Từ sáng sớm 20/7, cảnh sát chốt chặn, giới hạn ra vào khu vực TAND huyện Đức Hoà - nơi diễn ra phiên xử ông Lê Tùng Vân, 90 tuổi, cùng 5 người của tịnh thất Bồng Lai. Rất đông người hiếu kỳ đến tòa, song chỉ những ai có giấy mời của toà mới được vào phòng trong. Phóng viên báo đài tác nghiệp ở phòng riêng, theo dõi phiên xử qua màn hình.
Ông Lê Tùng Vân và bà Cao Thị Cúc (62 tuổi, chủ tịnh thất Bồng Lai) được ngồi khi phiên tòa diễn ra, do sức khoẻ yếu. Cả 6 bị cáo đều bị TAND huyện Đức Hòa xét xử về tội Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân theo khoản 2 Điều 331 Bộ luật Hình sự; khung hình phạt 2-7 năm tù.
Tại phần thủ tục, thư ký cho biết phiên tòa lần này tiếp tục vắng một số người có quyền, nghĩa vụ liên quan và nhân chứng, trong đó có Võ Thị Diễm My (cô gái bỏ nhà đến tịnh thất Bồng Lai tu). Hai luật sư của các bị cáo đề nghị HĐXX tạm ngừng phiên toà để xác minh về một số chứng cứ có trong hồ sơ. Tuy nhiên, tòa không chấp nhận bởi cho rằng những kiến nghị của luật sư thuộc về đánh giá chứng cứ, HĐXX sẽ nghe các bên tranh luận, nếu thấy cần thiết sẽ dừng phiên toà.
Tiếp đó, luật sư đề nghị thay đổi chủ tọa vì trong quá trình tòa giải quyết vụ án, luật sư đề nghị triệu tập 52 người tham gia tố tụng nhưng chỉ được chấp nhận 4 người, như vậy sẽ không làm sáng tỏ được vụ án. Ngoài ra, phía bị hại là Giáo Hội phật giáo Việt Nam tỉnh Long An có đơn xin vắng mặt, sẽ ảnh hưởng đến quá trình xét hỏi.
Kiến nghị này không được chấp thuận vì không thuộc trường hợp tại Điều 49 và Điều 53 Bộ luật Tố tụng hình sự (quy định về các trường hợp thay đổi thành viên HĐXX).
Là người duy nhất được tại ngoại, ông Vân cũng là người đầu tiên tòa thẩm tra lý lịch. Bị cáo đứng lên nói, giọng yếu ớt, cho biết do đã lớn tuổi nên không nhớ địa chỉ nơi sinh, vẫn độc thân và có hai bằng đại học.
Sau khi cáo trạng được công bố, bị cáo Lê Tùng Vân cho rằng cáo buộc về mình không đúng. Tương tự, bị cáo Lê Thanh Trùng Dương cũng phản đối cáo trạng, nói không hề biết những video ghi trong cáo trạng. Đối với các lời khai tại cơ quan điều tra, Dương cho rằng: "Tôi bị cán bộ đánh, bị còng siết rất chặt. Vì bị cán bộ uy hiếp nên mới ký vào bản khai không đúng sự thật".
Trước việc các bị cáo không thừa nhận hành vi, HĐXX công bố nhiều video thể hiện các bị cáo đã kéo đến trụ sở Công an huyện Đức Hòa "đòi" Diễm My, vì cho rằng "công an đã bắt cóc" cô này.
12h, phiên toà tạm ngừng, chiều tiếp tục làm việc.
Theo cáo trạng, từ năm 2019 đến 2021, ông Vân đã chỉ đạo Lê Thanh Hoàng Nguyên, 31 tuổi; Lê Thanh Nhất Nguyên, 30 tuổi, lập nhiều tài khoản Youtube 5 Chú Tiểu - Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ và Nhất Nguyên - Hoàn Nguyên Official. Những người này đã biên soạn, dàn dựng, diễn xuất, đăng tải các video có lời nói xuyên tạc giáo lý Phật giáo, xúc phạm danh dự cá nhân Thượng tọa Thích Nhật Từ... đăng lên kênh 5 Chú Tiểu - Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ.
Liên quan đến việc nhiều người kéo đến trụ sở Công an huyện Đức Hòa "đòi" Diễm My, Nhất Nguyên đã dùng điện thoại ghi hình sự việc, sau đó đăng lên kênh Nhất Nguyên – Hoàn Nguyên Official với nội dung "công an huyện bắt cóc cô gái tên Diễm My". Những người còn lại có vai trò tham gia diễn xuất, phát trực tiếp các video có nội dung sai sự thật, xúc phạm danh dự người khác.
Quá trình điều tra, các bị cáo thừa nhận đã tham gia những video như cáo buộc, song bà Cúc cho rằng những người tại thiền am vái lạy ông Vân là thể hiện lòng thành kính, do tôn sùng ông này "có đức hạnh như Phật". Còn Nhị Nguyên thừa nhận nội dung video đăng tải đã được cắt ghép, dàn dựng, không đúng với thực tế nhưng bị can "không phải là người vu khống Công an Đức Hòa".
- Vắng nhiều nhân chứng, tòa hoãn xử vụ tịnh thất Bồng Lai
- Những người tại tịnh thất Bồng Lai sai phạm thế nào
- Thêm người tại tịnh thất Bồng Lai bị bắt