Thủ tướng Ý Mario Draghi - Ảnh: AFP
Trước đó, hôm 14-7, Thủ tướng Draghi cũng đã thông báo từ chức giữa bối cảnh khủng hoảng chính trị bùng phát khi 3 đảng quan trọng không tham gia bỏ phiếu tín nhiệm chính phủ. Ông nói "liên minh đoàn kết dân tộc ủng hộ chính phủ này không còn tồn tại nữa".
Việc Thủ tướng Mario Draghi chính thức từ chức đã đặt dấu chấm hết cho chính phủ đoàn kết dân tộc của ông sau 17 tháng cầm quyền.
Trong một tuyên bố cùng ngày 21-7, văn phòng của Tổng thống Sergio Mattarella cho biết ông đã "lưu ý" về việc từ chức của Thủ tướng Ý Mario Draghi và yêu cầu ông Draghi tiếp tục giữ vai trò người điều hành trong lúc này.
Tuy nhiên, tuyên bố không cho biết ông Mattarella sẽ làm gì tiếp theo. Các nguồn tin chính trị hồi đầu tuần này cho biết nhiều khả năng ông sẽ giải tán Quốc hội Ý và tổ chức các cuộc bầu cử sớm vào tháng 10. Ông Mattarella có kế hoạch gặp chủ tịch của hai viện thuộc Quốc hội Ý vào chiều 21-7 (giờ địa phương).
Tháng 2-2021, liên minh cầm quyền của Thủ tướng Draghi được lập ra, với sự tham gia của Đảng M5S, Đảng Liên đoàn, Đảng Forza Italia, Đảng Dân chủ, Đảng Italia Viva và Đảng Article One. Trong đó, M5S là đảng lớn nhất.
Ông Draghi từ chức sau khi Đảng M5S, Đảng Liên đoàn và Đảng Forza Italia từ chối tham gia bỏ phiếu tín nhiệm chính phủ tại Thượng viện Ý vào tuần trước. Cuộc bỏ phiếu này về cơ bản kêu gọi các đảng chấp thuận tinh thần hợp tác.
Theo báo The Guardian, lúc đầu cuộc khủng hoảng chính trị nổ ra vào tuần trước sau khi Đảng M5S tẩy chay cuộc bỏ phiếu về một gói hỗ trợ trị giá 26 tỉ euro (26,49 tỉ USD) được đề xuất nhằm giúp người Ý giải quyết lạm phát và chi phí năng lượng vì cho rằng biện pháp này không đủ. Đảng M5S cũng không hài lòng vì gói hỗ trợ này có điều khoản xây dựng một nhà máy đốt rác khổng lồ ở Rome.
TTO - Hôm 14-7, Thủ tướng Ý Mario Draghi thông báo đệ đơn từ chức, khẳng định liên minh đoàn kết dân tộc vốn ủng hộ chính phủ "đã không còn tồn tại".