J. Douglas Holladay là giáo sư tại trường Kinh doanh Đại học Georgetown và đồng thời là sáng lập của Park Avenue Equity Partners. Ông cũng là tác giả của cuốn sách với tựa đề: "Tư duy lại về thành công: 8 phương pháp cần thiết để tìm kiếm ý nghĩa trong công việc và cuộc sống" (Rethinking Success: 8 essential practices for finding meaning in work and life), do HarperCollins xuất bản. Trước đây, Holladay là nhân viên ngân hàng đầu tư tại Goldman Sachs, cũng đã từng làm việc cho Nhà Trắng với tư cách là Đại sứ đặc biệt chuyên điều phối các mối quan hệ quốc tế. Dưới đây là chia sẻ của ông về điều mà ông cho là quan trọng nhất trong việc nuôi dạy con cái ngày nay.
Chân dung giáo sư J. Douglas Holladay
Trong hơn bốn thập kỷ, tôi đã gặp gỡ và làm việc rất nhiều với các doanh nhân thành đạt, bao gồm các đồng nghiệp tại Nhà Trắng, Bộ Ngoại giao, Goldman Sachs và cả các sinh viên MBA sáng giá trong các lớp học của tôi tại Trường Kinh doanh Đại học Georgetown.
Tôi đã quan sát họ và lắng nghe câu chuyện của họ. Trong số rất nhiều bài học quý giá mà họ đã dạy cho tôi, tôi nhận ra tầm quan trọng nhất của việc dạy con cái là ta cần dạy cho chúng chấp nhận rủi ro một cách thông minh, đồng thời cần biết đứng dậy sau vấp ngã và vươn lên như một thiên thần trong cuộc sống.
Ngày nay, thật không may, kỳ vọng và nhu cầu kiểm soát của cha mẹ có thể khiến việc tiếp thu kỹ năng này trở nên thật khó khăn đối với con trẻ.
Hãy bắt đầu bằng cách hỗ trợ tinh thần cho con bạn
Margot Bisnow, một nghiên cứu sinh đồng thời là tác giả của cuốn sách "Nuôi dạy một doanh nhân" (Raising an Entrepreneur) từ lâu đã phân vân về khái niệm chấp nhận rủi ro.
Bà Margot Bisnow
Cô ấy đã làm sáng tỏ chủ đề này cho tôi bằng cách hỏi một nhóm những doanh nhân trẻ thành công, bản lĩnh không ngại đương đầu rủi ro về cách họ được nuôi dưỡng. Câu trả lời của họ nhất quán một cách đáng ngạc nhiên: Tất cả đều có cha mẹ hoặc người chăm sóc họ đều đặt hoàn toàn tin tưởng vào họ.
Trở thành doanh nhân cần phải trải qua rất nhiều khó khăn, sẽ có những lúc vướng vào sự tự nghi ngờ về bản thân. Đôi khi tâm trí của bạn đang chơi vơi và bủa vây bởi những tiếng nói, cả bên trong và bên ngoài, thúc giục bạn từ bỏ, trưởng thành và kiếm một công việc "bình thường". Bạn cần một giọng nói trấn an bạn, đặc biệt là khi bạn đang cảm thấy mờ mịt và lạc lối về con đường phía trước.
Một cách hiệu quả để truyền tiếng nói đó cho con cái chúng ta là trở thành một điểm tựa hỗ trợ tinh thần mạnh mẽ. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng khi trẻ em được hỗ trợ về mặt tinh thần (ví dụ như cha mẹ có các cử chỉ hoặc hành động quan tâm, luôn sẵn sàng giúp đỡ), chúng sẽ tự hào về các kỹ năng của mình, từ đó tự tin và không còn sợ hãi.
Nhưng đó không phải chỉ là về việc nuôi dưỡng một doanh nhân. Mặc dù sự ủng hộ mạnh mẽ về mặt tinh thần có thể tạo ra một sinh viên của một trường danh tiếng bỏ ngang việc học và thành lập một công ty công nghệ, mặt khác nó cũng có thể tạo ra một chuyên gia giỏi tốt nghiệp trường luật và hành nghề một cách nghiêm túc, hoặc một giáo viên lớp năm thích nuôi dưỡng những tâm hồn trẻ thơ.
Con đường mà trẻ lựa chọn không chỉ có một. Điều quan trọng chính là chúng có thể học được cách đối mặt với nỗi sợ hãi của mình và đơn giản là làm được điều chúng muốn.
Tạo môi trường phù hợp nhất để con tự do vẫy vùng và phát triển
Môi trường phát triển mà có thể cho phép con trẻ được học cách chấp nhận rủi ro một cách thích học không chỉ là một địa điểm, một nơi chốn mà nằm ở tư duy. Ở trong một môi trường phù hợp, con trẻ có thể được khuyến khích chơi và khám phá, từ đó chúng sẽ cảm thấy thoải mái hơn với những rủi ro và nhiều tác động của nó.
Nhưng mong muốn kiểm soát và kỷ luật có thể bóp nghẹt trí tưởng tượng và sự liều lĩnh của trẻ em. Thường tại các sân bay, tôi thấy các bậc cha mẹ "có trách nhiệm" quá khích rất hay mắng nhiếc những đứa con của họ, kiểu như: "Johnny, đừng chạy nữa! Hãy ngồi xuống và cư xử cho đúng mực nào". Trong khi tất cả những gì con cái của họ đang làm là hăng hái khám phá môi trường mới thì họ lại chính là người ngăn cản điều đó.
Với tư cách là một người cha, tôi hiểu xu hướng của các bậc cha mẹ là luôn có những sự lo lắng và sợ hãi nhất định đối với sự phát triển của con cái họ. Nhưng vấn đề ở đây là: Con người được tạo ra để khám phá nhiều điều mới. Alison Gopnik, một nhà tâm lý học phát triển trẻ em tại Đại học California, Berkeley, viết: "Chúng ta chơi ít hơn khi lớn lên và trở nên dè chừng với những lựa chọn thay thế mới lạ và luôn cố gắng gắn bó bản thân với những thứ quen thuộc."
Vì vậy, hãy cho phép con bạn được vượt qua giới của chúng, phạm sai lầm và khám phá những con đường mới khi chúng còn nhỏ. Bạn có thể làm điều đó bằng một số cách như: Khuyến khích con thử một món ăn mới, trò chuyện với một người bạn cùng lớp mà con thường chưa chơi cùng hoặc đọc một cuốn sách không thuộc thể loại mà con hay lựa chọn.
Cho đến cuối cùng, có thể con bạn không thích trải nghiệm đó, nhưng ít nhất chúng cũng đã tự trải nghiệm để không thích nó, và chúng cũng sẽ lớn lên với sự bản lĩnh không ngại đương đầu với rủi ro- bởi chính bạn là người thầy của con bạn.
Nguồn: CNBC
http://tintuc.vdong.vn/07/1433726.htmYến Trang
Theo Trí Thức Trẻ