Ông Nguyễn Công Kình sau hơn 20 năm mới tìm lại được hài cốt cha - Ảnh: VŨ TUẤN
3 nắm đất của 3 ngôi mộ trên bàn thờ
Chính giữa bức tường ở căn phòng khách của gia đình ông Kình (thành phố Vinh, Nghệ An) là bức ảnh người cha đã hy sinh ở Xiêng Khoảng (Lào). Ông Kình năm nay đã 74 tuổi, nguyện vọng của cả gia đình ông cũng là nguyện vọng suốt cuộc đời ông là tìm lại được di cốt của cha mình về yên nghỉ trong lòng đất mẹ của Tổ quốc.
Cha ông - liệt sĩ thuộc Đại đội 21, Đoàn 81, tình nguyện chiến đấu ở mặt trận Lào những năm 1950. Ngày ấy ông Kình tóc vẫn để chỏm, ngồi lên quang gánh theo mẹ ra đồng. Thông tin cha ông hy sinh được đồng đội ghi chép lại rất rõ ràng, có cả sơ đồ nơi chôn cất.
"Năm ấy là năm 1953, trung đội của cha tôi dừng chân ở bìa rừng, thuộc bản Keo Ba Tu Nọi, huyện Noong Hét, tỉnh Xiêng Khoảng (Lào) thì bị địch phục kích. Ba người hy sinh trong đó có đội trưởng là cha tôi", ông Kình ngậm ngùi kể và lần giở mảnh giấy đồng đội của cha chép lại trận đánh. Sau trận đánh ấy, các bác chôn ba người ở ngay trận địa, gần đường vào bản, lấy một phiến đá to làm dấu".
Thông tin đầy đủ, rõ ràng như vậy nhưng phải mất hơn 20 năm ông Kình mới tìm lại được phần mộ của cha mình. Những năm 90 của thế kỷ trước, vùng Xiêng Khoảng đầy thổ phỉ. Đến năm 1997, nhà ông Kình mừng rơi nước mắt khi biết được Quân khu 4 đã cất bốc được một ngôi mộ có ba liệt sĩ ở bản này về Nghĩa trang liệt sĩ quốc tế Việt Lào (huyện Anh Sơn, Nghệ An). Ba ngôi mộ được đánh số 27, 28, 29 ở hàng 1 lô A1. Cả ba ngôi trên bia ghi dòng chữ "liệt sĩ vô danh" như hàng nghìn ngôi mộ khác ở đây.
"Hồi ấy chưa có giám định ADN phổ biến như bây giờ. Tôi đành lên nghĩa trang thắp hương, xin lấy nắm đất của cả ba ngôi mộ về để trên bàn thờ bố mình, coi như chúng tôi có cả ba người bố là liệt sĩ", ông Kình nghẹn ngào tâm sự.
Thế rồi nghe nhiều người mách, ông Kình nhờ một người xác định giúp đâu là mộ cha mình. "Họ chỉ ngôi mộ thứ 29 là của cha tôi. Gia đình tôi xin phép ban quản lý cho khắc tên bia nhưng vẫn thờ cả ba mộ. Chúng tôi thờ như vậy gần 20 năm cho đến khi chúng tôi ngậm ngùi biết... cha mình vẫn nằm lại ở bên Lào", giọng nói người con ngập ngừng, khóe mắt rưng đỏ.
Khi tìm hiểu lại những thông tin ban quản lý nghĩa trang cung cấp, ông Kình thấy nghi ngờ vì ba hài cốt được tìm thấy mà gia đình ông đang thờ phụng được bọc trong tăng, xương cốt còn nguyên vẹn. Ngôi mộ cũng ở gần đường, cũng có một phiến đá to làm dấu và cũng chôn chung cả ba người nhưng cha ông hy sinh từ năm 1953, đồng đội chép lại không nhắc đến cái tăng để bọc thi thể.
Tìm hiểu kỹ lại thông tin, ông Kình được biết ở Noong Hét có hai bản Keo Ba Tu. Một bản là Keo Ba Tu Nọi (nhỏ) nơi cha ông hy sinh, một bản là Keo Ba Tu Nhỡ - nơi tìm thấy ba hài cốt được quy tập về nghĩa trang Việt Lào.
Bàn đi tính lại nhiều lần, ông Kình quả quyết xin phép để lấy mẫu vật của ba ngôi mộ 27, 28, 29 đi giám định ADN. Kết quả khẳng định ba liệt sĩ mà gia đình ông vẫn thờ không có ai cùng huyết thống. "Chúng tôi vẫn hương khói, cho đến bây giờ tôi nhiều tuổi không đi được nữa nhưng con cháu vẫn lên đó thắp hương. Chúng tôi vẫn coi các bác liệt sĩ ấy như người thân trong gia đình", ông Kình xúc động tâm sự.
Đội quy tập hài cốt liệt sĩ, Bộ CHQS tỉnh Nghệ An, cất bốc hài cốt liệt sĩ từ nước bạn Lào - Ảnh Bộ CHQS Nghệ An
Tìm thấy cha dưới phiến đá
Sau lần ấy, ông Kình tìm đến Đội quy tập hài cốt liệt sĩ của Bộ CHQS tỉnh Nghệ An, quyết tâm đi tìm hài cốt cha. Ông đi cùng đội, ăn ở với họ nhiều ngày mong sao tìm thấy được cha mình dù chỉ là mẩu xương nơi đất bạn...
Năm 2005, ông Kình gặp anh Phùng Ngọc Phương - đội trưởng Đội quy tập hài cốt liệt sĩ khi ấy. Anh Phương xem sơ đồ quả quyết: "Nhất định sẽ tìm được bác! Gia đình cứ yên tâm!".
Họ sang đến nơi, tìm đến đúng bản Keo Ba Tu Nọi nhưng con đường, cánh rừng năm xưa vẽ trong sơ đồ đã khác hẳn rồi. Anh em ở đội quy tập dựa vào kinh nghiệm phán đoán, rồi tìm đến một phiến đá lớn. Anh Phương đến bên hòn đá, thắp hương xin phép các anh linh rồi nhìn về phía đông định hướng.
Đất Xiêng Khoảng nhiều nơi cứng chai như sắt, từng nhát cuốc bập xuống chan chát, khét lẹt. Họ đào đến ngày thứ 3 chưa có dấu vết gì, dưới nền đất chỉ là những tiếng lạo xạo, khô khốc của đất lẫn sỏi vuông sắc như mảnh kính vỡ.
Đội trưởng Phương động viên: "Anh em cố gắng, hôm nay nhất định các bác ấy sẽ về". Ông Kình nhớ lại. Đến chiều, mồ hôi thấm ướt đầm lưng áo thì anh Phương bất ngờ reo lên: "Đây rồi! Các bác ấy đây rồi!". Dưới lớp đất cứng chai như sắt là một lượt đất đen, mềm hơn, loáng thoáng vài mảnh vải mục.
"Lúc ấy, cả người tôi nóng rực, run bần bật, chỉ biết khóc cha - ông Kình xúc động kể - Các anh ấy tìm thấy hai bộ hài cốt, còn đủ răng, xương ống chưa gãy. Nhưng tìm hoài cả mấy ngày sau cũng chỉ thấy hai bộ, không phải ba bộ như đồng đội cha tôi ghi lại".
Mẫu vật giám định ADN một lần nữa khiến gia đình ông Kình thất vọng. Một người được xác định là liệt sĩ Mai Văn Cương, ở Thanh Chương (Nghệ An), gia đình đã nhận về. Bộ còn lại không phải của cha ông Kình.
Cuối năm ấy, ông Kình một lần nữa tìm đến Đội quy tập hài cốt liệt sĩ, anh Phương đội trưởng sẵn sàng giúp đỡ gia đình ông. Họ lại tìm đến bản Keo Ba Tu Nọi, họ đào hết khu vực quanh tọa độ hôm trước, kết quả vẫn bằng không.
Ngày cuối trước khi cả đội quyết định về, anh Phương đến phiến đá lớn làm dấu thắp thêm nén hương rồi quyết định lật cả phiến đá để đào. Dưới phiến đá chừng non một cán cuốc thì họ tìm thấy mộ. Bộ hài cốt có 28 chiếc răng, xương cánh tay và xương ống chân. Thế rồi, đúng ngày 26-6-2016, Viện Công nghệ sinh học đã có giấy báo xác nhận kết quả giám định ADN trùng khớp: đó chính là cha ông - liệt sĩ Nguyễn Công Côn.
"Tôi xúc động không tả nổi, vỡ òa niềm vui. Khi nhận thông tin chính xác là cha mình, tôi òa lên khóc và nhảy cẫng lên như đứa trẻ ôm lấy người thân, con cháu trong gia đình", ông Kình rưng rưng kể ngày cha mình về đất mẹ Tổ quốc.
Mong các liệt sĩ khác cũng được về bên người thân
Ba nắm đất được gia đình ông Kình làm lễ xin trả về Nghĩa trang liệt sĩ quốc tế Việt Lào. Nhưng ngày tưởng niệm liệt sĩ, gia đình ông vẫn đi hơn trăm cây số đến thắp hương. "Tôi hy vọng người thân của liệt sĩ còn lại hy sinh cùng cha tôi sẽ tìm được bác ấy. Thời gian đã lâu quá rồi, đồng đội của bác ấy chắc không còn. Chỉ hy vọng một ngày nào đó, có kết quả ADN của con cháu trùng khớp để họ nhận được cha ông mình", ông Kình nghẹn giọng tâm sự.
************
Trong gần 100 hài cốt liệt sĩ được đưa về Nghĩa trang quốc tế Việt - Lào, chỉ duy nhất một liệt sĩ có tên. Đồng đội đã khắc tên anh lên một viên gạch hồng, chôn cùng huyệt mộ.
>> Kỳ tới: Viên gạch hồng dưới huyệt mộ
TTO - Chiếc bình tông và chứng minh thư cùng tên ấy là những di vật hiếm hoi mà anh em tìm được hài cốt lại tìm được cả thông tin.
Xem thêm: mth.36304359052702202-ahc-oht-tad-man-ab-3-yk-hna-ohc-net-ial-mit-7-72/nv.ertiout