Buổi đối thoại có sự tham dự của đông đảo trẻ em trên địa bàn tỉnh Kon Tum và lãnh đạo sở ban ngành địa phương - Ảnh: TRẦN HƯỚNG
Tỉnh đoàn Kon Tum tổ chức chương trình đối thoại trực tiếp giữa Hội đồng trẻ em với Thường trực HĐND tỉnh Kon Tum nhằm tạo điều kiện để các thanh thiếu nhi trên địa bàn được bày tỏ tâm tư, nguyện vọng và hiểu biết về luật, quyền lợi của trẻ em.
Nhiều thiếu niên đặt ra những câu hỏi xoay quanh các vấn đề về sử dụng mạng xã hội, xâm hại tình dục, bỏ học kết hôn trước tuổi luật định hay sự quản lý nghiêm ngặt của bố mẹ… đối với đại diện lãnh đạo các sở ban ngành Kon Tum.
Em Phan Phúc Phú, học sinh lớp 8 (Trường THCS-THPT Liên Việt - TP Kon Tum), đặt câu hỏi: Một số bạn đã có những dấu hiệu bị xâm hại tình dục lẫn bạo lực, khiến các bạn lo lắng và sợ hãi, không biết chia sẻ cùng ai. Vậy chính quyền địa phương có biện pháp ngăn chặn và xử lý như thế nào khi gặp những trường hợp này?
Hay hiện nay tình trạng nam, nữ kết hôn trước tuổi luật định vẫn diễn ra thường xuyên ở xã Ya Xiêr. Việc học sinh bỏ học để kết hôn còn diễn ra nhiều và hết sức phức tạp. Vậy các cấp chính quyền đã có biện pháp gì để giảm tình trạng trên?...
Học sinh Phan Phúc Phú (Trường THCS-THPT Liên Việt - TP Kon Tum) đặt câu hỏi đối với sở ban ngành tỉnh Kon Tum - Ảnh: TRẦN HƯỚNG
Đại diện Sở Thông tin và truyền thông trả lời rằng: Sở đã cử công chức tham gia "mạng lưới ứng cứu và bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng" nhằm phối hợp ngăn chặn, gỡ bỏ kịp thời các nội dung xâm hại trẻ em ở địa bàn tỉnh; phổ biến số điện thoại, đường dây nóng quốc gia bảo vệ trẻ em và địa chỉ liên hệ các cơ quan chức năng của địa phương.
Đào tạo bộ kỹ năng số cho trẻ em theo độ tuổi về kiến thức mạng Internet, mạng xã hội; kỹ năng bảo đảm an toàn thông tin tối thiểu; bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng...
Trong thời gian tới, trên địa bàn tỉnh cũng sẽ được phổ biến, hướng dẫn về các kiến thức này tới trẻ em.
"Ở lứa tuổi thiếu nhi, các em không nên lập tài khoản cá nhân trên mạng xã hội. Khi sử dụng mạng xã hội, các em cần nhận thức, xác định rõ mục đích sử dụng, không nên truy cập vào những trang mạng có nội dung tiêu cực; không kết bạn với người lạ hay chia sẻ, đăng tải những thông tin thể hiện tâm trạng của mình; tránh tham gia bình luận..." - đại diện Sở Thông tin và truyền thông Kon Tum khuyến cáo.
Ông Nguyễn Thanh Tính - phó giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội - trả lời câu hỏi của các trẻ em tại buổi đối thoại - Ảnh: TRẦN HƯỚNG
Ông Nguyễn Thanh Tính - phó giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội - cho hay, với vấn đề bảo vệ trẻ em trước các sự việc xâm hại, bạo lực, các cơ quan chức năng trên địa bàn hết sức quan tâm và đã có những chỉ đạo thực hiện các biện pháp nhằm ngăn chặn, cũng như hỗ trợ kịp thời cho các em trong trường hợp tình huống đáng tiếc xảy ra.
Trong những năm qua, 100% các sự việc xâm hại, bạo lực trẻ em trên địa bàn tỉnh được phát hiện đều được can thiệp, xử lý đúng quy định của pháp luật.
Trong buổi đối thoại, sở ban ngành Kon Tum cho biết hiện vẫn còn tình trạng một số trẻ em bỏ học giữa chừng để phụ giúp công việc gia đình và kết hôn sớm, trong đó có tảo hôn, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, học vấn, chất lượng cuộc sống của bản thân các em. Theo thống kê, giai đoạn 2015 - 2020, xã Ya Xiêr (Sa Thầy, Kon Tum) có 5 trường hợp tảo hôn.
Cũng tại buổi đối thoại trên, các trẻ em còn đặt nhiều câu hỏi về cơ sở vật chất, trang thiết bị ở trường học; đời sống của trẻ em dân tộc thiểu số còn nhiều hạn chế... Qua đó, đại diện lãnh đạo các sở ngành tỉnh Kon Tum đã tiếp thu ý kiến, giải đáp thắc mắc từ những câu hỏi của trẻ em tham dự.
Nhiều trẻ em trên địa bàn tỉnh Kon Tum đặt câu hỏi xoay quanh các vấn đề về sử dụng mạng xã hội, xâm hại tình dục, bỏ học kết hôn trước tuổi luật định hay sự quản lý nghiêm ngặt của bố mẹ… - Ảnh: TRẦN HƯỚNG
TTO - "Gã chồng lôi chị ấy vào một góc khuất không có camera. Mỗi một cú đá hay đấm vào người chị, gã ta lại hét lớn 'anh yêu em' hay 'anh vô cùng yêu em' để tránh bị ghi âm", bà Nguyễn Vân Anh kể về một trường hợp bị bạo lực giới mà bà biết.