Bất cứ khi nào Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất, các nhà đầu tư đều ngay lập tức lo lắng rằng thị trường mới nổi sẽ rơi vào khủng hoảng. Những ngày này, nỗi lo đang hiển hiện rõ ràng hơn bao giờ hết. Fed được dự báo sẽ tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm vào ngày 27/7 tới. Trong khi đó Sri Lanka đã cạn kiệt dự trữ ngoại hối, Argentina một lần nữa đối mặt với vỡ nợ và nhiều nền kinh tế mới nổi khác đang chìm trong khủng hoảng.
Tuy nhiên, nếu nhìn kỹ hơn, chúng ta sẽ thấy rằng xét trên nhiều khía cạnh thì kinh tế thế giới đã biến đổi đáng kể. Điều đó làm thay đổi bản chất và những hệ lụy từ một cuộc khủng hoảng trên thị trường mới nổi.
Cuộc khủng hoảng tiêu biểu nhất tại các thị trường mới nổi diễn ra trong 2 năm 1997 và 1998. Khi đó sự kiện Fed tăng lãi suất đã khiến dòng vốn quay đầu trở về Mỹ, kéo theo đồng baht Thái Lan sụp đổ. Cơn hoảng loạn lan sang cả Hàn Quốc và Indonesia, sau đó là Brazil và Nga, cuối cùng khiến quỹ đầu cơ hàng đầu ở phố Wall là LTCM sụp đổ. Thị trường chỉ bình tĩnh trở lại sau khi Fed và Bộ Tài chính cùng với hệ thống ngân hàng Mỹ đảo nợ cho các thị trường mới nổi. IMF cũng bơm tiền qua các gói cứu trợ. Những quan chức cấp cao của Mỹ dẫn đầu chiến dịch đó được gọi là "ủy ban giải cứu thế giới".
10 năm trước, cuộc khủng hoảng gần như lặp lại sau khi Fed phát tín hiệu sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ. Tuy nhiên câu chuyện chỉ dừng lại ở chỗ các thị trường mới nổi rơi vào cơn bán tháo.
Đến nay, đã có rất nhiều thứ thay đổi. Tỷ trọng của các nền kinh tế mới nổi trong GDP toàn cầu đã tăng từ 21% lên 34%. Trong đó tỷ trọng của châu Á trong nhóm này lại tăng gấp đôi, dẫn đầu bởi Trung Quốc và Ấn Độ. Đây là 2 nền kinh tế có tính tự chủ tài chính cao, hệ thống ngân hàng do các ngân hàng quốc doanh dẫn dắt trong khi thị trường trái phiếu vẫn chưa mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài.
Hiện các nền kinh tế mới nổi gặp khủng hoảng chủ yếu tập trung ở những nơi có tỷ trọng thấp. Ví dụ, châu Mỹ Latin chỉ chiếm 5% GDP toàn cầu và 1,4% tổng giá trị vốn hóa của TTCK thế giới.
Một điểm thay đổi nữa là nhiều thị trường mới nổi đã từ bỏ những thứ có thể coi là mầm mống của khủng hoảng, gồm chế độ neo tỷ giá, nợ niêm yết bằng đồng USD và vay nợ nước ngoài. Ngày nay chỉ 16% nợ của họ là nợ bằng ngoại tệ.
Chính phủ các nước ngày càng dựa nhiều hơn vào các ngân hàng trong nước. Vì thế thay vì những cuộc khủng hoảng bất ngờ ập đến và lan sang các nước khác cũng như phố Wall, nhiều nước lại đối mặt với những mối nguy âm ỉ hơn và xuất phát từ trong nước. Đó là lạm phát hoặc các ngân hàng "xác sống" hoạt động kém hiệu quả.
Điều có thể tác động đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ là sự sụp đổ của hệ thống tài chính vốn nặng nợ của Trung Quốc. Nguyên nhân là do nền kinh tế Trung Quốc quá lớn chứ không phải vì các nhà đầu tư nước ngoài trực tiếp sở hữu các tài sản Trung Quốc.
Các "chủ nợ" cũng đã thay đổi. Ví dụ, nhóm chủ nợ "câu lạc bộ Paris" – gồm các quốc gia giàu có và những định chế tài chính đa phương như IMF – hiện nắm chưa đến 60% tổng nợ của các nước nghèo nhất, giảm mạnh so với mức 80% ở thời điểm năm 2006. Tỷ trọng của Trung Quốc đã tăng lên khoảng 20%.
Tin tốt lành là những cơn hoảng loạn trên các thị trường mới nổi sẽ không gây ra tác động nghiêm trọng cho phần còn lại của kinh tế thế giới. Theo tính toán của The Economist, tổng cộng các quốc gia có nguy cơ vỡ nợ cao nhất hiện nay chỉ chiếm 5% GDP và 3% nợ công của toàn thế giới.
Mặt khác, tin xấu là những nước này có tới 1,4 tỷ dân, chiếm 18% dân số thế giới. Các vấn đề nhức nhối như lạm phát, gánh nặng nợ, lãi suất tăng, xăng dầu và thực phẩm đắt đỏ sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo quy mô lớn.
Nghiêm trọng hơn, cấu trúc nợ hiện nay khiến các nước này khó tiếp cận với các khoản vay mới hơn. Phương Tây sẽ không muốn cứu trợ để rồi tiền lại chảy vào túi các chủ nợ Trung Quốc. Trung Quốc cũng không muốn tham gia vào quá trình tái cấu trúc nợ, mặc dù bất kỳ ngày nay bất kỳ "ủy ban giải cứu" nào cũng cần có 1 thành viên đến từ Bắc Kinh.
Kết quả là, mặc dù đối với kinh tế thế giới thì các cuộc khủng hoảng trên thị trường mới nổi ít nguy hiểm hơn so với trước đây, chúng vẫn là mối đe dọa cực lớn đối với người dân của các nước này.
Tham khảo The Economist
http://tintuc.vdong.vn/07/1438133.htmXem thêm: nhc.57383324142702202-ial-pal-oc-8991-7991-hnihc-iat-gnaoh-gnuhk-taus-ial-gnat-cut-peit-def/nv.fefac