Thông tin với Tuổi Trẻ Online ngày 22-7, ông Ngô Xuân Nam - phó giám đốc Văn phòng Thông báo và điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (Văn phòng SPS Việt Nam), Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn - cho biết Đức, Ba Lan, Malta vừa gửi cảnh báo các sản phẩm mì ăn liền, bánh phở vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm của EU.
Cụ thể, Đức gửi cảnh báo sản phẩm mì ăn liền hương vị gà, mì ăn liền hương vị cà ri của Công ty cổ phần thực phẩm Á Châu (TP Thuận An, tỉnh Bình Dương) chứa chất cấm ethylene oxide vượt ngưỡng quy định của EU.
Ba Lan cảnh báo sản phẩm mì ăn liền vị gà của Công ty cổ phần Kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam (Vifon, quận Tân Phú, TP.HCM) và nước này đã trả lại lô hàng.
Malta cảnh báo sản phẩm bánh phở hiệu Nguyễn Gia. Malta xác định mối nguy là sản xuất từ gạo biến đổi gene trái phép nên đã thực hiện biện pháp giám sát và thu hồi sản phẩm.
"Việc doanh nghiệp của Việt Nam vi phạm quy định về an toàn thực phẩm của EU sẽ gây khó khăn cho nỗ lực tháo gỡ việc giảm tần suất kiểm tra mì ăn liền của Việt Nam vào EU của Văn phòng SPS Việt Nam và các cơ quan chuyên môn" - ông Ngô Xuân Nam nói và cho biết đơn vị đang tiếp tục xác minh thông tin các sản phẩm bị cảnh báo nói trên.
Đây là thông báo đầu tiên của các quốc gia EU về vấn đề này kể từ cuộc họp song phương với đoàn công tác Việt Nam, nhân phiên họp thứ 83 của Ủy ban SPS-WTO vào ngày 23-6.
Tại buổi làm việc này, EU đề nghị Việt Nam phối hợp cung cấp dữ liệu thống kê về các hoạt động cũng như tuân thủ tốt các quy định về an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh động, thực vật để phía bạn làm cơ sở tham khảo.
Trước đó, ngày 13-6, EU thông báo tiếp tục duy trì yêu cầu bổ sung giấy chứng nhận an toàn thực phẩm và tần suất kiểm tra 20% đối với mì ăn liền có nguồn gốc từ Việt Nam (trong thành phần có chứa gia vị và một số nguyên liệu, phụ gia khác).
Sau khi nhận thông báo, Văn phòng SPS Việt Nam gửi công văn tới Vụ Khoa học và công nghệ (Bộ Công thương) - cơ quan quản lý nhà nước về sản phẩm mì ăn liền - đề nghị rà soát, kiểm tra và yêu cầu các nhà sản xuất rà soát các khâu trong chuỗi quản lý, nhằm xác định nguyên nhân và biện pháp khắc phục.
Văn phòng SPS Việt Nam đề nghị Vụ Khoa học và công nghệ gửi văn bản thông báo kết quả xử lý để tổng hợp, báo cáo.
Tuổi Trẻ Online sẽ tiếp tục cập nhật thông tin liên quan.
TTO - Ông Ngô Xuân Nam, phó giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn - đơn vị vừa đưa cảnh báo về các sản phẩm mì ăn liền - đã có trao đổi với Tuổi Trẻ về các mặt hàng được thu hồi.