vĐồng tin tức tài chính 365

Tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công

2022-07-20 06:50

Tính đến cuối tháng 6 vừa qua, giải ngân vốn đầu tư công nguồn ngân sách Nhà nước mới chỉ ước đạt gần 28% (27,86%) kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn so với mức cùng kỳ năm ngoái (29,02%). Vậy đâu là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng giải ngân còn chậm chạp này và các Bộ ngành, địa phương sẽ phải thực hiện các giải pháp nào để tăng tốc trong nửa còn lại của năm nay?

Mặc dù năm nay là năm đầu tiên thực hiện gói hỗ trợ phục hồi kinh tế - xã hội 350 nghìn tỷ đồng, trong đó, đầu tư công là một cấu phần hết sức quan trọng, chiếm đến 1/3 trong tổng nguồn tiền hỗ trợ. Thế nhưng, kết quả giải ngân nửa đầu năm lại thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái, chứng tỏ vẫn còn không ít Bộ ngành, địa phương chưa thực sự quyết liệt và có trách nhiệm trong việc thực hiện chỉ đạo của Chính phủ để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công.

Nguyên nhân chậm giải ngân vốn đầu tư công

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sau 6 tháng, vẫn còn 25 bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân dưới 10%. Thậm chí một số đơn vị chưa giải ngân được đồng nào. Tại Hội nghị tổng kết 6 tháng hôm qua, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT đã chỉ ra một số nguyên nhân dẫn đến giải ngân chưa đạt kỳ vọng. Đó là do vướng mắc trong khâu đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư; chất lượng công tác lập kế hoạch chưa sát với thực tế. Ngoài ra, giá nguyên vật liệu, phí vận chuyển tăng cao. Nhiều nhà thầu có tâm lý thi công cầm chừng để chờ hướng dẫn điều chỉnh, bù giá vật liệu xây dựng… cũng là những nguyên nhân làm chậm giải ngân trong thời gian qua.

Tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết: "Vấn đề nằm ở khâu tổ chức thực hiện của các bộ, ngành, địa phương, nằm ở trong khâu lập hồ sơ, lựa chọn nhà thầu, năng lực nhà thầu. Bây giờ còn thêm cả các vấn đề mới như giá cả nguyên vật liệu tăng lên cao. Phải nghiêm túc nghiên cứu, xem lại hệ thống pháp luật của ta, cơ chế chính sách đúng chưa, kể cả trong đấu thầu. Hiện nay chúng ta cứ nói trong đấu thầu không còn gì vướng mắc, nhưng trên thực tế vẫn còn rất nhiều, mà lần này ta buộc phải sửa đổi".

Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc chậm giải ngân vốn đầu tư công, nhưng có lẽ có 2 nguyên nhân cơ bản nhất đó là vướng mắc về giải phóng mặt bằng và giá nguyên vật liệu tăng cao thời gian gần đây. Đây là vấn đề không mới nhưng vẫn rất nan giải ở hầu hết các địa phương do khó khăn trong việc xác định nguồn gốc đất, giá đất, quỹ nhà tái định cư...

Ngoài ra, hơn một năm trở lại đây, các biến động từ bên ngoài đã tác động làm giá nguyên, nhiên, vật liệu tăng cao đến 30% so với trước. Tâm lý lo ngại "càng làm càng lỗ" khiến cho các nhà thầu thi công chậm lại để chờ điều chỉnh chính sách.

Kiên quyết không lùi tiến độ cao tốc Bắc Nam

Mới đây, tại cuộc họp Ban chỉ đạo của Chính phủ triển khai Dự án cao tốc Bắc-Nam phía đông, một trong những công trình chiếm lượng vốn đầu tư công lớn, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã yêu cầu Bộ giao thông vận tải phải thực sự sâu sát, quyết liệt hơn nữa trong việc chỉ đạo, đôn đốc các Ban quản lý dự án, nhà thầu… khắc phục ngay các vướng mắc, kiên quyết sẽ không lùi bất cứ mốc tiến độ nào.

Để tháo gỡ khó khăn cho các nhà thầu thi công, Bộ Giao thông vận tải đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành, địa phương có giải pháp bình ổn giá vật liệu xây dựng; nghiên cứu giảm thuế, phí cho các doanh nghiệp xây lắp để giảm tác động từ giá nguyên, vật liệu tăng cao. Cùng với đó, Bộ Xây dựng cần đôn đốc, hướng dẫn các địa phương xây dựng và công bố giá vật liệu xây dựng hàng tháng, sát với giá thị trường.

Ông Lương Văn Long, Giám đốc Ban Quản lý dự án Mai Sơn - QL 45, cho biết: "Hiện nay các bộ ngành đã đi kiểm tra và Ninh Bình đã đưa ra chỉ số giá và đưa lên một chút sát hơn thị trường, Thanh Hóa tối đa 14% nhưng vẫn thấp hơn chi phí nhà thầu mua".

Bộ Giao thông Vận tải cũng đã chỉ đạo các ban quản lý dự án khẩn trương làm việc với các nhà thầu, bám sát tiến độ, nhanh chóng nghiệm thu thanh toán các hạng mục đủ điều kiện và tính toán trượt giá để kịp thời xử lý.

Tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải, nhận định: "Thường vào dịp cao điểm hay nước rút về đích của dự án, khối lượng thanh toán rất lớn, Bộ sẽ có điều chỉnh gì trong việc thanh toán nghiệm thu khối lượng công viêc để tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị".

Cũng theo Bộ Giao thông Vận tải, đến nay, 4 dự án thành phần theo hình thức đầu tư công thuộc giai đoạn 1 của cao tốc Bắc Nam dự kiến hoàn thành trong năm nay, có tổng chiều dài 361 km chỉ còn chậm khoảng 3% tiến độ. 4 dự án phải hoàn thành trong năm sau hiện đang theo kịp tiến độ.

Tăng tốc các công trình giao thông trọng điểm 6 tháng cuối năm

Ngoài một loạt các dự án trọng điểm của ngành giao thông thì ở khối địa phương, Hà Nội cũng có nhiều công trình quan trọng đang ở giai đoạn "nước rút". Hà Nội gần đây thường xuyên đối mặt với tình trạng ngập úng do mưa, gây trở ngại cho việc xây lắp tại các dự án. Tuy nhiên, một số công trình vẫn tìm được giải pháp để thi công để đảm bảo tiến độ đề ra.

Dự án hầm chui Lê Văn Lương, Hà Nội dự kiến hoàn thành vào tháng 10 tới đây. Đến thời điểm này, đã đạt 80% khối lượng và 63% tiến độ giải ngân. Nhà thầu của dự án cho biết, để đảm bảo tiến độ, việc thi công được phân chia rõ theo thứ tự ưu tiên, trong đó, sẽ phải hoàn thành trạm bơm chống ngập trước bởi Hà Nội đang bước vào mùa mưa và tình trạng ngập úng khiến công tác thi công bị ảnh hưởng vẫn thường xuyên xảy ra.

Ông Hồ Đức Phúc, Giám đốc liên danh nhà thầu dự án hầm chui Lê Văn Lương, Hà Nội, cho biết: "Trình tự thi công của chúng tôi thì hiện tại chúng tôi hoàn thành khoảng 90% trạm bơm chung, chúng tôi đã huy động tổng thể các loại bơm để đáp ứng nhu cầu trong mùa mưa lũ và để đảm bảo thi công liên tục trên tổng thể dự án".

Một dự án có vốn đầu tư công lớn khác của Hà Nội là cầu Vĩnh Tuy 2 khởi công từ giữa năm ngoái, sau hơn 1 năm thi công đã giải ngân đạt khoảng 60%. Để đẩy nhanh tiến độ từ nay đến giữa năm sau, theo đơn vị tư vấn, thanh toán cuốn chiếu khối lượng đã hoàn thành là giải pháp cần được chủ đầu tư và nhà thầu phối hợp thực hiện.

Ông Nguyễn Duy Việt Phương, Tư vấn trưởng Dự án cầu Vĩnh Tuy 2, Hà Nội, chia sẻ: "Khi mà thi công đến hạng mục nào thì khi hoàn thành đều là hồ sơ cũng phải hoàn thành đến đấy nên việc có hồ sơ để thanh toán cho nhà thầu cũng là đáp ứng được kịp thời và sẽ phải đẩy nhanh quá trình đó để tạo điều kiện cho nhà thầu có vốn thi công"

6 tháng cuối năm sẽ là giai đoạn để Hà Nội tăng tốc giải ngân. Trong đó, việc huy động tối đa nguồn nhân lực, vật lực để đảm bảo tiến độ cam kết là các giải pháp cơ bản cần được các nhà thầu thực hiện.

Với mục tiêu đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng Chính phủ cũng đã thành lập 6 Tổ công tác để đi kiểm tra, đốc thúc việc phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công tại các bộ ngành, địa phương, đồng thời, liên tục có các giải pháp quyết liệt nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc… Trong khi đó, tại một số địa phương, việc công bố chỉ số giá xây dựng theo từng tháng đang bắt đầu được thực hiện.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Xem thêm: mth.1953724002702202-gnoc-ut-uad-nov-nagn-iaig-cot-gnat/et-hnik/nv.vtv

Comments:0 | Tags:No Tag

“Tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools