Mở cửa phiên giao dịch ngày 21/7, các chỉ số tăng điểm ngay từ đầu phiên giao dịch khiến nhiều nhà đầu tư trong các hội nhóm chứng khoán lạc quan về một phiên giao dịch bứt phá.
Nhiều cổ phiếu lớn tăng điểm nâng đỡ thị trường. Trong đó, nhóm ngân hàng đóng vai trò trụ cột thị trường chung khi LPB, MSB, VIB, HDB, ACB...
Dù vậy, áp lực bán vẫn còn xuất hiện và gây một số trở ngại cho đà tăng của thị trường chung, trong đó, PLX, VHM, BVH, VNM giảm điểm... HNX-Index từ đầu phiên thậm chí lùi xuống dưới mốc tham chiếu còn VN-Index vẫn vượt lên trên tham chiếu.
Không chỉ nhóm ngân hàng, tiền còn đổ mạnh vào cổ phiếu thép, bán lẻ. Thị trường chứng khoán nới rộng đà tăng về giữa phiên sáng, trong đó lực kéo mạnh từ nhóm vốn hóa lớn là động lực chính khiến thị trường khởi sắc hơn. Tạm dừng phiên sáng, VN-Index tăng 3,35 điểm lên 1.197,49 điểm. Số mã tăng áp đảo trong rổ VN30 lúc kết phiên sáng với 19 cổ phiếu, trong khi chỉ có 6 mã giảm và 5 mã đứng giá tham chiếu.
Theo nhận định của công ty chứng khoán, phiên 21/7 cũng là phiên đáo hạn hợp đồng tương lai tháng 7 nên diễn biến thị trường có thể bị biến động mạnh về cuối phiên. Thị trường mở cửa phiên chiều ghi nhận những nhịp rung lắc mạnh, chỉ số liên tục đảo chiều và có lúc gần chạm về tham chiếu. Tuy vậy, nhóm cổ phiếu lớn vẫn bứt phá và đóng vai trò trụ đỡ, có thời điểm VN30 tăng điểm gấp đôi VN-Index.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 4,33 điểm, tương ứng 0,36% lên 1.198,47 điểm. Toàn sàn có 197 mã tăng, 247 mã giảm và 77 mã đứng giá. HNX-Index giảm 0,78 điểm, tương ứng 0,27% xuống 288,09 điểm. Toàn sàn có 86 mã tăng, 105 mã giảm và 50 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,24 điểm, tương ứng 0,27% lên 89,12 điểm. Tuy không dừng tại mức cao nhất ngày song chứng khoán đã có thêm một phiên tăng điểm.
MWG là mã tác động tích cực nhất tới phiên giao dịch ngày 21/7 khi tăng 4,7% lên 64.100 đồng/cổ phiếu. Tại các mã cùng nhóm bán lẻ khác, PNJ giữ sắc xanh khi tăng 0,35%, FRT tăng 4,6%, DGW tăng 5,2%... MSN của Masan cũng tăng 2,43% và là mã tác động tích cực thứ 2 tới thị trường chung.
HPG cũng nằm trong nhóm mã tác động tích cực nhất tới chỉ số khi tăng 1,57%. Các mã khác thuộc nhóm thép cũng giao dịch tích cực. Đơn cử, TLH tăng 2,04%, HSG tăng 1,67%, NKG tăng 1,04%...
GAS cũng tăng hơn 1% và tác động tích cực tới thị trường. Tuy nhiên, nhóm dầu khí diễn biến trái chiều bởi nhiều mã khác thuộc nhóm này bị phủ bóng sắc đỏ, có thể kể đến các mã tiêu biểu là PLX, OIL, POS, PTV, PVB, PVC, PVS…
Nhóm ngân hàng cũng đóng vai trò trụ đỡ thị trường trong phiên giao dịch ngày 21/7. Sắc xanh lan tỏa lên hầu hết các nhóm cổ phiếu. Một vào mã nằm trong nhóm tác động tích cực nhất tới thị trường là CTG, CTB, ACB… Một số mã vẫn chưa bứt phá và nằm trong top những mã tác động tiêu cực, tiêu biểu là SHB.
Ở chiều ngược lại, mã tác động xấu nhất thị phiên giao dịch hôm nay là VHM của Vinhomes khi giảm 1,34%. Trong khi đó, một mã cùng hệ sinh thái Vingroup là VIC lại tăng nhẹ 0,44%, VRE tăng 0,96%...
Một số mã thuộc nhóm phân bón cũng giao dịch tiêu cực, có thể kể đến BAF giảm sàn, VAF giảm 6,07%... Nhóm cổ phiếu chứng khoán có nhiều mã cũng giảm điểm biên độ lớn là VDS, APG, ORS, FTS, HCM... Nguyên nhân có thể đến từ việc lợi nhuận các công ty chứng khoán sau một năm bùng nổ đã quay đầu giảm lợi nhuận hoặc có nhiều công ty chứng khoán đã thua lỗ vì mảng tự doanh.
Thanh khoản thị trường giảm so với phiên hôm qua. Tổng giá trị khớp lệnh đạt 12.975 tỷ đồng, giảm 15,7%, trong đó, giá trị khớp lệnh riêng sàn HoSE giảm 14,2% và ở mức 11.107 tỷ đồng. Tại nhóm VN30, giá trị sang tay đạt hơn 4.800 tỷ đồng.
Khối ngoại mua ròng trên sàn HoSE mức cao nhất 10 phiên trở lại đây khi giải ngân 1.139 tỷ đồng và bán ra 753 tỷ đồng, tương ứng khối ngoại mua ròng 386 tỷ đồng phiên ngày 21/7. SSI là mã được mua mạnh nhất phiên giao dịch ngày 21/7 với tổng lượng mua vào là 64 tỷ đồng, LPB được mua 52,6 tỷ đồng, GAS được mua 41 tỷ đồng, MWG được mua 40,3 tỷ đồng... Ngược lại, VHM bị bán 37 tỷ đồng, chứng chỉ quỹ FUEVFVND bị bán 16,6 tỷ đồng, E1VFVN30 bị bán 16,4 tỷ đồng.