vĐồng tin tức tài chính 365

Hợp tác xã miền núi cần “trụ đỡ” để phát triển vững mạnh

2022-07-25 08:51

Trở lại với câu chuyện của HTX Thương mại và Dịch vụ tổng hợp Quỳnh Anh ở huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, ông Phạm Văn Thắng, Giám đốc HTX cho biết, cơ hội phát triển và mở rộng vùng nguyên liệu là rất lớn, tuy nhiên, đơn vị lại vướng vào khó khăn liên quan đến đất đai. Cụ thể, do diện tích manh mún, nhỏ lẻ, người dân địa phương không mặn mà nên khó dồn điền đổi thửa, không thể áp dụng cơ giới hóa đồng bộ, khó đảm bảo nguồn cung ổn định cho phía đối tác, nguy cơ dẫn tới việc cung cầu bị đứt gãy.

“Chúng tôi sản xuất ít nhất phải có diện tích 50 hecta trở lên thì mới đáp ứng được vùng nguyên liệu và cơ giới hóa. Phải cơ giới hóa thì sản lượng đạt và chi phí đầu vào sẽ giảm đi, mới có lợi nhuận được. Một vấn đề nữa là sản phẩm bằng đấy làm ra mới đáp ứng được nhu cầu thị trường, ít thì chúng tôi không thể cung cấp cho các đơn hàng được, vì đơn hàng người ta yêu cầu đảm bảo số lượng và bền vững”, ông Phạm Văn Thắng nói.

hop tac xa mien nui can tru do de phat trien vung manh hinh anh 1
Yên Bái có nhiều lợi thế về đất đai và mặt nước phù hợp cho các HTX hình thành và phát triển.

Nhiều HTX khác ở Yên Bái lại đối mặt với "đói vốn" mà không có nguồn vay. Ông Hà Ngọc Toanh, Giám đốc HTX Dịch vụ tổng hợp Hồng Ca, huyện Trấn Yên cho biết, các sản phẩm của đơn vị hiện nay chủ yếu vẫn chỉ quanh quẩn ở thị trường nội tỉnh, do đơn vị thiếu vốn đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị để sản xuất sản phẩm đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của thị trường, nhất là phục vụ xuất khẩu…

“Sản phẩm tre măng Bát Độ nếu để đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu hoặc ra thị trường lớn hơn thì hiện nay chúng tôi đang thiếu vốn để xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm đảm bảo khu vực sản xuất đáp ứng được các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm. Thứ 2 là đất đai do nhà nước cho thuê trả tiền 1 lần, nhưng lại không có giá trị thế chấp ngân hàng, vì vậy, chúng tôi rất khó khăn tiếp cận nguồn vốn ưu đãi. Rất mong nhà nước có chủ trương tháo gỡ khó khăn cho các HTX lđược tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi để có nguồn vốn lưu động, như vậy mới phát triển được bền lâu”, ông Hà Ngọc Toanh đề nghị.

Theo đánh giá của ngành chức năng, kinh tế tập thể ở Yên Bái đã có những chuyển biến tích cực, không chỉ nâng cao về số lượng và chất lượng, các HTX hoạt động cũng ngày một bài bản hơn, chủ động phát triển nhiều ngành nghề hơn, cũng như mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, tự chủ trong hoạt động... Tuy nhiên, giai đoạn vừa qua, nhiều HTX vẫn trong tình trạng khó khăn, năng lực nội tại của các HTX còn yếu, cơ sở vật chất còn nghèo nàn, khoa học công nghệ lạc hậu; đội ngũ cán bộ quản lý HTX chưa đồng đều, chưa đáp ứng được yêu cầu trong phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ hội nhập kinh tế, giai đoạn công nghệ 4.0; số lượng tăng nhanh, song quy mô HTX còn nhỏ lẻ; mô hình liên doanh, liên kết còn hạn chế, chất lượng sản phẩm còn thiếu sức cạnh tranh...

hop tac xa mien nui can tru do de phat trien vung manh hinh anh 2
Đại diện các HTX mong muốn có thêm những chính sách hỗ trợ để phát triển.

Bên cạnh đó, các tổ hợp tác cũng chủ yếu được thành lập trên cơ sở tự nguyện, hợp đồng hợp tác và không có tư cách pháp nhân trong quan hệ dân sự; phần lớn tổ hợp tác gặp khó khăn trong các giao dịch kinh tế, thương mại, vay vốn ngân hàng... Kết quả là trong hơn 6.500 hợp tác xã, tổ hợp tác hoạt động rộng khắp trên các lĩnh vực chỉ có một phần nhỏ thực sự hoạt động hiệu quả. Bình quân mỗi HTX, tổ hợp tác chỉ có lợi nhuận khoảng 200 triệu đồng/năm, đồng nghĩa thu nhập của người lao động không cao, chỉ đạt hơn 4 triệu đồng/tháng. Đặc biệt, bộ máy theo dõi, quản lý HTX tỉnh nhà cũng chưa được củng cố đầy đủ theo yêu cầu của Nghị quyết số 13.

Ông Đỗ Nhân Đạo, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Yên Bái cho biết, thời gian qua, vốn vay cho các Hợp tác xã được phân chia hết sức cụ thể để các hợp tác xã vượt qua khó khăn. Cụ thể, hiện có 17 đơn vị đang được vay hơn 3,2 tỷ đồng từ vốn Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm kênh Liên minh HTX Việt Nam; 6 đơn vị đang sử dụng hơn 13 tỷ đồng vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX - Liên minh HTX Việt Nam và 26 đơn vị đang sử dụng vốn vay Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX tỉnh Yên Bái với tổng số tiền vay 7,9 tỷ đồng...

Liên minh HTX Yên Bái hiện vẫn đang chú trọng việc khảo sát và tư vấn, định hướng cho các HTX có nhu cầu vay vốn đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, đổi mới dây chuyền công nghệ, tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi từ các nguồn Quỹ hỗ trợ phát triển.

“Các Ngân hàng Thương mại, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh tạo điều kiện về chính sách hỗ trợ vốn, ưu đãi phát triển sản xuất cho doanh nghiệp, HTX khôi phục và mở rộng sản xuất kinh doanh sau đại dịch COVID -19. Tỉnh cũng bổ sung thêm nguồn lực cho Quỹ hỗ trợ phát triển HTX  của tỉnh, giao cho Liên minh HTX tỉnh quản lý nhằm tăng cường nguồn lực hỗ trợ cho HTX. Bên cạnh đó, Liên minh HTX tỉnh cũng tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ của ngành từ Liên minh HTX Việt Nam”, ông Đỗ Nhân Đạo thông tin.

Bên cạnh các chính sách hỗ trợ đối với tổ chức kinh tế tập thể của Trung ương, HĐND tỉnh Yên Bái cũng đã ban hành Nghị quyết về một số chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể của tỉnh, giai đoạn 2021-2025.

Giai đoạn 2021-2025, tỉnh Yên Bái hỗ trợ khoảng 325 HTX, liên hiệp HTX thành lập mới trên địa bàn; Hỗ trợ đào tạo với đối tượng là thành viên, người lao động đang làm công tác quản lý, chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ của các HTX toàn bộ kinh phí chi trả học phí, tài liệu học tập theo quy định của cơ sở đào tạo và hỗ trợ kinh phí ăn, ở cho học viên bằng 1,5 lần mức lương tối thiểu vùng/người/tháng.

Hỗ trợ lương cho lao động trẻ tốt nghiệp cao đẳng, đại học, sau đại học về làm việc tại HTX trên địa bàn với mức hỗ trợ hàng tháng bằng 1,5 lần mức lương tối thiểu vùng, tối đa 36 tháng/người; hỗ trợ kinh phí tham gia hội chợ, triển lãm trong nước với các HTX...

Những chính sách trên nếu được triển khai hiệu quả, chắc chắn sẽ giúp các HTX có những bước phát triển mới.

“Mai kia các chính sách mở ra thì sẽ có nhiều hỗ trợ để làm, tôi hi vọng là sẽ phát triển được”, ông Tạ Văn Vinh, Giám đốc HTX Quế An, huyện Văn Yên kỳ vọng.

Về nhân lực cho cấp huyện, ông Ngô Bằng Việt, Phó trưởng phòng Tài Chính huyện Yên Bình, cán bộ theo dõi kinh tế tập thể ở địa phương cho rằng, đây cũng là vấn đề rất cấp thiết: “Ở cấp huyện thì chí có người đại diện Liên minh HTX theo dõi t chứ chưa có chức danh hoặc biên chế chuyên trách để theo dõi mảng kinh tế tập thể, chỉ là công tác kiêm nhiệm thôi nên rất là khó khăn. Trong tương lai, rất mong có một cơ chế để ở cấp huyện có một cán bộ chuyên trách theo dõi về mảng kinh tế tập thể”.

Để phát triển hiệu quả và bền vững, các HTX và tổ hợp tác ở Yên Bái mong được tham gia nhiều hơn các hội nghị xúc tiến thương mại, hội nghị kết nối cung - cầu, trưng bày giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm; tham gia các khóa đào tạo để nâng cao năng lực, đặc biệt là về chuyển đổi số; được tư vấn, xây dựng thương hiệu, nhãn mác, bao bì cho sản phẩm... Đồng thời, tăng nguồn vốn ủy thác từ Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX Trung ương, Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm cho các HTX trên địa bàn, giúp các đơn vị có thêm nguồn vốn đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh hiệu quả. Khi có những "trụ đỡ" vững chắc này, HTX miền núi nói chung, HTX ở Yên Bái nói riêng sẽ càng có cơ hội để phát triển bền vững /.

Bài viết cùng loạt bài: Hợp tác xã miền núi cần gì để thực sự là nòng cốt của kinh tế nông thôn?

Bài 1: Đa dạng ngành nghề, các hợp tác xã góp phần đổi thay bộ mặt nông thôn

Xem thêm: vov.675859tsop-hnam-gnuv-neirt-tahp-ed-od-urt-nac-iun-neim-ax-cat-poh/et-hnik/nv.vov

Comments:0 | Tags:KINH TẾ

“Hợp tác xã miền núi cần “trụ đỡ” để phát triển vững mạnh”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools