Thực tiễn và những khuyến cáo
Tại hội thảo, luật sư Châu Huy Quang, Công ty Luật TNHH Rajah & Tunn đã có phần bình luận về trọng tài trong nước và quốc tế qua thực tiễn giải quyết tranh chấp M&A.
Theo luật sư Quang, sự khác biệt quan trọng đến từ yếu tố địa lý đã ảnh hưởng đến pháp luật áp dụng, nơi thực hiện hợp đồng và quốc tịch của các bên tranh chấp.
Từ đó dẫn đến khác biệt trong quy trình tố tụng trọng tài ở các quốc gia, cụ thể là cách thức tiến hành quy trình tố tụng; cách tiếp cận trong tiến hành tố tụng; vai trò của chuyên gia, người làm chứng, luật sư, vấn đề biện pháp khẩn cấp tạm thời và vấn đề bên thứ 3 tài trợ chi phí.
Luật sư Châu Huy Quang đã đưa ra những khuyến nghị về cơ chế trọng tài trong vụ việc M&A. Việc xác lập điều khoản trọng tài liên quan trong giao dịch M&A cần được chú trọng, từ khi xác lập điều khoản này cần tính đến cấu trúc cơ chế giải quyết tranh chấp, các cơ quan tài phán là khác nhau trong một giao dịch.
“Trong lĩnh vực bất động sản, cần có thoả thuận nguyên tắc (term sheet/mou – memorandom of understanding), lựa chọn trọng tài hay toà án. Đối với các thoả thuận ký quỹ, hợp đồng mua bán cổ phần và/hoặc thoả thuận cổ đông thì chọn cơ chế trọng tài trong nước hay nước ngoài”, ông Quang nêu ví dụ.
Tại hội thảo, các đại biểu cũng đặt vấn đề, việc tiếp tục sử dụng Luật Trọng tài thương mại 2010 là cần thiết để hoàn thiện cơ chế giải quyết tranh chấp bằng trọng tài hơn. Chẳng hạn như việc ghi nhận và cho phép áp dụng điều khoản tham chiếu ghi nhận thoả thuận của các bên về vấn đề tố tụng; mở rộng phạm vi áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của hội đồng trọng tài,…
Quản trị rủi ro khi M&A bằng pháp lý
Phát biểu tại hội thảo, ông Châu Việt Bắc - Phó Tổng thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) nhận định: “Hoạt động M&A (mua bán và sáp nhập) đã trở thành hình thức đầu tư phổ biến tại Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới. Bất chấp sự khó lường của tình hình dịch bệnh Covid-19, giá trị và số lượng thương vụ M&A liên tục tăng trưởng. Cho thấy Việt Nam vẫn là một điểm thị trường hấp dẫn cho cả nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài”.
Theo số liệu thống kê, trong 10 tháng của năm 2021, thị trường M&A đã thu hút hơn 8,8 tỷ USD, tăng 17,9% so với năm 2020 và 13.7% so với năm 2019 - trước dịch Covid-19.
Mặc dù có phần chậm lại vào đầu năm 2022, nhưng nhiều thương vụ với giá trị lớn đã được triển khai nâng tổng giá trị các giao dịch M&A quý I/2022 cao hơn có tổng giá trị từng năm 2019 - 2021.
Về phương diện pháp luật, việc hoàn thiện khung pháp lý luôn được ưu tiên. Hàng loạt các dự luật liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh được sửg đổi, có hiệu lực đã tạo nên bàn đạp vững chắc thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường M&A.
Với nhiều tác động tích cực từ môi trường, chính sách, có thể nói, các doanh nghiệp có nhiều điều kiện và nhiều lựa chọn hơn trong việc mở rộng các thương vụ đầu tư kinh doanh. Tuy nhiên, song hành cũng với đó, doanh nghiệp cũng sẽ đối diện nhiều hơn với các thách thức, rủi ro về mặt đối tác, quản trị hợp đồng, quản trị tranh chấp.
Qua thực tiễn xét xử tại Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, ông Bắc nhận thấy, các tranh chấp liên quan đến hoạt động mua bán sáp nhập có dấu hiệu tăng và có sự tham gia đa dạng hơn của các chủ thể trong khi diễn biến vụ việc cũng nảy sinh nhiều tình huống hơn.
Điều này đặt ra bài toán cho các doanh nghiệp đang hoặc sẽ tiến hành các thương vụ M&A về việc làm sao để quản trị rủi ro, thiết lập một tiến trình giao dịch an toàn và phòng ngừa được các tranh chấp phát sinh.