Synchron, một công ty trong lĩnh vực giao diện máy tính-não, được cho là đã cấy thiết bị đầu tiên của mình vào một bệnh nhân ở Mỹ vào đầu tháng này, vượt mặt Neuralink của Elon Musk.
Công ty khởi nghiệp này đã cấy một thiết bị 1,5 inch (khoảng 3,81 cm) vào não của một bệnh nhân mắc hội chứng ALS (Bệnh xơ cứng teo cơ một bên) tại trung tâm y tế Mount Sinai West ở New York vào ngày 6/7, theo Bloomberg. Người phát ngôn của Synchron đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận.
Cận cảnh thiết bị stentrode của Synchron.
Mục đích của thiết bị là cho phép bệnh nhân giao tiếp - ngay cả khi họ đã mất khả năng di chuyển - bằng cách sử dụng suy nghĩ để gửi email và tin nhắn. Báo cáo của Bloomberg cũng cho biết Synchron đã cấy thiết bị này cho 4 bệnh nhân ở Úc, cho phép họ sử dụng thiết bị cấy ghép trong não để gửi tin nhắn trên WhatsApp và mua sắm trực tuyến.
Năm ngoái, công ty khởi nghiệp có trụ sở tại Úc này đã nhận được sự cho phép của Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) để bắt đầu thử nghiệm trên người trên sáu bệnh nhân Mỹ bị liệt nửa người. Vào năm 2019, công ty đã cấy thiết bị của mình vào bệnh nhân đầu tiên là con người ở Melbourne, Australia.
Trong khi đó, Neuralink vẫn chưa nhận được sự chấp thuận của FDA, mặc dù Elon Musk đã dự đoán công ty có thể bắt đầu thử nghiệm trên người sớm nhất là vào năm 2020. Gần đây nhất, ông cho biết vào năm 2021 rằng công ty có kế hoạch bắt đầu cấy chip máy tính của mình lên người vào năm 2022. Thông báo này được đưa ra sau khi tỷ phú kiêm nhà đồng sáng lập chia sẻ video quay cảnh một con khỉ chơi trò chơi điện tử bằng cách sử dụng trí óc thông qua chip não Neuralink.
Đầu năm nay, người đồng sáng lập và cựu chủ tịch của Neuralink, Max Hodak, tiết lộ rằng ông đã đầu tư vào Synchron sau khi rời khỏi công ty khởi nghiệp của Musk.
Mô phỏng cách lắp đặt thiết bị của Neuralink.
Các thiết bị cấy ghép của Synchon và Neuralink có hiệu quả tương tự nhau. Cả hai đều được thiết kế để chuyển những suy nghĩ của con người thành các lệnh máy tính và có thể giúp cải thiện cuộc sống của những bệnh nhân mắc các bệnh về thần kinh như Parkinson hoặc ALS.
Tuy nhiên, các mục tiêu của Musk dành cho Neuralink có vẻ tham vọng hơn một chút. Trước đây, Musk từng tuyên bố giao diện não-máy có thể mang lại cho con người sức mạnh "thần giao cách cảm" và khiến con người cộng sinh với trí thông minh nhân tạo. Ông thậm chí gọi thiết bị này là "một chiếc Fitbit trong hộp sọ của bạn". Fitbit là thương hiệu smartwatch nổi tiếng của Mỹ.
Nhưng các sản phẩm của Neuralink và Synchron có một số điểm khác biệt chính, đó là kích thước và cách cài đặt. Sản phẩm của công ty khởi nghiệp từ Australia có thể được lắp vào hộp sọ người mà không cần cắt vào hộp sọ, bằng cách sử dụng một ống thông đưa thiết bị qua tĩnh mạch hình vòng cung vào mạch máu trong não. Quá trình này đòi hỏi tới hai cuộc phẫu thuật riêng biệt.
Ngược lại, Neuralink có kế hoạch tạo ra một thiết bị nhỏ hơn và mạnh hơn nhiều, nhưng yêu cầu cắt bỏ một phần hộp sọ của bệnh nhân và quá trình này sẽ được thực hiện bằng cách sử dụng một con robot.
Tham khảo BI
Theo Bảo Nam
Trí Thức Trẻ