Những cuộc đình công và biểu tình của người lao động ở nhiều nơi trên thế giới đang ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều lĩnh vực, đặc biệt là những ngành liên quan đến vận chuyển hàng hoá, con người và năng lượng. Từ công nhân đường sắt và cảng ở Mỹ, cho đến các mỏ khí đốt tự nhiên ở Úc, tài xế xe tải ở Peru, họ đều đang yêu cầu một chế độ phúc lợi tốt hơn khi lạm phát ảnh hưởng sâu rộng đến thu nhập.
Vì công việc của họ đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế thế giới hiện nay, những người lao động này sẽ không "yếu thế" khi đàm phán lương và phúc lợi. Nếu chuỗi cung ứng gặp gián đoạn do những mâu thuẫn trong vấn đề lao động, tình trạng thiếu hụt và giá cả tăng vọt sẽ càng gây rủi ro suy thoái.
Theo Katy Fox-Hodess - giảng viên ngành quan hệ ngành nghề tại Trường Quản lý thuộc Đại học Sheffield ở Anh, nhờ vai trò quan trọng, các nhân viên ngành vận tải và logistics - bao gồm từ nhân viên kho bãi đến vận tải đường bộ, không bị nhún nhường trước những "ông chủ".
Fox-Hodess cho biết thêm: "Các chuỗi cung ứng toàn cầu không đủ khả năng để ứng phó với một cuộc khủng hoảng như đại dịch. Và các nhà tuyển dụng thực sự đã đẩy áp lực đó lên vai người lao động."
Trong khi đó, các NHTW lại đang lo ngại về việc người lao động được trả lương quá cao và từ đó tạo ra vòng xoáy giá cả - tiền lương như những năm 1970. Trên thực tế, tốc độ tăng của tiền lương nhìn chung vẫn chưa bắt kịp lạm phát, một phần là do quyền lực của các công đoàn không mạnh như trước đây.
Song, đằng sau đó có thể là một vấn đề khác. Phần lớn nguyên nhân gây lạm phát hiện tại "bắt nguồn" từ một số điểm tắc nghẽn cụ thể và tình trạng bất ổn lao động trong các ngành chủ chốt cũng tạo áp lực lớn hơn cho giá cả. Ví dụ, cuộc đình công của các công nhân ngành năng lượng ở Na Uy đã gây chấn động cho thị trường khí đốt tự nhiên châu Âu vào đầu tháng này.
Ngoài ra, vấn đề này còn tạo rủi ro với việc tái cân bằng các nền kinh tế. Trong thời kỳ đại dịch, người tiêu dùng chi nhiều tiền cho hàng hóa hơn so với các dịch vụ như vé máy bay hay phòng khách sạn. Điều này cũng tạo áp lực lên chuỗi cung ứng và gây lạm phát.
Các nhân viên bến tàu Glasgow Central ở Anh đình công ngày 21/6 và lên kế hoạch cho một sự kiện khác vào ngày 30/7.
Theo dự kiến, thói quan chi tiêu sẽ quay trở về mức bình thường. Tuy nhiên, những cuộc đình công của nhân viên sân bay tại Paris và London hay hãng Ryanair đang khiến hoạt động du lịch rơi vào hỗn loạn và nhiều hành khách hủy bỏ chuyến đi.
Dưới đây là một số "điểm nóng" diễn ra tình trạng bất ổn lao động, đang ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu:
Ở Mỹ, một số mâu thuẫn lớn nhất đã xảy ra trong ngành giao thông vận tải. Cuộc đình công của các nhân viên đường sắt có thể sẽ gây nhiều khó khăn hơn cho chuỗi cung ứng vốn đã đứt đoạn của quốc gia này.
Sau 2 năm đàm phán không thành công với các doanh nghiệp đường sắt lớn nhất quốc gia, Tổng thống Joe Biden đã thành lập một hội đồng nhằm giải quyết mối quan hệ rạn nứt sâu sắc giữa 115.000 nhân sự và người sử dụng lao động. Đến giữa tháng 8, Uỷ ban Khẩn cấp của Tổng thống đã phải đưa ra một kế hoạch về hợp đồng, theo đó 2 bên đã chấp nhận và hòa giải.
Eli Friedman - trợ lý giáo sư tại Đại học Cornell, cho biết: "Thị trường lao động đang thiếu nhân sự, điều này đặt người lao động vào một vị trí mà họ vừa có nhiều bất bình vừa cảm thấy được trao quyền." Đại học Cornell đã theo dõi 260 cuộc đình công và 5 cuộc bãi công ở Mỹ liên quan đến khoảng 140.000 nhân sự vào năm 2021, dẫn đến khoảng 3,27 triệu ngày đình công.
Tại Anh, các tài xế tàu hỏa cho biết họ sẽ đình công vào ngày 30/7 và 2 công đoàn vận tải khác cũng lên kế hoạch cho những đợt đình công 24 giờ vào tuần tới. Các hành khách không chỉ là những "nạn nhân" duy nhất. Hãng tàu container lớn số 2 thế giới - A.P. Moller-Maersk, cảnh báo rằng tình trạng này sẽ gây gián đoạn đáng kể cho hoạt động vận chuyển hàng hoá.
Những cuộc đình công trong ngành đường sắt cũng xảy ra ở Canada, tạo nên một phần của làn sóng mâu thuẫn lao động lớn nhất trong nhiều thập kỷ. Hàng chục nghìn công nhân xây dựng cũng nghỉ việc vào đầu mùa hè này. Vào tháng 5, 1,1 triệu ngày công bị "trống" do quá nhiều người nghỉ việc - cao nhất kể từ tháng 11/1997.
Ở nhiều quốc gia, việc các tài xế xe tải đã phản đối chi phí nhiên liệu tăng cao là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng bất ổn. Tài xế ở Peru đang tổ chức một cuộc đình công trên toàn quốc trong tháng này.
Tại Argentina, các cuộc đình công của tài xế trong tháng 6 đã kéo dài suốt 1 tuần, khiến khoảng 350.000 tấn hoa màu không thể vận chuyển. Thậm chí, các tài xế Nam Phi đã chặn một số tuyến đường giao thương để phản đối giá xăng tăng cao kỷ lục.
Theo các chuyên gia theo dõi kinh tế Mỹ, tranh chấp lao động gây lo ngại lớn nhất là vụ tranh chấp liên quan đến hơn 22.000 công nhân đóng tàu ở Bờ Tây. Hợp đồng của họ hết hạt vào đầu tháng 7 và hiện nghiệp đoàn International Longshore & Warehouse Union (ILWU) đang đàm phán về hợp đồng mới. Cả 2 bên cho biết họ muốn tránh tình trạng ngưng trệ - có thể khiến các cảng xử lý gần 1 nửa hàng hóa nhập khẩu ở Mỹ đóng cửa.
Các tài xế xe tải đình công tại cảng Oakland.
Trong khi đó, Cảng Oakland - cảng bận rộn thứ 3 ở California, đã phải đóng cửa một số cổng và nhà ga vào tuần trước. Điều này càng khiến thời gian chờ đợi nhập khẩu hàng hóa tăng lên. Nguyên nhân là do các tài xế xe tải đã chặn lối vào để phản đối luật lao động đối với tài xế công nghệ (yêu cầu các hãng công nghệ trả lương tối thiểu cho tài xế nhưng không coi họ là nhân sự của công ty).
Các cảng ở Đức gặp xáo trộn sau các cuộc đình công kéo dài 2 ngày vào đầu tháng này. Theo đó, tình trạng tắc nghẽn hàng hóa càng gây khó khăn cho việc vận chuyển và gây tổn hại cho nền kinh tế lớn nhất châu Âu.
Ở Hàn Quốc, ngành đóng tàu đã chứng kiến số lượng đơn đặt hàng tăng vọt trong bối cảnh chuỗi cung ứng gián đoạn. Các công nhân biểu tình trong vài tuần tại một bến tàuc ủa Daewoo Shipbuilding & Marine Engineering Co., yêu cầu tăng lương 30% và giảm bớt khối lượng công việc. Sau đó, việc sản xuất và hạ thủy 3 còn tàu bị trì hoãn và Tổng thống Yoon Suk Yeol đã yêu cầu các Bộ trưởng can thiệp.
Tranh chấp lao động càng gây gián đoạn cho mùa du lịch ở châu Âu, khi các công ty hàng không và đường sắt thiếu lao động trầm trọng sau khi sa thải trong thời kỳ đại dịch. Lịch bay của các hãng bay bao gồm Ryanair, EasyJet và SAS đã bị gián đoạn do ảnh hưởng của những cuộc đình công.
Hành khách chờ đợi tại sân bay Charles de Gaulle.
Cuộc đình công tại sân bay Charles de Gaulle đã khiến nhiều chuyến bay bị hủy và sân bay Heathrow ở London cũng đứng trước nguy cơ tương tự khi công đoàn Unite Union tuần trước cho biết họ nhận được đề nghị "tăng lương bền vững".
Ngay cả ở Jamaica - quốc gia hầu như không chứng kiến tình trạng quá tải ở sân bay, các kiểm soát viên đã tổ chức cuộc đình công ngày 12/5 để phàn nàn về mức lương thấp. Do đó, việc di chuyển của hơn 10.000 người ở đảo Caribbean bị gián đoạn và ít nhất 1 máy bay đã buộc phải quay trở lại Canada ngay giữa chuyến đi.
Cuộc đình công của các công nhân dầu mỏ ở Na Uy lại là mối rủi ro khác đối với nguồn cung cấp năng lượng ở châu Âu. Tranh chấp đã được giải quyết khi chính phủ can thiệp và đề xuất mức lương bắt buộc. Nếu cuộc đình công căng thẳng hơn nữa, hơn 1 nửa hoạt động xuất khẩu khí đốt của Na Uy sẽ bị đình trệ.
Tại Úc, một trong những nhà sản xuất LNG hàng đầu thế giới, các công nhân của Prelude thuộc Shell ở Tây Úc đã ngừng làm việc đến ngày 4/8. Tình trạng này khiến việc dỡ hàng hóa ở một cơ sở xuất khẩu bị tạm dừng và càng khiến tình trạng thiếu nhiên liệu trên toàn cầu trở nên trầm trọng hơn.
Tham khảo Bloomberg
http://tintuc.vdong.vn/07/1439433.htm