Lạm phát lập kỷ lục ở khắp nơi trên thế giới, kể cả ở những nền kinh tế phát triển như Mỹ và châu Âu, khiến nhiều ngân hàng trung ương phải quyết định tăng lãi suất.
Bà Kristalina Georgieva - Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định: 2022 là một năm khó khăn và 2023 có thể còn khó khăn hơn nữa, với nguy cơ suy thoái cao hơn. Bà Georgieva cho rằng các ngân hàng trung ương cần phải phản ứng với lạm phát vì “hành động bây giờ sẽ ít gây tổn hại hơn hành động sau này”.
Tổng Giám đốc chỉ ra rằng khoảng ¾ nền kinh tế mà IMF theo dõi đã tăng lãi suất kể từ tháng 7/2021. Các nền kinh tế phát triển tăng trung bình 1,7%, trong khi các nền kinh tế mới nổi tăng hơn 3%.
Mới đây nhất, ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã quyết định tăng lãi suất 50 điểm cơ bản lần đầu tiên trong 11 năm nhằm khống chế “ngọn lửa” lạm phát đang bùng lên dữ dội ở khu vực Eurozone.
Trước đó không lâu, tại nền kinh tế số 1 thế giới, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cũng nâng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản, ghi nhận mức mạnh nhất trong gần 30 năm qua, đồng thời phát đi tín hiệu sẽ còn mạnh tay hơn nữa trong tháng này.
Việc hàng loạt ngân hàng trung ương trên thế giới cùng nâng lãi suất sẽ gây ra nhiều tác động. Thị trường có nguy cơ rối loạn hơn khi kỷ nguyên lãi suất thấp kết thúc. Các quốc gia và công ty sẽ phải cố gắng điều chỉnh để thích nghi với việc dòng vốn chuyển hướng. Sự thay đổi của dòng vốn sẽ ảnh hưởng đến khả năng các quốc gia và doanh nghiệp bán được trái phiếu, cổ phiếu để huy động vốn.
Với thị trường tài chính, khi lãi suất tăng, giá cổ phiếu và các tài sản khác có thể giảm trong dài hạn. Vì người gửi tiết kiệm có thể nhận được tiền lời cao hơn cho các khoản đầu tư ít rủi ro hơn, như trái phiếu chính phủ.
Một số quốc gia có thể rơi vào suy thoái kinh tế khi người tiêu dùng và các công ty giảm chi tiêu. Song, lạm phát tăng cao hiện còn nay đáng lo ngại hơn nhu cầu về tăng trưởng kinh tế.
ECB đã duy trì lãi suất ở mức thấp kỷ lục, trong trạng thái âm, suốt từ năm 2014, trong bối cảnh Eurozone ứng phó với cuộc khủng hoảng nợ công khu vực và đại dịch Covivd-19. Việc ECB tăng 50 điểm cơ bản được đánh giá là vẫn không đủ mạnh tay so với các ngân hàng trung ương khác trên thế giới. FED đã nâng lãi suất lên 75 điểm cơ bản tháng trước và có khả năng sẽ tiếp tục có một đợt nâng lãi suất cơ bản khác trong tháng này.
Khu vực Eurozone bị ảnh hưởng nhiều hơn từ chiến sự ở Ukraine và việc Nga đe dọa cắt nguồn cung khí đốt có thể đẩy khối này vào suy thoái. Các nhà hoạch định chính sách ở đây đã rất khó khăn trong việc cân bằng giữa tăng trưởng và kiểm soát lạm phát.
Đồng Euro tăng giá sau khi giới phân tích cho rằng ECB có thể mạnh tay tăng lãi suất lên mức cao hơn trong thời gian tới, đạt mức cao của phiên giao dịch 22/7 là 1,0257 USD đổi 1 Euro. Gần đây, Euro có lúc giảm giá còn 0,98 USD đổi 1 Euro.
Theo ECB, động thái tăng lãi suất lần này sẽ hỗ trợ cho việc kéo lạm phát về mục tiêu trung hạn của Hội đồng Thống đốc, thông qua tăng cường neo giữ các kỳ vọng lạm phát và đảm bảo rằng các điều kiện nhu cầu sẽ điều chỉnh để mang lại mức lạm phát như mục tiêu trong trung hạn. Mục tiêu lạm phát mà ECB đề ra là 2%.
Lý giải về việc tăng lãi suất, Chủ tịch ECB Christine Lagarde cho biết: Lạm phát tiêu tục tăng lên mức quá cao và được dự báo sẽ còn vượt xa mục tiêu trong một thời gian nữa. Dữ liệu mới nhất cho thấy sự giảm tốc tăng trưởng, che mờ triển vọng kinh tế của nửa sau năm 2022 và xa hơn thế.
Chiến lược gia trưởng Seema Shah của Principal Global Investors nhận định, ECB không phải thắt chặt chính sách vì tăng trưởng kinh tế mạnh. Việc tăng lãi suất sẽ khiến nền kinh tế giảm tốc nhiều, đặt ra nguy cơ ‘stagflation’ (lạm phát cao kết hợp tăng trưởng trì trệ) vượt khỏi tầm kiểm soát… Hiện nay, không một ngân hàng trung ương của nền kinh tế phát triển nào lại rơi vào một vị thế bất lợi như ECB, ông Seema Shah cho hay.
Theo chuyên gia Carsten Brzeski, trưởng bộ phận chiến lược của ING Germany, việc tăng ngay lãi suất với bước nhảy 0,5 điểm phần trăm và đưa ra những tín hiệu mềm mỏng hơn cho thấy ECB nghĩ rằng cửa sổ cho một loạt đợt tăng lãi suất đang đóng lại một cách nhanh chóng.
Chia sẻ trên tờ The Guardian, cuyên gia kinh tế Philip Inman cho biết, việc FED tăng thêm 1 điểm phần trăm lãi suất có thể tác động xấu tới các nước khác trên thế giới. Để có lợi nhất, các nhà đầu tư phải bán đồng nội tệ và mua đồng USD, khiến giá trị đồng USD tăng chóng mặt. Việc đồng USD tăng giá khiến giá cả hàng hóa và nguyên liệu thô được định giá bằng đồng USD, trong đó có dầu mỏ, trở nên đắt đỏ, kéo theo giá nhập khẩu tăng và gây ra lạm phát.
Ông Inman cảnh báo các thị trường mới nổi và đang phát triển trên thế giới có thể lâm vào khủng hoảng khi giá cả tăng cùng với những thiệt hại của ngành du lịch do đại dịch Covid-19.
Mặc dù là một vấn đề toàn cầu, nhưng lạm phát cao được đánh giá vẫn là một rủi ro chính trị đối với Tổng thống Mỹ Joe Biden và Đảng Dân chủ của ông khi tiến hành cuộc bầu cử quốc hội vào tháng 11 tới./.
Xem thêm: vov.834859tsop-ue-av-ym-o-hnam-tahp-gnub-gnad-tahp-mal-aul-nogn-ehc-gnohk-cul-on/et-hnik/nv.vov