vĐồng tin tức tài chính 365

Kinh tế châu Âu đứng trước hàng loạt phép thử khắc nghiệt

2022-07-21 12:38

Cũng như Mỹ và các nền kinh tế phát triển khác, châu Âu đang quay cuồng trong vòng xoáy lạm phát, đe dọa chấm dứt sự bùng nổ tiêu dùng hậu phong tỏa. Châu lục này còn đang phải đối mặt khủng hoảng năng lượng, nắng nóng bất thường và bất ổn chính trị.

Các nhà kinh tế học đang cảnh báo cuối năm nay hoặc đầu năm sau, châu Âu có thể rơi vào suy thoái. Xác suất này đang ngày càng cao. "Tình hình hiện không tốt", Erik Nielsen - kinh tế trưởng tại Ngân hàng UniCredit (Italy) cho biết, "Tôi cho rằng khả năng cao là châu Âu suy thoái trong mùa đông".

Khủng hoảng năng lượng

Mối lo lớn nhất với kinh tế châu Âu hiện tại là khả năng tiếp cận năng lượng. Các nước lo ngại Moskvacắt đứt nguồn cung khí đốt để trả đũa lệnh trừng phạt của phương Tây. Việc này sẽ khiến châu Âu rơi vào khủng hoảng.

Một cơ sở lưu trữ khí đốt từ đường ống Nord Stream 1 ở Lubmin, Đức hồi đầu tháng 3. Ảnh: Reuters

Một cơ sở lưu trữ khí đốt từ đường ống Nord Stream 1 ở Lubmin, Đức hồi đầu tháng 3. Ảnh: Reuters

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết nếu khí đốt từ Nga bị cắt, các nước dễ tổn thương là Slovakia, Séc và Hungary có thể rơi vào suy thoái nghiêm trọng, với GDP giảm 6%. Riêng Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu - được dự báo mất 220 tỷ euro (225 tỷ USD) trong 2 năm tới.

Hiện tại, 12 thành viên EU đã bị Nga cắt hoàn toàn hoặc một phần khí đốt, theo Ủy ban Châu Âu (EC). Việc này khiến các nước phải công bố kế hoạch khẩn cấp để duy trì khí đốt cho mùa đông tới. EC cho biết khí đốt Nga sang châu Âu hiện ít hơn một phần ba so với cùng kỳ năm ngoái.

Hôm nay là ngày đường ống Nord Stream 1 từ Nga sang Đức dự kiến hoạt động trở lại sau 10 ngày bảo dưỡng. Thời gian qua, giới chức vẫn lo ngại liệu đường ống này có được mở lại nữa hay không, và sau đó Nga sẽ cung cấp bao nhiêu khí đốt qua đây. Dòng chảy khí đốt qua đường ống này rất quan trọng, thường đáp ứng 12% nhu cầu của cả châu Âu, theo S&P Global Platts.

Tuy nhiên, từ trước đó, lượng khí đốt đi qua đường ống này đã giảm mạnh. Tháng trước, mức giảm lên tới 60%, buộc Berlin tuyên bố "khủng hoảng khí đốt".

Hôm 19/7, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố hãng khí đốt quốc doanh Gazprom "sẽ thực hiện đầy đủ nghĩa vụ". Dù vậy, ông cũng cảnh báo việc một turbine khí hỏng, được Nga gửi đi sửa mà bị chậm hoàn lại do các lệnh trừng phạt sẽ đe dọa nguồn cung.

Và kể cả nếu nguồn cung khí đốt được khôi phục, tương lai thiếu chắc chắn của EU vẫn sẽ kìm hãm niềm tin tiêu dùng và đầu tư tại đây. "Thời kỳ bất ổn còn kéo dài. Điều này không hề có lợi cho chu kỳ kinh doanh", Guillaume Menuet - Giám đốc Chiến lược Đầu tư và Kinh tế tại Citi Private Bank nhận định.

Lạm phát

Lạm phát tại EU trong tháng 6 đã lên 9,6%. Còn với 19 nước sử dụng đồng euro, con số này là 8,6%.

Để chặn lại đà tăng giá, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) dự kiến nâng lãi suất trong hôm nay, lần đầu tiên kể từ năm 2011. Tuy nhiên, họ sẽ phải vượt qua nhiều thách thức nếu muốn kiểm soát tình hình.

ECB đã chậm chân so với nhiều cơ quan khác, như Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Fed đã nâng lãi suất từ vài tháng trước. Lãi suất tại châu Âu được duy trì ở mức âm từ năm 2014. Tuy nhiên, nếu việc thiếu nhiên liệu đẩy khu vực này vào suy thoái, ECB sẽ bị buộc ngừng nâng lãi.

"Tình hình hiện tại không cho ECB nhiều cơ hội. Họ không nâng lãi mạnh tay được", Carsten Brzeski - Giám đốc Vĩ mô Toàn cầu tại ngân hàng ING nhận định.

Nếu suy thoái diễn ra, lạm phát có thể dịu lại mà không cần ECB can thiệp nhiều. Tuy nhiên, các nhà kinh tế học cũng không mấy mặn mà với kịch bản này, vì nó đồng nghĩa hàng loạt lao động sẽ thất nghiệp.

Biến đổi khí hậu

Cháy rừng đang diễn ra trên khắp Tây Ban Nha và Pháp do nắng nóng kỷ lục. Việc này có thể gây sức ép lên hoạt động kinh tế ở châu Âu.

Gần nửa lãnh thổ châu Âu đang gặp rủi ro khô hạn, theo các nhà nghiên cứu tại Ủy ban Châu Âu. Đức thì đang chứng kiến mực nước sông Rhine - tuyến thương mại quan trọng - giảm mạnh. Nhiều dấu hiệu cho thấy hoạt động vận tải biển đang chịu ảnh hưởng.

"Mực nước thấp đồng nghĩa tàu thuyền phải giảm tải trọng hoặc thậm chí dừng hoạt động", Berenberg Bank cho biết trong một báo cáo hôm qua, "Kết quả là lượng hàng hóa được vận chuyển sẽ giảm và chi phí vận chuyển tăng".

Việc này sẽ càng gây sức ép lên lĩnh vực sản xuất rất quan trọng của Đức. Các nhà nghiên cứu tại Viện Kinh tế Toàn cầu Kiel ước tính nếu mực nước thấp duy trì trong 30 ngày, sản lượng công nghiệp của Đức sẽ giảm 1%.

Biến động chính trị

Tình hình chính trị tại Italy - nền kinh tế lớn thứ 3 EU - đang gây chú ý. Thủ tướng Mario Draghi đã nộp đơn từ chức sau khi đảng Phong trào 5 Sao (M5S) từ chối tham gia bỏ phiếu tín nhiệm chính phủ. Họ cho rằng các chính sách của ông Draghi nhằm giải quyết lạm phát là không đủ.

Cuộc bỏ phiếu tín nhiệm đã trở thành tâm điểm cho những căng thẳng trong chính phủ liên minh của ông Draghi khi các đảng chuẩn bị đối đầu trong cuộc bầu cử quốc gia diễn ra đầu năm 2023. "Nếu anh nhìn vào đây, đặc biệt là đối với tăng trưởng và nền kinh tế, các diễn biến chính trị rõ ràng là rủi ro", Brzeski cho biết.

Nhà đầu tư đã bán tháo trái phiếu Italy, khiến lợi suất lên cao. Việc này càng trói tay ECB khi hôm nay, cơ quan này được kỳ vọng thông báo công cụ mới nhằm giải quyết tình trạng chênh lệch lợi suất trên thị trường trái phiếu chính phủ các nước thành viên. Nếu lợi suất tại Italy hay Hy Lạp tăng quá cao, tài chính của châu Âu sẽ xuống cấp.

Rủi ro suy thoái

EC tuần trước dự báo châu Âu chỉ tăng trưởng 2,7% năm nay và 1,5% năm sau. Lạm phát cũng có thể đạt đỉnh 8,3% năm nay, sau đó hạ nhiệt về 4,6% năm tới.

Sylvain Broyer - kinh tế trưởng tại S&P Global Ratings cho rằng suy thoái chưa chắc đã xảy ra, do tài chính của các hộ gia đình vẫn ổn định và đầu tư công vẫn tăng. Hè này cũng được dự báo là mùa du lịch nhộn nhịp, giúp kéo hoạt động kinh tế lên cao.

Broyer cho rằng dù "tăng trưởng giảm mạnh là điều chắc chắn 100%", khả năng "suy thoái toàn diện" lại thấp hơn, chỉ khoảng 30-43%.

Tuy nhiên, rủi ro này đang tăng lên. Một khảo sát của Bank of America với các quỹ đầu tư ở châu Âu tuần này cho thấy 86% người tham gia dự báo suy thoái trong năm tới. Tháng trước, tỷ lệ này chỉ là 54%.

Hà Thu (theo CNN)

Xem thêm: lmth.8520944-teihgn-cahk-uht-pehp-taol-gnah-court-gnud-ua-uahc-et-hnik/ten.sserpxenv

Comments:0 | Tags:No Tag

“Kinh tế châu Âu đứng trước hàng loạt phép thử khắc nghiệt”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools