Trong báo cáo tổng kết 6 năm thí điểm thành lập, Ban quản lí An toàn thực phẩm TP.HCM thông tin đơn vị này đã liên tục thu thập mẫu để rà soát tình trạng an toàn thực phẩm. Quá trình này phát hiện gần 50% mẫu rau củ quả tại TP.HCM tồn dư lượng hóa chất như hoạt chất carbendazim (trị nấm) trên cải bó xôi, cà chua, cải ngọt, cải thìa, cải xanh, mồng tơi, húng cây, rau dền. Hay phát hiện hoạt chất permethrine (thuốc trừ sâu) trên cải bó xôi, cải ngọt, cải thảo, cải thìa, rau muống; hoạt chất cypermethrine trên cải dún, cải ngọt, cải xanh củ cải trắng, húng cây, rau muống hạt và hoạt chất Imidacloprid trên cải ngọt, cà chua. Ngoài ra còn hơn 40% mẫu hải sản phát hiện kim loại nặng, trong đó có nhiều mẫu vượt giới hạn cho phép, cá biệt có sản phẩm phát hiện dư lượng của 7 hoạt chất.
Trao đổi với PLO, PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện công nghệ sinh học và thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội cho rằng những hoạt chất được phát hiện trong rau, củ quả như carbendazim (trị nấm), permethrine (thuốc trừ sâu), hay hoạt chất cypermethrine, imidacloprid đến các hoạt chất phát hiện ở thủy sản như chloramphenicol, ciprofloxacin và enrofloxacin đều gây ảnh hưởng đến sức khỏe khi sử dụng.
Các hoạt chất phát hiện tồn dư trong rau, củ, quả ở 3 chợ đầu mối TP.HCM đều gây hại cho sức khỏe. ẢNH: HẠ QUYÊN |
PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh lấy ví dụ như hoạt chất ciprofloxacin có thể gây buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau đầu, đau dạ dày, xét nghiệm chức năng gan bất thường, triệu chứng vàng da, vàng mắt. “Tuy nhiên, tình trạng nhiễm độc hóa chất bảo vệ thực vật, cũng như mức độ độc hại còn tùy theo loại hóa chất và liều lượng dùng ít hay nhiều và thời gian cách ly dài hay ngắn", PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh lưu ý.
TS Phạm Thế Đồng, Phó chủ tịch Liên chi hội dinh dưỡng và thực phẩm TP.HCM cũng đồng tình và cho biết các hoạt chất trên đều nguy hiểm cho sức khỏe. Với một số hoạt chất như ciprofloxacin, enrofloxacin... các chất này chủ yếu giúp phòng trị bệnh vật nuôi, tăng năng suất. Từ lâu nhiều quốc gia đã cấm tuyệt đối trong chăn nuôi, vì ăn thực phẩm có kháng sinh khiến cơ thể lờn thuốc, phát sinh chủng vi khuẩn mới, gây bệnh mới.
Vị chuyên gia này cho biết, khi thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật bám dính lâu trên thân, lá sẽ rất khó bị rửa trôi. Nếu người dân sử dụng những loại thực phẩm tồn dư nhiều thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép có thể bị rối loạn chuyển hóa, tiềm ẩn nguy cơ gây ung thư.
Ngoài ra, việc tồn dư kim loại nặng trong hải sản thường như chì, thủy ngân, adimi…đây đều là những chất độc, nếu tích tụ lâu dài trong cơ thể gây rối loạn chuyển hóa, thay thế chất khoáng cơ thể cần, suy giảm chức năng gan, thận. Việc tồn dư kim loại nặng trong hải sản thường là do ảnh hưởng của môi trường nước, đất…