Tính đến thời điểm hiện tại, Lào Cai chưa có đơn hàng xuất khẩu lao động nào qua Campuchia nên có thể khẳng định rằng 200 công dân này đều thông qua con đường không chính thống, bất hợp pháp.
Đặc biệt, thời gian gần đây ghi nhận trong số đó có 9 lao động được giải thoát trở về sau khi phải bỏ tiền chuộc dù trước đó là những lời chào mời ngọt ngào trên mạng xã hội rằng việc nhẹ, lương cao, môi trường làm việc an toàn. 9 nạn nhân này có thể chưa phải là con số cuối cùng.
Bà Đinh Thị Hưng, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Lào Cai cho biết: "Đã có những lao động bị lôi kéo, tống tiền, đe dọa, đánh đập. Đây là dấu hiệu vi phạm hình sự và chắc chắn có những đường dây để dụ dỗ, lừa gạt ở không chỉ riêng Lào Cai mà còn các địa phương khác. Chúng tôi rất mong là các ngành chức năng cần sớm vào cuộc, đồng thời cũng cần điều tra, truy tố và đưa ra xét xử những vụ án điểm để cảnh tỉnh, ngăn ngừa tình trạng này trong thời gian tới."
Trước hệ lụy của dòng chảy lao động bất hợp pháp qua Campuchia, cơ quan chức năng tỉnh Lào Cai đã có văn bản gửi các địa phương để nắm bắt thông tin, tăng cường quản lý nhân khẩu; thông qua gia đình khuyến cáo các lao động trái phép liên hệ với đường dây nóng, Đại sứ quán để được bảo hộ, sớm trở về địa phương an toàn; tuyên truyền, vận động người dân không nên cả tin vào những lời chào mời thiếu căn cứ trên internet.
Hiện, hàng tháng tại Lào Cai đều công khai danh mục các đơn hàng tuyển dụng lao động nội tỉnh, ngoại tỉnh, xuất khẩu ra nước ngoài với rất nhiều thông tin phong phú, minh bạch về vị trí, yêu cầu việc làm, chế độ đãi ngộ của các doanh nghiệp; ngoài ra còn bao gồm các thông tin về tuyển sinh – hỗ trợ giải quyết việc làm.
Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Lào Cai đang tìm hướng mở rộng kênh kết nối hơn nữa, đặc biệt qua internet và các mạng xã hội để người dân dễ dàng tiếp cận, nhất là các lao động vùng cao./.
Xem thêm: vov.636759tsop-pehp-iart-gnod-oal-aihcupmac-auq-iac-oal-o-iougn-002/taul-pahp/nv.vov