Trên MXH có 1 câu nói đang trở thành xu hướng trong giới trẻ “Đen có thể trắng lại, hết tiền có thể kiếm lại, nhưng tuổi trẻ qua rồi thì không bao giờ tìm lại được”. Đây là câu mở đầu được sử dụng trong các bài đăng chia sẻ trải nghiệm, đại ý mỗi trải nghiệm ở tuổi trẻ chỉ có 1 lần hãy trân trọng nó, còn tiền thì hoàn toàn có thể tích cóp và kiếm lại.
Có nhiều nghiên cứu hay báo cáo đã chỉ ra rằng người trẻ hiện nay thường chi tiêu nhiều hơn cho trải nghiệm , thậm chí có thể tiêu sạch tiền cho tuổi trẻ của mình.
Tiền có thể kiếm lại được nhưng tuổi trẻ thì không có thật sự đúng?
Ở mỗi độ tuổi, ta thường sẽ có những cách phân bổ mức chi tiêu khác nhau. Người trẻ tuổi thường được cho là chi rất nhiều tiền để mua được “cảm giác vui vẻ”.
Thuý Anh (19 tuổi, sinh viên đại học) hiện đang được bố mẹ chu cấp và 1 phần “nguồn thu nhập” là tiền cô bạn tự kiếm được. Điều khá bất ngờ là cô bạn 19 chi 50%-70% nguồn tiền của mình là để trải nghiệm, dành cho những chuyến du lịch. Chi “mạnh tay” như vậy một phần là vì khoản chi ăn uống cô bạn vẫn được bố mẹ gửi từ quê, do vậy cũng không có chi tiêu nào quá lớn.
“Mình nghĩ có tiền cứ hết mình với đam mê nhưng cũng đến 1 mốc thời gian nhất định, với mình là 25 tuổi. Đến lúc đó, mình muốn lo cho công việc và vấn đề lập gia đình hơn là đi chơi. Nếu đến lúc đó điều kiện ủng hộ, mình cùng gia đình trải nghiệm thêm nhiều điều về cuộc sống”.
Thuý Anh
Mặt khác, đối với Hiếu (28 tuổi, kinh doanh tự do) và Khánh Linh (27 tuổi, kinh doanh) chỉ chi 5-10% ngân sách cho “trải nghiệm”.
Khánh Linh hoàn toàn ủng hộ việc tuổi trẻ nên trải nghiệm càng nhiều càng tốt. “Đối với mình trải nghiệm hay nói cách khác là đi du lịch là liều thuốc giúp mình tự chữa lành. Nó mang đến cho mình những trải nghiệm về nhiều thứ từ con người, văn hóa, ẩm thực,… điều mà ngồi nhà ôm tiền sẽ không mang lại được.” Song việc tiêu tiền cho trải nghiệm là đáng, nhưng cô bạn 27 cho rằng tiêu HẾT tiền cho nó thì không nên, cần có những kế hoạch cụ thể.
Bên cạnh đó, Hiếu tự nhận bản thân là người khá cẩn trọng nên chắc cũng không dám đi theo xu hướng này. “‘Tuổi trẻ qua rồi không bao giờ quay lại được’ nhưng cơ hội mất rồi cũng không bao giờ lấy lại được. Tuổi trẻ chính là lúc chúng ta có nhiều cơ hội nhất để định hình lên con người và sự nghiệp của mình”.
Từng tiêu sạch tiền rồi ôm nợ
Với Hiếu, trải nghiệm cũng được chia thành nhiều hạng mục khác nhau. Song, cậu bạn cũng từng có 1 lần chi sạch tiền cho giải trí, đó là quãng thời gian mới ra trường và đi làm.
“3 tháng lương đầu tiên mình tiêu sạch cho việc mua sắm và vui chơi. 6 tháng lương tiếp theo mình mua xe Moto phân khối lớn trả góp. Sau đó là khoảng 1 năm mình rơi vào trạng thái trả nợ liên tục và đi làm không thấy tiền đâu. Khi mình luôn có 1 khoản nợ trong đầu thì gần như không thể suy nghĩ được gì rộng hơn ngoài khoản nợ đó. Nên mình không thể nghĩ được sẽ làm gì thêm để gia tăng thu nhập”.
Sau đó, cậu bạn đã đọc được 1 câu nói của ông Howard Schultz (CEO Starbucks coffee): “Nợ nần sẽ giết chết sáng tạo”, và luôn ghi nhớ điều đó, quyết định thay đổi chi tiêu không nợ. Chỉ nợ khi mình cần tiền đầu tư kinh doanh sinh lời chứ không phải nợ tiêu dùng.
Hiếu
Còn với Thuý Anh, mỗi lần cô bạn đi đâu đó du lịch về sẽ là “cháy túi” . “Song, mình không hối tiếc vì đã tiêu tiền cho nó. Mình tiêu tiền cho những trải nghiệm và nhận lại được rất nhiều thứ về tinh thần lẫn kinh nghiệm sống”.
Cô bạn cho rằng một phần mình có thể làm được điều này là bởi vì vẫn có bố mẹ hỗ trợ về phần tài chính, và đây là thời gian Thuý Anh dành để theo đuổi đam mê. “Gặp rắc rối về tài chính do cháy túi, mình thường phải gọi về xin ba mẹ chu cấp thêm”.
Vậy như thế nào mới là điều nên làm?
Câu chuyện có nên hết mình bao gồm cả tiền bạc cho trải nghiệm hay đam mê không thật ra tùy thuộc khá nhiều vào mục đích sống và hoàn cảnh của mỗi người. Có người cho rằng tuổi trẻ không thể tìm lại nhưng cũng có ý kiến đôi lúc tiền không thể kiếm được lại, đặc biệt khi mang nợ trong người.
Đối với Khánh Linh, tiêu sạch tiền hay không, đầu tiên nên học về tài chính cá nhân, nó thực sự cần thiết cho mỗi người nhất là với người trẻ. “Có kiến thức để quản lý tiền của mình càng sớm càng tốt. Cuộc sống, công việc,… không phải là cái mình có thể kiểm soát được nên hãy chuẩn bị cho mình những hành trang để không bị rơi vào hoàn cảnh “rỗng túi””.
Khánh Linh
“Thực sự, trải nghiệm nó không quá đắt để mọi người phải đánh đổi 100% tiền lương mới có được nó. Nếu trải nghiệm xong mà rỗng túi, mình nghĩ có vẻ như nó đang hơi quá đà hoặc chiều chuộng bản thân không có kế hoạch. Biết đầu tư cho trải nghiệm là tốt, nhưng luôn có 1 kế hoạch cân đối và hợp lý thì nó còn giúp chúng ta phát triển tốt hơn nữa. Mình nghĩ nếu có trải nghiệm mà không có đồng nào thì cũng giống như người chỉ nói được chứ không làm được”, quan điểm của Hiếu.
Ảnh: NVCC
Theo Như Anh
Trí Thức Trẻ