà Nẵng khóa X đã khai mạc. Tại kỳ họp này, UBND TP Đà Nẵng đã có báo cáo tình hình, kết quả công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trên địa bàn 6 tháng đầu năm.