Sau một thời gian dài giữ mức giá không quá 60.000 đồng/kg, trong một tháng trở lại đây giá thịt lợn hơi đang tăng lên dần với mức giá cao nhất ở miền Bắc khoảng 75.000 đồng/kg, kéo theo đó là những ảnh hưởng nhất định đến cuộc sống của tiểu thương và người tiêu dùng.
Chị Nguyễn Thị Tươi, tiểu thương bán thịt lợn tại chợ dân sinh ở Sóc Sơn cho biết giá thức ăn chăn nuôi hiện nay đang cao, điều này dẫn đến lý do vì sao giá thịt lợn có chiều hướng tăng đột biến ở thời điểm hiện tại.
Chị Tươi cũng chia sẻ thêm việc giá thịt lợn tăng dẫn đến sức tiêu thụ của người dân giảm. “Bình thường mỗi ngày chị bán khoảng 400 kg thịt lợn mà hiện tại số lượng chỉ còn 150 - 200kg do người dân thấy đắt quá đã chuyển sang các loại thịt đông lạnh có giá thành rẻ hơn”.
Cô Nguyễn Thanh Vân (48 tuổi, xã Phú Cường, huyện Sóc Sơn) cho biết giá thịt lợn thành phẩm tăng cao khiến chi tiêu gia đình bị ảnh hưởng. “Do giá thịt lợn lên cao đột biến, nên gia đình tôi phải thắt chặt mức chi hàng ngày cho việc đi chợ, không được thoải mái như ngày trước” cô Vân chia sẻ.
Đưa ra ý kiến về việc giá thịt lợn tăng, trao đổi với Người Đưa Tin, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú nhận định nguyên nhân rõ nhất dẫn đến biến động giá thịt lợn là do chi phí đầu vào, thức ăn chăn nuôi, các chi phí xăng dầu, vận chuyển logistic.
Việc người chăn nuôi đang chịu lỗ trong thời gian dài cũng thúc đẩy việc tăng giá thịt lợn. Ông Vũ Vinh Phú cho biết: “Từ đầu năm đến nay giá thành sản xuất lợn hơi ước tính khoảng 60.000 - 63.000 đồng/kg, nhưng các hộ chăn nuôi chỉ bán được với giá từ 55.000 - 57.000 đồng/kg, cho nên dẫn đến tình trạng lỗ nhiều”.
Nói về nguyên nhân tăng giá thịt lợn thời gian gần đây, chuyên gia này cho biết, khi giá xăng dầu tăng, đẩy giá của các sản phẩm lên, kéo theo giá thịt lợn và thịt bò cũng tăng lên. Ngoài ra, thời tiết trong tháng vừa qua khá dễ chịu, trời mát nên nhu cầu về thịt lợn cũng như du lịch ẩm thực, ăn uống cũng tăng.
“Một phần giá thịt lợn tăng cũng do xuất khẩu tiểu ngạch đi Trung Quốc, tuy không nhiều nhưng có”, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú chia sẻ thêm.
Bên cạnh đó, đề cập đến vấn đề bình ổn giá thịt lợn tại thời điểm hiện tại, ông Vũ Vinh Phú đưa ra một quan điểm khác, vì theo ông thịt lợn lên giá vừa phải ở thời điểm hiện tại là tín hiệu tốt vì chúng ta cần phải bảo vệ quyền lợi của người chăn nuôi trong nước. Chỉ nên đưa ra các biện pháp quản lý giá trong trường hợp giá thịt lợn hơi cao trên mức 80.000-85.000 đồng/kg và diễn ra phổ biến như các năm trước.
Ông Vũ Vinh Phú nhận định, gần đây dịch bệnh liên quan đến lợn không có nhiều, không diễn biến phức tạp, đây là dấu hiệu đáng mừng. Tuy nhiên tình trạng hàng hóa Việt Nam trong đó có cả thịt lợn, không đi từ sản xuất đến bán lẻ mà phải trải qua nhiều khâu trung gian, qua lò mổ, qua thương lái và tình trạng một số siêu thị hưởng chiết khấu cao từ 20- 25% . Vì vậy, giá thịt lợn hơi và giá thành phẩm ở chợ và siêu thị lại có độ chênh lớn (giá thịt lợn thành phẩm ngày 23/7 tại các chợ dân sinh khoảng 130.000-140.000 đồng/kg, nhưng siêu thị vẫn là 180.000 đồng/kg). Ngoài ra chuyên gia kinh tế còn nhấn mạnh đến các vấn đề đáng lưu tâm đó chính là đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và quản lý chất lượng thịt lợn.
Chuyên gia giải thích thêm rằng giải quyết vấn đề về thức ăn gia súc, giảm bớt phí nhập khẩu của nguyên liệu ngô, cám, chú trọng vào chuỗi thức ăn trong nước để đảm bảo nguồn cung, kết hợp cùng các biện pháp phòng chống dịch bệnh trên lợn hiệu quả sẽ giúp đảm bảo và ổn định giá thịt lợn từ nay đến Tết nguyên đán.
Trả lời câu hỏi của Người đưa tin về lý do tại sao xăng dầu giảm nhưng giá thịt lợn và hàng hóa chưa giảm, ông Vũ Đình Phú đã nêu ra 03 lý do chính. Đầu tiên, theo chuyên gia, việc giảm giá xăng dầu ở Việt Nam là quá muộn, các thuế phí liên quan đến xăng dầu đáng lẽ nên giảm từ tháng 3, tuy nhiên thuế môi trường đến tháng 4 mới giảm. Bộ Công thương và Bộ Tài chính đã bỏ lỡ thời cơ giảm giá xăng dầu, tác động gián tiếp làm đẩy giá lên sớm.
Mặc dù xăng giảm nhưng mức giảm đối với độ tăng trước đây vẫn chưa đủ (giai đoạn từ đầu năm đến nay, giá xăng tăng lên tổng 11.000 đồng/lít và mới giảm 6.000 đồng/lít), nên chưa có độ chín để giá cả hàng hóa có thể hạ thấp. Lý do tiếp theo là phải có độ trễ để các doanh nghiệp, đơn vị vận tải và tiểu thương có thể tính toán, bù lỗ so với các khoản chi phí trước đây. Ngoài ra, giá xăng dầu trong kỳ 1/8 sắp tới liệu sẽ tăng hay giảm cũng sẽ ảnh hưởng đến quá trình này.
Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Phú đã đưa ra dự đoán của mình về thị trường giá cả Việt Nam nói chung và giá cả thịt lợn nói riêng trong 06 tháng cuối năm. Theo đó, ông dự đoán nhu cầu thị trường 06 tháng cuối năm sẽ tăng lên, giá xăng dầu bấp bênh tùy vào những chính sách mà nước ta đưa ra. Nếu muốn ổn định thị trường giá cả, Việt Nam cần phải chủ động trong chuỗi cung ứng xăng dầu, kể cả sản xuất trong nước và nhập khẩu, đặc biệt là trong dự trữ xăng dầu.
Chuyên gia cho rằng trong thời gian tới sẽ phải giảm nhanh thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế VAT vì khi xăng dầu trở về mức 20.000 – 22.000 đồng/ lít thì lúc đó sức sống của người dân và doanh nghiệp mới có thể phát triển trở lại. Giá thịt lợn sẽ tiếp tục tăng, nhưng nên tăng trong khoảng hợp lý, nếu tăng quá cao sẽ cần đến những biện pháp kê khai giá, kiểm soát giá.