Công ty Cổ phần Phân lân Ninh Bình (mã: NFC) vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2022 với doanh thu và lợi đều tăng vọt so với cùng kỳ.
Theo đó, trong quý II công ty ghi nhận doanh thu thuần hơn 213 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước; Lợi nhuận gộp tăng 22%. Trong kỳ, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp lần lượt giảm 9% và 4%. Cùng với việc giá bán tăng cao, chi phí bán hàng giảm cũng là nguyên nhân giúp công ty ghi nhận khoản lợi nhuận sau thuế tăng gấp 1,7 lần cùng kỳ, ở mức 8,6 tỷ đồng.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm, Phân lân Ninh Bình đạt 429,7 tỷ đồng doanh thu, tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận trước thuế đạt 25 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế ở mức 19,8 tỷ đồng, tăng gấp 2,5 lần cùng kỳ năm 2021.
Trong năm 2022, công ty lên kế hoạch đạt 552 tỷ đồng tổng doanh thu và 20 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Với kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm, Phân lân Ninh Bình đã đạt 77,8% kế hoạch doanh thu và vượt 25% kế hoạch lợi nhuận của cả năm.
Điểm lại năm 2021, tổng doanh thu của công ty đạt được 556 tỷ đồng, tăng trưởng 29% so với thực hiện năm 2020 và đạt 121% kế hoạch đặt ra 2021. Lợi nhuận trước thuế năm 2021 đạt 17,1 tỷ đồng, tăng trưởng 41% so với thực hiện 2020 và đạt 142% kế hoạch năm 2021.
Với kết quả đạt được, Đại hội cổ đông thường niên năm 2022 của Phân lân Ninh Bình đã thông qua phương án phân phối lợi nhuận năm 2021, trong đó chia cổ tức cho cổ đông tỉ lệ 8% bằng tiền mặt.
Tại ngày 30/6/2022, doanh nghiệp có 251,6 tỷ đồng tổng tài sản, tăng 5% so với hồi đầu năm, trong đó chủ yếu là tài sản ngắn hạn với hàng tồn kho hơn 150 tỷ đồng, khoản phải thu ngắn hạn 77 tỷ đồng,… Nợ phải trả cũng tăng nhẹ 13% so với hồi đầu năm, ở mức gần 60 tỷ đồng, chủ yếu là khoản nợ ngắn hạn.
Nhờ hưởng lợi từ giá cả tăng mạnh, doanh nghiệp ngành phân bón ngay từ quý đầu năm nay đã báo lợi nhuận tăng trưởng mạnh mẽ, và được dự báo sẽ tiếp tục hưởng lợi trong quý II.
Trên thực tế, giá phân bón đã tăng gần 30% kể từ đầu năm 2022, sau khi tăng 80% trong năm 2021. Động lực cho xu hướng tăng giá này là sự kết hợp của nhiều yếu tố, bao gồm chi phí nguyên liệu đầu vào tăng cao, những đứt gãy của chuỗi cung ứng do các biện pháp trừng phạt đối với Nga và Belarut, các hạn chế xuất khẩu của Trung Quốc.
Trong khi đó, giá urê đã tăng vượt mức đỉnh của năm 2008, đồng thời giá phân lân và phân kali cũng đang tiếp cận các mức đỉnh năm 2008.