Điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 tại Hà Nội - Ảnh: NAM TRẦN
Báo cáo của các bác sĩ tại trung tâm điều trị COVID-19 (Bệnh viện Quân y 175 - Bộ Quốc phòng) cho thấy có tình trạng "siêu nhiễm trùng" ở bệnh nhân COVID-19.
Bên cạnh đó, báo cáo tại cuộc họp trực tuyến ngày 21-7, Viện Pasteur TP.HCM cảnh báo đã ghi nhận biến chủng BA.2.12.1, biến chủng có khả năng lẩn tránh miễn dịch gấp 1,8 lần so với BA.2.
Ca mắc tăng, biến chủng mới xuất hiện
Theo thông tin từ Bộ Y tế, 1 tuần trở lại đây số ca mắc COVID-19 trên cả nước có dấu hiệu gia tăng. Ngày 20-7 số ca mắc mới lên tới gần 1.200, cao nhất trong hơn 1 tháng qua.
Đáng chú ý, báo cáo tại cuộc họp trực tuyến diễn ra chiều 21-7, đại diện Viện Pasteur TP.HCM cho hay sau khi giải trình tự gene 30 mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân mắc COVID-19, đã ghi nhận 30% mắc biến thể BA.2, số còn lại là BA.4, BA.5, và có cả biến chủng BA.2.12.1 lần đầu thấy tại Việt Nam.
Chia sẻ tại cuộc họp của Bộ Y tế tổ chức, ông Ngũ Duy Nghĩa, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, cho biết số ca mắc COVID-19 có xu hướng tăng trở lại nhưng người dân lại khá chủ quan trong biện pháp chống dịch.
"Bên cạnh đó, hiện tại đang là thời tiết mùa hè - thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, gia tăng các bệnh truyền nhiễm. Chúng ta cùng lúc đang phải đối mặt với dịch sốt xuất huyết, tay chân miệng và COVID-19", ông Nghĩa cho hay.
Tại khu vực phía Nam, Viện Pasteur TP.HCM cho biết số ca mắc COVID-19 đã giảm trong tháng 5-6 nhưng mới gia tăng nhẹ trở lại. Trong đó, ngoài các chủng BA.4, BA.5, có cả ổ dịch của chủng Delta. Chủng BA.5 cũng là chủng thường gặp tại khu vực phía Bắc gần đây.
"Siêu nhiễm trùng" ở bệnh nhân COVID-19
Theo nhóm nghiên cứu của Bệnh viện 175, nhận định này được đưa ra sau khi thực hiện giám sát trên gần 3.500 mẫu bệnh phẩm các loại từ trung tâm điều trị COVID-19 của bệnh viện từ tháng 7-2021 đến tháng 5-2022. Nghiên cứu cũng vừa được báo cáo tại hội nghị khoa học "Kinh nghiệm chẩn đoán và điều trị COVID-19" do Bệnh viện Quân y 175 tổ chức ngày 21-7.
Đại diện nhóm nghiên cứu, BS Nguyễn Thị Trang cho biết tất cả các mẫu đều được nuôi cấy vi khuẩn/vi nấm từ trung tâm COVID-19; đều đáp ứng các tiêu chuẩn về số lượng, chất lượng, quy chuẩn đóng gói và thời gian gửi mẫu...
Theo đó, trong gần 1 năm hoạt động, trung tâm đã tiếp nhận hơn 6.500 ca bệnh nặng và vừa, trong đó có 3.407 mẫu bệnh phẩm của 610 bệnh nhân được gửi lên khoa vi sinh nuôi cấy định danh vi khuẩn/vi nấm.
Trong số này, bệnh phẩm máu chiếm phân nửa với trên 1.700 mẫu, bệnh phẩm hô hấp trên 1.100 mẫu, còn lại là các mẫu bệnh phẩm như nước tiểu và catheter (ống thông), mủ, nhầy họng, phân...
Một kết quả khá bất ngờ, theo BS Trang, là tỉ lệ mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân COVID-19 được nuôi cấy dương tính với vi khuẩn, vi nấm chiếm 34,7%. Tác nhân gây bệnh chủ yếu thuộc nhóm vi khuẩn gram âm chiếm 76% và nhóm vi khuẩn gram dương chiếm 14%, còn lại 10% nhiễm nấm.
Đặc biệt, trong các chủng phân lập được vi khuẩn Acinetobacter chiếm tỉ lệ cao nhất 30,3%, Klebsiella chiếm 19,1%, Burkholderia chiếm 12,4%, Candida sp chiếm 10%, Staphylococcus chiếm 7,6%...
Theo Bệnh viện Quân y 175, tình trạng vi khuẩn kháng kháng sinh ở bệnh nhân Covid-19 rất cao. Đặc biệt, đại đa số các mẫu phân lập trên bệnh nhân COVID-19 trong thời gian điều trị có tỉ lệ kháng thuốc khá cao.
Đối với bệnh nhân COVID-19, tỉ lệ kháng thuốc ở các chủng phân lập được là 59%, trong đó tỉ lệ vi khuẩn đa kháng (MDR) chiếm 33%, kháng mở rộng (XDR) gần gấp đôi MDR, trong đó đáng chú ý tỉ lệ toàn kháng (PDR) khá cao với 15%.
"Việc siêu nhiễm trùng gặp với tỉ lệ cao là một trong những nguyên nhân làm gia tăng tử vong ở bệnh nhân mắc COVID-19. Ngoài ra với tỉ lệ các vi khuẩn này ngày càng tăng cũng chính là nguy cơ trong điều trị các bệnh lý nhiễm trùng, căn nguyên của tình trạng siêu nhiễm trùng ngày một đa dạng" - đại diện nhóm nghiên cứu nói.
Ngoài ra, trong số gần 30 bài báo cáo khoa học, đáng chú ý còn có kết quả nghiên cứu về tình trạng nhiễm nấm xâm lấn ở bệnh nhân COVID-19.
Theo đó, các bệnh nhân nhiễm nấm xâm lấn trong quá trình mắc COVID-19 thường rơi vào bệnh nhân nguy kịch có tỉ lệ tử vong cao, hiện nay khả năng phân lập được vi nấm và chẩn đoán xác định chắc chắn tình trạng nêu trên còn rất khó khăn.
Không để tái dịch COVID-19 thêm một lần nữa
Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn tại hội nghị khoa học "Kinh nghiệm chẩn đoán và điều trị COVID-19" do Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc phòng) tổ chức sáng 21-7.
"Dịch COVID-19 là một tiền lệ chưa từng có, ngay cả thế giới vẫn coi đây là đại dịch, đặc biệt gần đây xuất hiện thêm nhiều biến chủng đáng quan ngại như BA.4, BA.5, BA.2.75. Do đó hơn bao giờ hết, chúng ta phải trong tâm thế chủ động mọi điều kiện không để TP.HCM tái trở lại dịch bệnh lần 2, đó chính là mệnh lệnh" - Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh.
TTO - Trong bối cảnh nước ta đã ghi nhận hai biến thể mới BA.4 và BA.5 thì số ca nhiễm những ngày qua cũng liên tục tăng nhẹ. Riêng ngày 19-7 có đến 1.085 ca - đây được xem là ngày có số ca nhiễm cao nhất hơn 1 tháng rưỡi qua.