"Bén duyên" với những đôi giày da từ thời sinh viên, Thành lựa chọn công việc bán giày secondhand được nhập khẩu từ Thái Lan, Campuchia... Khi ấy, mục đích công việc của Thành đơn giản chỉ muốn kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống nhưng không ngờ rằng, những đôi giày này lại khiến cậu mê mẩn từ chất liệu da đến từng đường kim mũi chỉ, sau đó dần trở thành sở thích sưu tập, săn lùng giày đẹp mang về bán cho khách.
Học ngành động lực kĩ thuật ô tô, Thành từng thoáng nghĩ "Hay là mình thử đóng giày như họ" nhưng không hề tự tin vì vốn kiến thức khi ấy "bằng 0", hơn nữa chẳng khéo tay, thế mạnh duy nhất của cậu là sự ham học hỏi và dám làm điều mình thích. Không biết nên bắt đầu từ đâu nhưng trong lòng 9X đã luôn "ươm mầm" giấc mơ được trở thành một người thợ làm giày thủ công giỏi. Những năm tháng đại học cũng đã tôi luyện cho cậu tính kiên nhẫn, chịu khó vốn có từ một người kĩ sư.
Sau khi tốt nghiệp, không còn băn khoăn nhiều nữa, cậu quyết định theo đuổi công việc đóng giày thủ công bởi vì đam mê tích luỹ bao năm đã đủ, bản thân cũng chấp nhận đương đầu với thử thách. Từng khuyên con tham gia vào môi trường quân ngũ nhưng sau khi nghe những tâm sự của con, ba Thành hết mực ủng hộ con trai. Sự tự do trong công việc đã dần giúp cậu khẳng định tài năng và tên tuổi, lấy được niềm tự hào lớn của ba mẹ.
Ảnh: NVCC.
"Lửa thử vàng, gian nan thử sức"
Thành kể, đôi giày bắt đầu khiến cậu "nặng lòng" với nghề đóng giày thủ công là một đôi dress boots cổ điển - đây cũng chính là dòng giày secondhand được cậu chủ yếu nhập về bán. Tuy bản thân yếu về mỹ thuật, không khéo tay nhưng khi bắt đầu nghiêm túc với nghề, cậu luôn mày mò tìm hiểu, học tập, vì thế hiểu rất nhanh và thực hành tốt hơn những gì mình nghĩ.
Khi Thành bắt đầu làm nghề cũng chính là giai đoạn ngành giày thủ công Việt Nam có nhiều khởi sắc, người tiêu dùng bắt đầu tìm hiểu và tập tành chơi giày - những đôi giày có giá tiền triệu chứ không phải vài trăm nghìn đồng như trước đây nữa. Ở Việt Nam, thợ giỏi, tay nghề tốt rất nhiều nhưng do sự cạnh tranh khốc liệt tại thời điểm đó nên không ai nhận đào tạo chính quy hay mở lớp dạy nghề cả. Tất cả đều cuốn theo nhu cầu lớn mà thị trường đem lại.
"Vì thế, mình luôn gọi đó là khoảng thời gian khó khăn nhất trong sự nghiệp làm nghề của bản thân tính đến hiện tại khi gây dựng "đứa con tinh thần" HephaestuS. Tất cả kiến thức về "shoemaking" đều gợi nhớ về quá trình Thành tự học và trau dồi mỗi ngày thông qua YouTube, Instagram…, kèm theo đó là những quyển sách dạy về đóng giày thủ công của người Nhật mà mình đã đặt mua online. Tuy không hiểu về ngôn ngữ nhưng với hình ảnh mô tả, mình có thể nắm bắt được nội dung khát quát, sau đó tự thực hành tại nhà, sai thì sửa, sửa cho tới khi ưng ý. Vòng lặp ấy diễn ra từ ngày này đến tháng nọ xuyên suốt", Thành chia sẻ.
Nguồn: NVCC.
Sau 3 tháng rèn luyện, có trong tay những vật liệu cần thiết, Thành mỉm cười vì đôi classic oxford boots đầu tiên đã được hoàn thành. 9X "ngầm" hài lòng về bản thân vì đã kiên định theo đuổi đam mê của mình. Đương nhiên đôi giày đầu tiên chưa thể hoàn hảo, không có ai vừa bắt đầu vào việc đã làm việc giỏi cả nhưng tất cả những trải nghiệm đó của Thành chính là những bài học kinh nghiệm quý báu để phát triển sự nghiệp sau này. Đôi giày thứ hai là sản phẩm chính thức được bán ra thị trường với giá 6,5 triệu đồng và tất cả những sai sót kĩ thuật trước đó đều được cải thiện, khắc phục từ đôi giày đầu tiên.
Căn phòng trọ chỉ rộng 12 m2 là nơi đã chứng kiến giấc mơ của Thành được hiện thực hoá. 5 năm khởi nghiệp, 9X tự nhận mình đã trải qua đủ các cung bậc cảm xúc "đắng, cay, ngọt, bùi". Vừa tốt nghiệp ra trường, điều kiện tài chính không có, cậu vừa học làm giày trên Internet vừa tranh thủ làm những phụ kiện nhỏ trên một đôi giày như miếng lót giày (insole), dây giày để bán hay sửa giày và thay đế giày, kiếm thêm chút thu nhập.
Thành mô tả ngắn gọn một ngày của mình khi ấy, "ban ngày làm việc, ban đêm học thêm kiến thức và xây dựng thương hiệu cá nhân". Không có tiền để chạy quảng cáo, Thành lập hội nhóm trên Facebook để truyền tải về tình yêu của mình với những đôi giày da, giá trị của những đôi giày được làm thủ công, sau đó kết bạn từng người và "add" từng họ vào "group". Nhờ vậy, lượng tương tác tăng dần và cậu cũng có những đơn hàng giá trị đầu tiên.
Cậu bày tỏ: "Mình không phải là người dễ dàng từ bỏ. Trước khi bước chân vào thị trường giày da thủ công, mình đã sớm định hình những cá voi nào trong cùng lĩnh vực, khoanh vùng được bản thân sẽ đối đầu với những thương hiệu nào… Đó là một điều không hề dễ dàng đối với một người “chân ướt chân ráo” như mình. Rất nhiều lúc Thành cảm thấy trống trải, tuyệt vọng nhưng khi điềm tĩnh, tất cả những gì đã trải qua đều dạy cho mình trưởng thành, mạnh mẽ hơn từng ngày".
Cố gắng hôm nay vì giấc mơ ngày mai
Đối với những nhà máy sản xuất giày thương mại, trung bình 1 ngày họ có thể làm ra hàng chục, hàng trăm đôi xuất khẩu ra thị trường nhưng phải mất tới 100 công đoạn kĩ thuật trong khoảng 5-7 ngày để làm ra 1 đôi giày thủ công đã được kiểm duyệt và làm theo mẫu. Còn với những đôi giày thuộc phiên bản giới hạn, với những yêu cầu chuẩn mực riêng của khách hàng, Thành tiết lộ, việc hoàn thiện theo tháng là chuyện bình thường trong nghề. Cũng chính bởi vậy, những đôi giày thủ công luôn có giá trị rất cao.
Đối với cá nhân Thành, từng công đoạn làm ra một đôi giày da phải được kiểm soát rất chặt chẽ để đảm bảo được đúng tiêu chuẩn của bản thân đề ra. Nếu có sai sót không thể chỉnh sửa, cậu sẵn sàng vứt bỏ và làm lại, không chấp nhận “chắp vá”. Bởi cậu luôn giữ quan niệm, khi làm nghề này, uy tín và trách nhiệm là hai thứ luôn lớn hơn tiền bạc.
"Không ai có thể định nghĩa được tiêu chuẩn của cái đẹp bởi vốn dĩ cái đẹp xuất phát từ sự hài lòng trong tâm lý của mỗi người. Vì thế, mình không đưa ra định nghĩa thế nào là một đôi giày đẹp, mình chỉ đưa ra "điều kiện" cần và đủ để một đôi giày trở thành tâm điểm thu hút số đông. Theo quan điểm cá nhân, một đôi giày đẹp bao gồm 3 yếu tố: tiện lợi (dễ mang, dễ tiếp cận), chất lượng (đầu tư về chất liệu) và cuối cùng, yếu tố quan trọng nhất là cái tâm của người thợ làm nghề", Thành giãi bày.
Ngay từ khâu chọn chất liệu, cậu yêu cầu bản thân phải sử dụng chất liệu da có nguồn gốc, thương hiệu thuộc da uy tín, có tên tuổi lâu đời và được giới "shoemaker "thế giới tín nhiệm cao như Boxcalf Weinheimer leder, Du Puy, Annonay, Horween USA… và chọn bộ phận nào trên tấm da để sử dụng cho giày là rất đặc biệt quan trọng. Cậu "bật mí" mình thường sử dụng phần mông, lưng, vai là những bộ phận có chất lượng da tốt nhất.
Khâu upper chiếm 50% vẻ đẹp của một đôi giày da nên Thành vô cùng chú trọng và luôn sử dụng loại chỉ tơ, nylon với những đường may cữ kim chặt chẽ 20 SPI. Ở khâu khâu đế, tất cả các đường chỉ phải được may bằng tay theo nguyên tắc, phần eo cạnh cũng phải tạo hình thủ công bằng tay để đạt thẩm mỹ cao nhất, đem lại các tỉ lệ hài hoà, mượt mà hơn khi dùng máy.
Chính vì sự "khó tính" với bản thân như vậy nên cậu cũng đã đạt được những thành tựu tuy nhỏ nhưng vô cùng ý nghĩa với bản thân: sản phẩm của HephaestuS được vinh danh trên trang chủ của blogger nổi tiếng The Shoe Snob Mr. Justin FitzPatrick và cột mốc thứ 2, được khẳng định vị thế thương hiệu cùng với những nhà đóng giày cao cấp khác trên trang chủ của một blogger mà Thành đã hâm mộ từ lâu - Thunder_March (Mr. Wiston Liang). Bên cạnh đó, nhận những lời khen của khách hàng ngoại quốc giúp cậu dặn mình luôn nỗ lực và nâng cao tay nghề bởi cậu hiểu, việc thu hút được tệp khách nước ngoài cực kỳ quan trọng nhưng cũng khó hơn nhiều so với khách hàng Việt Nam.
Nguồn: Welted Ware.
Nhìn lại quãng đường mình đã đi, Thành vui vẻ: "Thành công "nhỏ" mà mình tâm đắc nhất trong những năm qua là đem thương hiệu Việt Nam đến thị trường quốc tế và được giới tiêu dùng nước ngoài công nhận. Tuy nhiên, Thành vẫn chỉ là một chú cá nhỏ trong vùng biển này. Đối với mọi người, cuối tuần dùng để nghỉ ngơi còn đối với mình, cuối tuần là thời gian để tiếp tục học tập, tiếp thu những điều đang dở dang. Mình vẫn "ôm" giấc mơ nâng cao hiểu biết cho người tiêu dùng Việt Nam về giá trị giày thủ công cũng như mở rộng thương hiệu giày cá nhân lớn mạnh trên thị trường quốc tế."
http://tintuc.vdong.vn/07/1436389.htmSinh Hồng
Theo Trí Thức Trẻ