Phân tích của DBS Group mới đây cho biết, lĩnh vực ngân hàng của Trung Quốc có đủ vùng đệm để ngăn chặn các khoản nợ xấu. Làn sóng dừng thanh toán của người vay mua nhà cũng chủ yếu diễn ra ở các thành phố nhỏ. Do đó, vấn đề có thể được tháo gỡ nếu các cơ quan quản lý tài chính giải quyết nguyên nhân dẫn đến bất bình của người vay.
Cụ thể, hệ thống ngân hàng của Trung Quốc đại lục có khả năng hấp thụ 7.500 tỷ nhân dân tệ (tương đương 1.100 tỷ USD) khoản vay trước khi gây ra rủi ro hệ thống. Con số này nhiều hơn rất đáng kể so với tổng dư nợ các khoản vay mua nhà liên quan đến đợt tẩy chay thanh toán là gần 1.100 tỷ nhân dân tệ, theo tính toán của DBS Group.
"Rủi ro có hệ thống khó xảy ra và tác động đến thu nhập không lớn như hình dung", nhóm phân tích dẫn đầu bởi chuyên gia Manyi Lu, đánh giá. Trong trường hợp xấu nhất, khi các ngân hàng phải gánh toàn bộ nợ xấu, nó sẽ chiếm khoảng 4-5% thu nhập cả năm của họ trong năm nay. Trong khi đó, kịch bản xấu nhất mà các ngân hàng có thể quản lý được với nợ xấu là 9,5%.
Đánh giá lạc quan này được công bố đầu tuần, sau khi giới chức quản lý ngân hàng Trung Quốc cuối tuần trước yêu cầu các nhà băng nới lỏng tín dụng cho các nhà phát triển bất động sản tin cậy để có đủ tiền hoàn thiện dự án.
Động thái này nhằm giải quyết sự bất bình của những người vay ngân hàng để mua nhà nhưng dự án liên tục bị chậm tiến độ trong thời gian dài, dẫn đến làn sóng tẩy chay thanh toán nợ liên quan đến hơn 230 dự án tại khoảng 86 thành phố của Trung Quốc.
Kể từ tuần trước, ít nhất 15 ngân hàng tại Trung Quốc đã thông báo về việc có nằm trong làn sóng tẩy chay này. Tuy nhiên, hầu hết cho hay chỉ bị ảnh hưởng 0,01% trong tổng dư nợ cho vay thế chấp của mình.
Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn cảnh giác rằng cuộc khủng hoảng này vẫn có nguy cơ gây ra một số rủi ro cho các nhà băng. Đồng thời, khiến họ do dự hơn trong việc cho vay với một số lĩnh vực, làm gia tăng áp lực lên quá trình phục hồi kinh tế vốn đã chậm lại còn 0,4% trong quý II.
Trong một kịch bản như vậy, các ngân hàng nhỏ đặc biệt dễ bị tổn thương. "Các nhà băng địa phương và quy mô nhỏ tại những nơi kém phát triển có mức độ tiếp xúc lớn và tập trung với các chủ đầu tư đang gặp khó khăn. Họ có khả năng dễ bị tổn thương nhất, vì hầu hết các chủ đầu tư đã gặp khó khăn kể từ nửa cuối năm 2021 và đều có các dự án ở các thành phố cấp thấp", Fitch Ratings nhận định.
Các ngân hàng nhỏ ở Trung Quốc đã công bố kết quả kinh doanh quý II. Cho đến nay, hầu hết đều báo cáo tỷ lệ nợ xấu (NPL) thấp hơn. Ngân hàng Thương mại Nông thôn Giang Âm Giang Tô ghi nhận tỷ lệ nợ xấu giảm 0,34 điểm phần trăm, xuống 0,98%.
Tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng Giang Tô đã giảm 0,1 điểm phần trăm, xuống 0,98% so với cùng kỳ 2021. Ngân hàng Thương mại Nông thôn Vô Tích (Giang Tô), cho biết tỷ lệ nợ xấu đã giảm xuống còn 0,87% trong nửa đầu năm, từ mức 0,93%.
Ngân hàng Nam Kinh, Ngân hàng Hàng Châu, Ngân hàng Thương mại Nông thôn Trương Gia Cảng và Ngân hàng Thương mại Nông thôn Tô Châu Giang Tô cũng báo cáo mức giảm nhẹ từ 0,01% đến 0,07%.
Dong Ximiao, chuyên gia ngân hàng kỳ cựu và là nhà nghiên cứu chính của Công ty Tài chính Tiêu dùng Liên hiệp, cho biết hầu hết tổ chức tài chính có rủi ro cao được các cơ quan quản lý xác định là các hợp tác xã tín dụng nông thôn và ngân hàng cấp thị trấn, chiếm 91,4% các tổ chức cho vay dễ bị tổn thương trên cả nước vào năm 2021.
"Do xu hướng đi xuống của nền kinh tế toàn cầu và tác động của đại dịch, rủi ro ở một số khu vực và lĩnh vực đã tích lũy thêm. Những rủi ro này đang tràn vào nền kinh tế thực và vào lĩnh vực tài chính, khiến một số tổ chức đối diện rủi ro cao", ông nói.
Dù hệ thống ngân hàng sẽ hấp thụ được khủng hoảng, bảng cân đối kế toán ngày càng xấu đi của các chính quyền địa phương - nơi mà việc bán đất cho các nhà phát triển bất động sản là nguồn thu lớn, theo các chuyên gia.
Mặc dù tình trạng mắc nợ khác nhau giữa các địa phương, cuộc khủng hoảng đủ nghiêm trọng để cơ quan xếp hạng S&P cảnh báo rằng các thành phố tại Trung Quốc phải đối mặt với một "khó khăn" khi doanh thu từ bán đất giảm và tốn chi phí lớn của việc phong tỏa chống dịch.
"Chúng tôi tính toán rằng 10% đến 30% chính quyền địa phương và khu vực sẽ vượt qua ngưỡng an toàn về rủi ro tài khóa vào cuối năm 2022", Nhóm chuyên gia S&P nhận định. Việc vượt ngưỡng này đồng nghĩa với trạng thái họ có thể không trả được nợ và có thể bị áp dụng các biện pháp đặc biệt từ trung ương.
Trong khi đó với cấp chính phủ, Dan Wang, Kinh tế trưởng tại Ngân hàng Hang Seng (Thượng Hải), cho biết các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh đang đối mặt với một "tình thế tiến thoái lưỡng nan lớn" trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng người mua nhà.
Theo ông, 80% nhà ở dân cư của Trung Quốc được xây dựng bằng các chương trình trả trước. Vì vậy, ngay cả khi ngân hàng trung ương muốn cứu vãn lĩnh vực này, sẽ không thể làm như vậy mà không giảm lãi suất vay thế chấp.
"Họ cũng sẽ cần phải tìm cách để giảm bớt áp lực nợ cho các công ty bất động sản mà không chính thức nới lỏng 'ba lằn ranh đỏ', một chính sách nghiêm ngặt nhằm hạn chế nợ của các nhà phát triển bất động sản. Điều này rất khó", Dan Wang nói.
Hiện doanh số bán nhà vẫn ở trong tình trạng ảm đạm và ít có dấu hiệu phục hồi trong bối cảnh Covid, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng và sự không chắc chắn về thởi gian giao nhà. Từ tháng 1 đến tháng 5, doanh số đã giảm 23,6% so với cùng kỳ 2021.
Trên thị trường tài chính, các nhà đầu tư lo ngại rằng sẽ có thêm nhiều vụ vỡ nợ. Những lo ngại đã khiến giá trị trái phiếu do các công ty bất động sản bán ra giảm mạnh trong tuần trước, cùng với cổ phiếu bất động sản trên thị trường chứng khoán.
Nhà phát triển Shimao trong tháng này đã bỏ lỡ khoản thanh toán cho trái phiếu trị giá một tỷ USD, đổ lỗi cho "những thay đổi đáng kể với môi trường vĩ mô của lĩnh vực bất động sản". Giá trái phiếu đến hạn vào năm 2024 của Country Garden, nhà phát triển lớn nhất, giảm xuống dưới 50 cent.
Ngay cả Greenland, vốn sở hữu các dự án uy tín trên thế giới, cũng bị ảnh hưởng. Tháng trước, công ty đã bị S&P Global hạ cấp xuống "vỡ nợ có chọn lọc", sau khi gia hạn thời gian đáo hạn của trái phiếu 500 triệu USD thêm một năm.
Phiên An (theo SCMP, The Guardian)