Dự luật yêu cầu Văn phòng Các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương của Bộ Ngoại giao Mỹ phối hợp với Văn phòng Các vấn đề Nam và Trung Á và Văn phòng châu Á tại Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ, trình báo cáo lên Quốc hội mỗi năm. Báo cáo phác thảo các nguồn lực cần thiết để đáp ứng các mục tiêu trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và chiến lược An ninh quốc gia sắp tới của Mỹ.
Dự luật được thiết kế để các quan chức Mỹ phụ trách khu vực châu Á có tiếng nói lớn hơn trong các cuộc tranh luận về mức tài trợ thích hợp cho từng khu vực địa lý.
Các lực lượng hải quân Mỹ, Anh và Nhật hoạt động ở biển Philippines. Ảnh: US NAVY/AP |
Nghị sĩ Dân chủ Ami Bera, Chủ tịch Tiểu ban Đối ngoại Hạ viện khu vực châu Á và nghị sĩ Cộng hòa Steve Chabot, thành viên tiểu ban này, hy vọng dự luật Gắn kết Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương một khi được thông qua sẽ thu hẹp khoảng cách giữa lời nói và hành động của Mỹ với khu vực.
Khi nhậm chức, Tổng thống Joe Biden đã cam kết sẽ tập trung chính sách đối ngoại vào TQ. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng Mỹ hành động không khớp với lời nói của ông Biden, đặc biệt khi Mỹ thời gian qua dành khá nhiều tiền hỗ trợ Ukraine.
Trao đổi với Financial Times, nghị sĩ Bera cho biết “chúng tôi đang cố gắng thực hiện xoay trục sang Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”, “chúng tôi muốn đảm bảo rằng mình sẽ không mất tập trung vào cuộc cạnh tranh chiến lược của thế kỷ 21 - cuộc cạnh tranh với TQ”.
Nghị sĩ Chabot không hài lòng việc Mỹ đánh giá châu Á là “một trong những khu vực kém quan trọng nhất” khi quản lý ngân sách ngoại giao và viện trợ nước ngoài. Tỉ lệ ngân sách phân bổ cho Văn phòng Đông Á dao động 3%-5% trong thập niên qua, theo Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội. Để so sánh, ngân sách cho khu vực châu Âu và Âu - Á tăng 65% trong giai đoạn đó.
Thừa nhận thực tế này, tuy nhiên ông Kurt Campbell, quan chức cấp cao nhất của Nhà Trắng về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, cho rằng chính quyền ông Biden đang đi đúng hướng, đề cập việc Mỹ mở thêm đại sứ quán ở Thái Bình Dương và tài trợ cho các sáng kiến tuần duyên.