Ngày 21/7, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã thông báo quyết định tăng lãi suất cơ bản đồng Euro thêm 0,5 điểm %, kết thúc thời kỳ kéo dài 11 năm giữ nguyên lãi suất.
Quyết định mang tính lịch sử này nhằm đối phó với tình trạng lạm phát cao đang bủa vây khu vực đồng tiền chung, tuy nhiên cũng được dự báo có thể đẩy nhiều nền kinh tế thành viên vào suy thoái.
Trong suốt nhiều tháng qua, những chủ cửa hàng nhỏ ở Italy như ông Artemio Fanella đã phải vật lộn với chi phí đầu vào tăng, khiến lợi nhuận sụt giảm mạnh.
"Liệu tôi có thể bán cho khách hàng giá 4 Euro những thứ mà họ vẫn mua với giá 2 Euro không? Anh biết họ bảo gì với tôi không? Đóng cửa hàng đi. Thế đấy, nên tôi đành gánh chịu phần chi phí tăng thêm", ông Artemio Fanella, chủ cửa hàng thực phẩm tại chợ Testaccio, Italy, chia sẻ.
Chợ Testaccio, Italy. (Ảnh: istock)
Tình trạng lạm phát cao đã buộc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tăng lãi suất cơ bản và theo các chuyên gia, đây là hành động bắt buộc phải làm để giảm chi phí sinh hoạt vốn đang trở thành một cuộc khủng hoảng sâu sắc.
"Khi giá cả hàng hóa cứ tăng lên mãi thì cuối cùng lãi suất sẽ phải tăng lên. Đây là xu thế không thể tránh được, nó đã xảy ra ở Mỹ và bây giờ đến lượt châu Âu. ECB đã cố kháng cự lại việc tăng lãi suất trong thời gian dài nhất có thể, bởi vì họ biết rằng lãi suất cao sẽ khiến hoạt động sản xuất kinh tế trở nên khó khăn hơn nhiều", ông Matteo Caroli, Giáo sư kinh tế tại trường đại học LUISS, Italy, đánh giá.
Châu Âu đang đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng cùng lúc, từ thiếu hụt năng lượng cho tới chi phí sinh hoạt tăng vọt. Với việc lãi suất được điều chỉnh tăng lên, nhiều người bắt đầu nghĩ đến một cuộc suy thoái kinh tế, đặc biệt với các nền kinh tế có tỷ lệ nợ công cao và tăng trưởng chậm như Italy và Hy Lạp.
"Hoạt động kinh tế đang chậm lại. Tình trạng lạm phát cao, căng thẳng chuỗi cung ứng và các yếu tố bất định đang có tác động tiêu cực lên nền kinh tế, phủ bóng lên triển vọng tăng trưởng trong nửa cuối năm 2022 và các năm sau đó", bà Christine Lagarde, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), nhấn mạnh.
ECB cho biết sẽ theo dõi tác động của quyết định tăng lãi suất lần này lên tình trạng lạm phát để có các động thái tiếp theo.
VTV.vn - Một số quốc gia châu Âu phụ thuộc nhiều vào khí đốt của Nga có thể đối mặt với sự giảm sút mạnh về kinh tế nếu diễn ra tình trạng gián đoạn nghiêm trọng về nguồn cung.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!