Phiên đấu giá chiếc đồng hồ từng trên tay cựu hoàng Phổ Nghi vừa diễn ra ở Hong Kong hôm 23-5. Mức giá hấp dẫn một phần là do sự hiếm có của Patek Philippe Reference 96 Quantieme Lune, 1 trong 8 chiếc còn sót lại trên thế giới.
Nhưng theo nhà đấu giá Phillips của Anh , số tiền lên tới 7 con số cũng là nhờ vào lịch sử đằng sau chiếc đồng hồ 86 tuổi này. Nó đã ở bên cạnh Ái Tân Giác La Phổ Nghi, vị hoàng đế cuối cùng nhà Mãn Thanh (Trung Quốc) trong những ngày ông bị cầm tù ở Liên Xô (cũ), Đài CNN đưa tin.
Phá vỡ kỷ lục mọi chiếc đồng hồ cùng mẫu
Nhà đấu giá Phillips của Anh cho biết họ có tài liệu cho thấy Phổ Nghi đã mang chiếc đồng hồ theo mình đến trại.
Ban đầu, người ta chỉ kỳ vọng sẽ thu về khoảng 3 triệu USD. Nhưng sau khoảng 5 phút đấu giá sôi nổi, chiếc đồng hồ hiếm đã được bán với giá 40 triệu đôla Hong Kong (khoảng 5,1 triệu USD). Cộng thêm các khoản phí khác, tổng giá lên tới khoảng 6,2 triệu USD.
Thomas Perazzi, người đứng đầu bộ phận đấu giá đồng hồ của Phillips châu Á, cho biết ông chiếc đồng hồ đã lập kỷ lục về giá được bán. Đây là số tiền cao nhất mà một người mua từng bỏ ra cho một mẫu đồng hồ Patek Philippe 96.
Chiếc đồng hồ được làm bằng bạch kim, đường kính 1,2 inch có mặt số Ả Rập, kim màu vàng hồng. Nó cũng chức năng "tuần trăng", cho biết chính xác trăng tròn trăng khuyết khi nào.
Một số cơ chế bên trong đồng hồ có từ năm 1929. Đây là điều đáng chú ý, bởi đến năm 1937 Patek Philippe mới bán mẫu Reference 96. Đây là một nhà sản xuất đồng hồ Thụy Sĩ, nổi tiếng với việc lắp các bộ chuyển động phức tạp vào những chiếc đồng hồ mỏng dính.
Vật giá trị nằm yên trong ngăn tủ nhiều năm
Người ta không biết làm thế nào mà Phổ Nghi có được chiếc đồng hồ này. Thông tin từ nhà đấu giá thì nói nó được bán thông qua một cửa hàng sang trọng ở Paris.
Các tài liệu lịch sử mà hãng Philipps có được đã chứng minh cựu hoàng từng mang chiếc đồng hồ này khi đến một trại tù của Liên Xô ở Khabarovsk.
Sau đó, ông tặng nó cho Georgy Permyakov, một người nói tiếng Quan thoại thông thạo, từng là gia sư và phiên dịch tiếng Nga cho Phổ Nghi trong thời gian ông bị giam giữ.
Hãng đấu giá cũng trích dẫn hồi ký một cháu trai của Phổ Nghi rằng chú của ông ta đã đeo chiếc đồng hồ này "ngày này qua ngày khác" khi ở Mãn Châu Quốc. Phổ Nghi đã tặng chiếc đồng hồ cho cháu trai của mình, nhưng sau đó lấy lại để tặng cho ông Permyakov.
Phổ Nghi là vị hoàng đế cuối cùng của nhà Mãn Thanh, cũng là cuối cùng của chế độ phong kiến Trung Quốc.
Ông lên ngôi khi chỉ mới chập chững biết đi vào năm 1908. Tuy nhiên, ông buộc phải thoái vị chưa đầy 4 năm sau đó, khi một cuộc nổi dậy của phe cộng hòa lật đổ triều Thanh.
Ông được phép tiếp tục sống trong Tử Cấm Thành và được phục hồi chức vị một thời gian ngắn vào năm 1917.
Năm 1924, ông trốn khỏi Bắc Kinh và bắt tay Nhật Bản, nước sau này phong ông làm hoàng đế của quốc gia bù nhìn tên Mãn Châu Quốc ở phía đông bắc Trung Quốc.
Sau thất bại của Nhật Bản trong Thế chiến thứ hai, Phổ Nghi bị Hồng quân Liên Xô bắt và giam giữ như một tù nhân chiến tranh.
Theo nhà đấu giá Phillips, cựu hoàng đã tặng chiếc đồng hồ cho ông Permyakov vào năm 1950, ngay trước khi về Trung Quốc để hầu tòa vì tội ác chiến tranh.
Ông Permyakov đã giữ chiếc đồng hồ cho đến khi qua đời vào năm 2005. Russell Working, một nhà báo đã phỏng vấn Permyakov hơn 20 năm trước, nói với AFP rằng ông Permyakov không hề biết giá trị thật sự của nó sau nhiều năm cất trong ngăn kéo.
Những người thừa kế của ông đã giữ chiếc đồng hồ này, sau đó ký gửi cho hãng Phillips để bán đấu giá vào năm 2019.
Chiếc đồng hồ này đã được trưng bày ở New York (Mỹ), Singapore, London (Anh), Đài Bắc (Trung Quốc) và Geneva (Thụy Sĩ) trước khi được bán tại Hong Kong.
Hãng đấu giá Phillips nổi tiếng vì chào mời các kỷ vật liên quan đến những cựu hoàng của thế giới, đặc biệt là đồng hồ.
Một chiếc đồng hồ Patek Philippe thuộc về hoàng đế Ethiopia cuối cùng, Haile Selassie, được bán với giá 2,9 triệu USD vào năm 2017.
Một chiếc đồng hồ Rolex thuộc về vị hoàng đế cuối cùng của Việt Nam, Bảo Đại, cũng kiếm được 5 triệu USD trong một cuộc đấu giá cùng năm.
Hiện website nhà đấu giá Thượng Hải Dương Minh đã gỡ thông tin đấu giá các đạo sắc phong khả năng là hiện vật gốc, nguồn gốc của Việt Nam trong phiên đấu giá ngày 22-4.
Xem thêm: mth.12150656142503202-cul-yk-aig-iov-nab-ihgn-ohp-ed-gnaoh-auc-oh-gnod/nv.ertiout