LTS: Nhiều ngư dân hành nghề ở biển Tây Cà Mau lao đao với nạn mất vỏ ốc dùng để bẫy mực, có người đã phải rời bỏ biển vì dù đã làm đủ cách vẫn không giữ được số vỏ ốc đã đầu tư...
“Nghề ốc bẫy mực là nghề đang ăn nên làm ra. Nhưng gần đây, nạn trộm cắp vỏ ốc lộng hành, ngư dân làm nghề này bỏ biển đi gần hết, không dưới 80%”. Bà Lâm Kim Hương ở cửa biển Khánh Hội, huyện U Minh, Cà Mau nói.
Nghề ốc bẫy mực
Từ 20 năm trước, nghề ốc bẫy mực xuất hiện ở vùng biển tỉnh Cà Mau. “Trước đó, ở tỉnh Kiên Giang có mấy ông làm nghề lặn biển săn bắt hải sản, phát hiện trong những cái vỏ ốc vôi luôn có những con mực tua trú ngụ, kiểu ốc mượn hồn. Từ phát hiện này, ngư dân Kiên Giang áp dụng vào nghề đánh bắt mực. Họ kết nhiều vỏ ốc vôi thành những đường dây dài, thả xuống biển dụ mực chui vào rồi kéo lên bắt” - ngư dân Lê Văn Lặc ở Cà Mau kể.
Ngư dân Lâm Kim Hương bức xúc vì nạn mất vỏ ốc bẫy mực. Ảnh: T.VŨ |
Ban đầu, ngư dân chỉ áp dụng thử nghiệm trên những chiếc tàu nhỏ đánh bắt gần bờ. Thấy hiệu quả, nhiều người đã mở rộng đầu tư tàu lớn. Và dần dà, nó có cái tên là nghề ốc bẫy mực, có nơi gọi là nghề bẫy ốc mực.
Với đặc điểm không cần mồi nhử, không làm tổn hại các loài tôm cá nhỏ khác trên biển như nghề cào bay, cào đôi, te, đóng đáy…, nghề ốc bẫy mực ra đời được ngư dân và chính quyền ưa thích. Nó bắt đầu phát triển ở tỉnh Cà Mau từ khoảng 20 năm qua, ngày càng thịnh vượng.
Theo thống kê từ cơ quan quản lý về thủy sản ở tỉnh Cà Mau, đến đầu năm 2022 tỉnh này có trên 200 tàu ốc bẫy mực. Ngư dân làm nghề này ngày càng khấm khá lên.
Chị Lư Thị Kiên, một ngư dân ở cửa biển Khánh Hội, nói: “Gia đình tôi trong vài năm gần đây đã làm ăn có lời nhiều, mua thêm được bốn tàu lớn để đánh ốc mực. Nói chung, nghề ốc bẫy mực hiện rất hiệu quả. Chỉ là trộm vỏ ốc lộng hành, bà con không thể làm ăn yên ổn được”.
Số vỏ ốc bẫy mực của ngư dân Lê Văn Lặc sau một đêm chỉ còn lại 1/4, trong khi giá mỗi vỏ ốc hiện có giá 30.000 - 40.000 đồng. Ảnh: T.VŨ |
Do nghề ốc bẫy mực rất hiệu quả nên vỏ ốc vôi cũng tăng giá liên tục. Hơn 10 năm trước, mỗi vỏ ốc có giá chỉ 5.000-7.000 đồng, nay đã tăng lên 30.000 đồng đến hơn 40.000 đồng/vỏ.
Và đó cũng là lý do khiến nạn mất vỏ ốc bẫy mực tràn lan, gây hoang mang ngư dân.
Bỏ biển vì sợ trộm
Ngư dân Lâm Kim Hương, ở cửa biển Khánh Hội, cho biết đã nhiều lần bị mất, bị trộm vỏ ốc bẫy mực. Chỉ tính trong năm 2021 đến nay, gia đình đã bị mất ba lần, với số tài sản bị mất hơn 400 triệu đồng. “Nghề ốc bẫy mực là nghề đang ăn nên làm ra nhưng nạn trộm cắp vỏ ốc lộng hành, ngư dân cửa biển này bỏ biển đi gần hết. Cứ 100 người thì có 80 người bỏ biển Cà Mau đi biển khác làm ăn vì sợ trộm” - bà Hương nói.
Theo các ngư dân, nạn mất, mất trộm vỏ ốc mực trên biển từ đầu năm 2021 đến nay gia tăng mạnh.
Không thống kê được vì dân không báo
Trao đổi với chúng tôi về nạn trộm vỏ ốc bẫy mực, lãnh đạo UBND xã Khánh Hội, huyện U Minh và xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời đều xác nhận không thống kê được số vụ mất, mất trộm cũng như giá trị tài sản của ngư dân.
Theo lý giải của lãnh đạo hai xã trên, người dân bị mất vỏ ốc có báo chính quyền nhưng chưa thấy hiệu quả nên họ nản, không báo nữa.
Anh Lê Văn Tiến, ở cửa biển Đá Bạc (xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau), cho hay năm 2021 đã bị mất ba đợt, tổng số vỏ ốc bị mất hơn 30.000 vỏ, trị giá hơn 1 tỉ đồng.
Chị Kiên bị mất khoảng nửa tỉ đồng. Em chồng chị là anh Nguyễn Phi Trường, cũng ở Khánh Hội, mất hôm tết Nguyên đán 2022 số vỏ ốc trị giá gần 400 triệu đồng.
Và mới đây, vào đêm 8-4, rạng sáng 9-4, anh Lê Văn Lặc mất 3/4 số vỏ ốc, trị giá gần 300 triệu đồng. Ngày 11-4, anh mang sổ hồng, giấy tờ tàu cá đi tìm người ở cửa biển Khánh Hội để cầm cố, lấy tiền mua lại bộ vỏ ốc mới.
“Trước đây, đầu tư nghề ốc bẫy mực đi hỏi vay tiền rất dễ nhưng nạn trộm vỏ ốc lộng hành, họ không dám cho vay nữa. Tôi đã hỏi qua nhiều người để cầm nhà nhưng họ chỉ hứa là “để suy nghĩ thêm”” - anh Lặc than.
Anh cho biết anh chấp nhận mức lãi suất cao để lấy tiền mua bộ vỏ ốc mới nhưng người cho vay cũng ngại vì sợ anh lại bị mất sạch vỏ ốc.