Nhận xét tình hình giải ngân vốn đầu tư công kế hoạch 2022, Bộ Tài chính cho biết: Tỷ lệ ước giải ngân 6 tháng đầu năm 2022 đạt 27,75% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2021 (29,02%). Trong đó, vốn trong nước đạt 29,06% (cùng kỳ năm 2021 đạt 31,75%), vốn nước ngoài đạt 8,61% (cùng kỳ năm 2021 đạt 7,37%).
Cả nước có 7 Bộ và 12 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 35%. Một số Bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt cao gồm: Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (71,55%); Ngân hàng phát triển (49,42%), Ngân hàng Chính sách xã hội (48,3%), Phú Thọ (51,13%), Lâm Đồng (47,68%), Bình Thuận (45,06%), Ninh Bình (43,88%), Tiền Giang (42,7%).
Cùng với đó, cả nước có 40/51 Bộ và 25/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 25%, có 25 Bộ và 1 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 10% (trong đó 4 Bộ chưa giải ngân kế hoạch vốn).
Trong các tỉnh, thành có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao nhất trong 6 tháng đầu năm, Phú Thọ có tỷ lệ cao nhất cả nước. Theo đó, trong 6 tháng đầu năm, Phú Thọ đã giải ngân được 1.762 tỷ đồng, đạt 51,13% kế hoạch năm.
Cụ thể, vốn ngân sách trung ương giải ngân được 993,93 tỷ đồng, đạt 50% kế hoạch năm; ngân sách tỉnh giải ngân đạt 538,392 tỷ đồng, đạt 44,2% (vốn đầu tư công phân cấp về huyện, xã giải ngân được 105,207 tỷ đồng, đạt 26,8% kế hoạch năm).
Top 10 tỉnh, thành có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao nhất trong 6 tháng đầu năm 2022. Nguồn: Bộ Tài chính.
Xếp ở vị trí thứ 2 là Lâm Đồng với số tiền giải ngân được khoảng 2.530 tỷ đồng, đạt 47,68% kế hoạch năm. Trong năm 2022, tỉnh Lâm Đồng được bố trí, phân bổ trên 5.100 tỷ đồng để thực hiện các danh mục, công trình, dự án đầu tư công, trong đó trên 4.200 tỷ đồng vốn đầu tư từ ngân sách địa phương, trên 900 tỷ đồng vốn ngân sách Trung ương.
Theo Bộ Tài chính, dựa trên kết quả giải ngân vốn đầu tư công trong 6 tháng đầu năm thấy được Lâm Đồng đã rất quyết tâm thực hiện giải ngân nguồn vốn đầu tư, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của năm 2022.
Bình Thuận là tỉnh có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao thứ 3 cả nước. Cụ thể, tỉnh đã giải ngân được 2.267 tỷ đồng, đạt 45,06% kế hoạch năm. Tính đến nay, tỉnh có 9 chủ đầu tư giải ngân trên 50% kế hoạch vốn.
Tuy nhiên, theo UBND tỉnh Bình Thuận, một số chủ đầu tư kết quả giải ngân đạt thấp, trong đó 6 chủ đầu tư chưa giải ngân kế hoạch vốn năm 2022. Về tình hình thực hiện giải ngân 9 công trình trọng điểm của tỉnh, kết quả đến ngày đến ngày 30/6 đạt khoảng 25% kế hoạch.
Cùng với đó, Ninh Bình và Tiền Giang là 2 tỉnh còn lại lọt top 5 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao nhất cả nước. Ninh Bình đã giải ngân được 2.790 tỷ đồng, đạt 43,88% kế hoạch năm. Tiền Giang giải ngân được 1.750 tỷ đồng, đạt 42,70% kế hoạch năm 2022.
https://cafef.vn/top-10-tinh-thanh-co-ty-le-giai-ngan-von-dau-tu-cong-cao-nhat-ca-nuoc-trong-6-thang-dau-nam-2022-20220721101932456.chn