Hãng Reuters đưa tin Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ông Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 23-7 tuyên bố sự bùng phát nhanh chóng của bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu.
Đây là mức báo động cao nhất mà tổ chức này đưa ra trong bối cảnh các ca nhiễm bệnh đậu mùa ngày càng gia tăng.
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ông Tedros Adhanom Ghebreyesus. Ảnh: REUTERS |
Trong một cuộc họp báo, ông Tedros nói với các phóng viên rằng các thành viên của một ủy ban chuyên gia đã họp vào ngày 21-7 để thảo luận về khả năng công bố tình trạng y tế toàn cầu đối với bệnh đậu mùa khỉ.
Tuy nhiên, ông cho biết có sự chia rẽ trong việc đưa ra quyết định với chín thành viên phản đối và 6 người khác ủng hộ, điều đó buộc ông phải đứng ra công bố, phá vỡ thế bế tắc. Đây là lần đầu tiên người đứng đầu cơ quan y tế của Liên Hợp Quốc có hành động như vậy.
“Chúng ta có một đợt bùng phát đã lây lan nhanh khắp thế giới thông qua các phương thức lây truyền mới mà chúng ta hiểu quá ít và nó đáp ứng các tiêu chí trong các quy định y tế quốc tế” - ông Tedros cho hay.
“Tôi biết đây không phải là một quá trình dễ dàng hoặc đơn giản và có những quan điểm khác nhau giữa các thành viên” - ông nói thêm.
Ông Tedros cho biết đã có hơn 16.000 nghìn ca nhiễm đậu mùa khỉ được ghi nhận ở hơn 75 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 5 ca tử vong.
Giám đốc các chương trình khẩn cấp của WHO, ông Michael Ryan, cho biết việc đưa ra quyết định bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu để đảm bảo cộng đồng quốc tế quan tâm tới các đợt bùng phát hiện nay một cách nghiêm túc.
Việc ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu có nghĩa sự bùng phát của bệnh đậu mùa khỉ là "một sự kiện bất thường” có thể lây lan sang nhiều quốc gia và yêu cầu sự phối hợp của cộng đồng quốc tế.
Theo định nghĩa của WHO, Tình trạng Khẩn cấp Y tế Công cộng Quốc tế (PHEIC) được công bố nhằm kích hoạt phản ứng phối hợp trên toàn cầu cũng như các gói tài trợ nhằm hợp tác chia sẻ vaccine và phương pháp điều trị.
Theo Reuters, trong lịch sử, WHO đã có sáu lần ban bố tình trạng khẩn cấp y tế công cộng toàn cầu, đó là dịch COVID-19 (2020), đợt bùng phát Ebola ở Cộng hòa Dân chủ Congo (2019), Zika (2016), bại liệt (2014), đợt bùng phát Ebola ở Tây Phi (2014) và virus gây đại dịch cúm heo H1N1 (2009).