VN-Index lao dốc mạnh trong quý II/2022 khiến hoạt động tự doanh của các công ty chứng khoán bị ảnh hưởng nặng, kéo lùi kết quả kinh doanh, nhiều công ty báo lỗ kỷ lục.
Báo lỗ trăm tỷ vì tự doanh
Trong nửa đầu năm 2022, VN-Index từng lập đỉnh lịch sử 1.528,57 điểm vào ngày 6/1. Quý I đầu năm vẫn ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực đến từ loạt doanh nghiệp chứng khoán - những đơn vị hưởng lợi trực tiếp từ thị trường. Nhiều công ty chứng khoán trong quý I vẫn báo lãi lớn, hứa hẹn quý II bùng nổ.
Thị trường sau đó trải qua nhiều đợt điều chỉnh, trong đó có đợt giảm mạnh kéo dài từ đầu tháng 4 đến hết tháng 6, nhấn chỉ số xuống 1.169 điểm - mức thấp nhất trong gần một năm rưỡi.
Dù số tài khoản mở mới vẫn tăng mạnh, song thanh khoản thị trường vẫn duy trì ở mức thấp. Thanh khoản cổ phiếu riêng tháng 6/2022 ghi nhận giá trị và khối lượng giao dịch bình quân phiên lần lượt đạt trên 14.529 tỷ đồng và 547,70 triệu cổ phiếu, tương ứng giảm 2,80% về giá trị và tăng 1,38% về khối lượng bình quân so với tháng 5/2022.
Tính trong quý II/2022, giá trị giao dịch cổ phiếu bình quân đạt hơn 17.113 tỷ đồng với khối lượng giao dịch bình quân đạt hơn 589,15 triệu cổ phiếu; tương ứng giảm 20,02% về giá trị và 18,33% về khối lượng bình quân so với cùng kỳ năm 2021.
Biến động tiêu cực không chỉ ảnh hưởng đến các nhà đầu tư cá nhân mà còn tác động rất xấu đến kết quả kinh doanh của các bên tham gia thị trường, bao gồm các công ty chứng khoán.
Trái với sắc thái tích cực như nửa đầu năm trước, thị trường "quay đầu" diễn biến tiêu cực. Không chỉ các nhà đầu tư cá nhân mà nhiều công ty chứng khoán cũng báo lỗ đột biến do mảng tự doanh chịu ảnh hưởng nặng nề.
Chứng khoán Apec là cái tên báo lỗ nặng nhất trong các doanh nghiệp đã công bố kết quả kinh doanh. Theo báo cáo tài chính vừa được công bố, chỉ riêng trong quý 2-2022 công ty đã lỗ tới 474 tỷ đồng từ hoạt động tự doanh. Sau khi cộng trừ các khoản thu nhập và chi phí khác, tổng kết quý doanh nghiệp này bị lỗ ròng sau thuế gần 363 tỷ đồng, tương đương giảm hơn 9.330% so với cùng kỳ năm trước.
Giải trình với Ủy ban Chứng khoán nhà nước, ông Nguyễn Đỗ Lăng, Tổng Giám đốc Chứng khoán Apec thừa nhận kết quả kinh doanh thụt lùi phần lớn do hoạt động tự doanh chứng khoán gây nên. Theo đó, khoản lỗ từ các tài sản tài chính (FVTPL) lên tới 490 tỷ đồng.
Trong danh mục đầu tư của công ty chứng khoán này có các mã IDJ (Đầu tư IDJ Việt Nam), API (Đầu tư Châu Á - Thái Bình Dương), NBB (Năm Bảy Bảy), TCH (Đầu tư dịch vụ tài chính Hoàng Huy), AAT (Tập đoàn Tiên Sơn Thanh Hóa), PHC (Xây dựng Phục Hưng Holdings), CEO (Tập đoàn C.E.O)...
Khoản lỗ từ các tài sản tài chính (FVTPL) của Chứng khoán Tiên Phong cũng lên tới 367 tỷ đồng, nguyên nhân do đầu tư mã SSI (Chứng khoán SSI) và trái phiếu chưa niêm yết của Tập đoàn R&H, một doanh nghiệp kinh doanh bất động sản có trụ sở tại Hà Nội. Việc này kéo kết quả kinh doanh riêng quý II vừa rồi lỗ 367,2 tỷ đồng.
Lũy kế từ đầu năm đến nay, Chứng khoán Tiên Phong lỗ 552 tỷ đồng do đầu tư tự doanh. Tổng giá trị đầu tư trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết giảm từ 775 tỷ đồng thời điểm đầu năm xuống còn 90 tỷ đồng vào cuối quý II/2022.
Công ty chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) cũng vừa công bố báo cáo tài chính với khoản lỗ ròng trong quý II gần 300 tỷ đồng.
Báo cáo giải trình của SHS cho biết công ty chịu tác động mạnh của diễn biến tiêu cực thị trường chung trong quý II, dẫn tới mảng tự doanh của công ty gặp nhiều khó khăn. Khoản lỗ chủ yếu do việc đánh giá lại các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) bị sụt giảm hơn 485 tỷ đồng, khiến mảng đầu tư lỗ hơn 433 tỷ đồng.
Kết quả này kéo lợi nhuận trong 6 tháng đầu năm xuống còn hơn 32 tỷ đồng, tương đương thực hiện chưa tới 2% kế hoạch đặt ra từ đầu năm.
Hay như Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng mới lập "kỷ lục buồn" với khoản lỗ 233 tỷ đồng chỉ trong một quý, trong khi quý cùng kỳ vẫn lãi 148 tỷ đồng. Đáng chú ý, lỗ từ FVTPL của VDSC trong quý II/2022 tăng mạnh lên mức gần 270 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm 2021 con số này chỉ vỏn vẹn 14 tỷ đồng.
Đi sâu vào danh mục tự doanh của Rồng Việt, hiện các mã chủ yếu công ty chứng khoán này nắm giữ là DBC, TCB, CTG, HPG, ACB, HSG, OCB… Tất cả các khoản đầu tư này đều lỗ sau nửa năm. Khoản đầu tư lớn nhất là DBC gần 200 tỷ đồng thì hiện tại theo giá thị trường đã giảm xuống 128 tỷ đồng, theo sau TCB 129 tỷ đồng thì giờ giảm xuống 94 tỷ đồng, ACB của Ngân hàng Á Châu giảm xuống gần 62 tỷ đồng từ mức 67,3 tỷ đồng, HPG của Hòa Phát giảm còn 55 tỷ đồng…
Ngoài ra, vẫn có nhiều công ty chứng khoán tầm trung khác báo lỗ nặng như Chứng khoán ACB (ACBS), Chứng khoán Bảo Minh (BMSC), Chứng khoán APG, Chứng khoán Liên Việt…
Công ty lớn lợi nhuận vẫn "đi lùi"
Với các công ty chứng khoán lớn, dù không chịu lỗ song nhiều công ty đã báo lợi nhuận "đi lùi". SSI là một trong những công ty đầu ngành báo lợi nhuận quý II sụt giảm. Theo đó, lợi nhuận sau thuế riêng quý II của Chứng khoán SSI giảm 26% so với cùng kỳ năm trước, song vẫn đạt tới 416 tỷ đồng. Một số mã SSI đầu tư chịu lỗ là MWG, HPG, SGN… Mảng đầu tư gốc FVTPL của SSI là 17.433 tỷ đồng, giá trị đánh giá lại còn 17.395 tỷ đồng, tương ứng chỉ giảm gần 40 tỷ đồng.
Tại Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS), tổng lợi nhuận kế toán trước thuế quý II đạt 831 tỷ đồng, giảm so với mức hơn 1.000 tỷ đồng ghi nhận cùng kỳ năm trước. Lũy kế 6 tháng đầu năm, TCBS vẫn là công ty chứng khoán có lợi nhuận cao nhất toàn ngành. 2 năm liền trước, quán quân lợi nhuận doanh nghiệp chứng khoán cũng thuộc về TCBS.
Còn tại một công ty chứng khoán lớn khác là VNDirect, lợi nhuận lại ngược với diễn biến của VN-Index. Mảng tự doanh của VNDirect không những không bị ảnh hưởng mà còn ngược dòng thị trường chung. Cụ thể, lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) chiếm tỉ trọng lớn nhất với 871,4 tỷ đồng, gấp gần 3 lần cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu năm, VNDirect ghi nhận lợi nhuận trước thuế 1.603 tỷ đồng, tăng trưởng 41% so với cùng kỳ.