vĐồng tin tức tài chính 365

Hệ thống bán lẻ đang thay đổi

2022-07-26 09:39
Hệ thống bán lẻ đang thay đổi - Ảnh 1.

Một cửa hàng bán lẻ đa kênh vừa trực tuyến, trực tiếp trên đường Điện Biên Phủ (TP.HCM) - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Theo ông Furusawa Yasuyuki - tổng giám đốc AEON Việt Nam, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, thói quen cũng như xu hướng, hành vi tiêu dùng của khách hàng đã thay đổi mạnh mẽ. 

"Khách hàng giờ đây ưu tiên sự thuận tiện, lựa chọn mua sắm ở các địa điểm gần nhà. Bên cạnh đó, họ chú trọng các sản phẩm tốt cho sức khỏe với giá cả hợp lý. Đó là lý do các siêu thị mini, cửa hàng nhỏ sẽ là xu hướng".

Sống khác sau dịch

Việc hàng trăm cửa hàng Bách Hóa Xanh tại TP.HCM đóng cửa liên tiếp trong quá trình tái cấu trúc lại chuỗi dường như không tác động quá nhiều đến thị trường. Chị Hồng Vân (ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết từ khi một cửa hàng gần nhà của chuỗi này đóng cửa, chị chuyển sang mua hàng ở một siêu thị mini khác cách đó không xa. 

"Trên tuyến đường nhà tôi có ba siêu thị mini, chưa kể một cửa hàng tiện lợi gần đó. Ở cửa hàng nào tôi cũng có thẻ thành viên thân thiết vì tôi thấy mua hàng trong siêu thị vẫn an tâm hơn mua ngoài chợ", chị Vân giải thích.

Quả thực, những quy định sống chung với dịch COVID-19 cùng những nhìn nhận của cá nhân người dân trong giai đoạn đỉnh dịch và hậu dịch đã được thể hiện rõ trong sự thay đổi cách mua sắm. 

Ông Vũ Đăng Vinh, tổng giám đốc Vietnam Report (công ty chuyên lĩnh vực báo cáo, đánh giá xếp hạng doanh nghiệp, sản phẩm và dịch vụ tại Việt Nam), cho rằng các yếu tố như thay đổi hành vi tiêu dùng, tăng mua sắm trực tuyến (online) và điều kiện kinh tế đầy thách thức đang thay đổi cách các nhà bán lẻ vận hành và tương tác với khách hàng. 

Kết quả là cả mua hàng trực tuyến và mua hàng tại cửa hàng tiện lợi đều đạt mức cao nhất về số người mua sắm.

Trong bối cảnh này có một điểm đáng chú ý nữa là sự nổi trội của các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam. Ở thời điểm năm 2016, hơn 50% thị phần bán lẻ của Việt Nam thuộc về doanh nghiệp nước ngoài, nhưng đến nay doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam đang chiếm khoảng 70 - 80% số điểm bán trên cả nước.

Có một điểm đáng kể là nhiều hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại cho biết từ đầu hè đến nay đã ghi nhận lượng khách đến mua sắm đông đúc trở lại, đặc biệt là các ngày cuối tuần. 

Tại các trung tâm mua sắm như Vincom Landmark 81, Takashimaya, Gigamall... hay siêu thị Co.opXtra, AEON Tân Phú... các bãi giữ xe luôn trong tình trạng quá tải. Lượng khách hàng mua sắm đông nên các khu vực ăn uống bên trong các trung tâm thương mại cũng nhộn nhịp.

Theo đại diện một số trung tâm thương mại, các chương trình khuyến mãi dịp giữa năm đã tạo cơ hội cho người dân mua hàng hiệu giảm giá. 

Hàng loạt sản phẩm của các thương hiệu thời trang nổi tiếng trong và ngoài nước đang giảm giá lên tới 70 - 80% kéo dài nhiều ngày. Không chỉ người dân TP quan tâm mà nhiều du khách khi đến TP.HCM cũng tranh thủ dịp này để mua sắm.

Hệ thống bán lẻ đang thay đổi - Ảnh 2.

Một cửa hàng bán lẻ kết hợp cà phê Guta trên đường Điện Biên Phủ, quận 3, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Thay đổi chiến lược kinh doanh

Theo các chuyên gia bán lẻ, với sự phát triển đa kênh hiện nay, xu hướng tái cấu trúc sẽ còn ghi nhận có thêm nhiều cửa hàng tiếp tục đóng cửa nhưng điều đó không có nghĩa các cửa hàng không còn quan trọng nữa. Thương mại điện tử sẽ không thay thế được các cửa hàng vật lý. 

Tuy vậy, vai trò các cửa hàng không còn là một địa điểm chỉ để trưng bày các mặt hàng mà sẽ tích hợp vào quy trình mua hàng trực tuyến khi xu hướng mô hình trực tuyến - hợp nhất - ngoại tuyến (OMO) sẽ tiếp tục phát triển. 

Một số doanh nghiệp sử dụng cửa hàng hiện hữu làm trung tâm thực hiện cho các kênh trực tuyến, chuyển đổi tất cả các kho hàng và trung tâm phân phối hiện có thành kho chứa đa kênh.

Ông James Christopher, chủ tịch TMX khu vực châu Á, cho biết khảo sát của tập đoàn chuyên tư vấn chuyển đổi kinh doanh này (trụ sở tại Singapore) ghi nhận ngay sau dịch, chiến lược đa kênh đang được các doanh nghiệp Việt Nam xem như một phương thức xây dựng nền móng vững chắc để phát triển trong tương lai. 

Có đến 76% tại Việt Nam (tỉ lệ của toàn khu vực châu Á là 46%) xem việc đầu tư vào mô hình bán hàng đa kênh là ưu tiên hàng đầu trong 3 đến 5 năm tới.

Xu hướng này nhất quán với thực tế xã hội trong giai đoạn hiện tại, khi người tiêu dùng đã quen dần với việc mua hàng qua kênh thương mại điện tử. Tiếp cận đa kênh trở thành một chiến lược phù hợp giúp doanh nghiệp đảm bảo sự hiện diện liên tục và mang đến trải nghiệm mua sắm liền mạch cho khách hàng.

Ông Vũ Đăng Vinh cho rằng sự chuyển động của thị trường là quá trình tất yếu trong bối cảnh các nhà bán lẻ vẫn đang phải mò mẫm hoàn thiện mô hình hoạt động của mình. 

Trong dài hạn, thị trường bán lẻ Việt Nam còn được thúc đẩy bởi các yếu tố khác khi là một nước có dân số gần 100 triệu dân, được xếp vào nhóm các quốc gia phát triển tầng lớp trung lưu mạnh nhất thập niên và trở thành một điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư nước ngoài.

Theo ông Peter Christou - giám đốc thương mại Worldpanel Division Vietnam (thuộc Tập đoàn Kantar), về lý thuyết, người tiêu dùng đã dần bỏ chợ truyền thống và tìm đến các siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi là những nơi có thể đáp ứng hầu hết các nhu cầu của họ, bao gồm cả thực phẩm tươi sống. Nhưng ở góc độ thực tế, để các trải nghiệm của người tiêu dùng mua sắm tiện ích hơn, những điểm bán cũng phải tự làm mới mình hơn nữa.

Đó là tăng tốc chuyển đổi kỹ thuật số, tăng phạm vi tiếp cận người trên kênh mạng xã hội, trang web, giúp người tiêu dùng có thể đặt hàng và giao hàng trực tuyến, nhấp chuột và thu thập, mô hình đăng ký (hằng tuần, hằng tháng...). 

Những tương tác này giúp giảm áp lực phục vụ tại cửa hàng. Các điểm bán này cũng cần hợp tác với bên thứ ba để có dịch vụ giao hàng nhanh hơn.

"Điều quan trọng không kém là mỗi cửa hàng cũng phải lập kế hoạch, dự báo nhu cầu trên địa bàn để giảm thiểu tình trạng hàng hóa dư thừa và nắm bắt đầy đủ nhu cầu của người tiêu dùng. Các sáng kiến được nhúng công nghệ: thanh toán tự phục vụ, lấy và đi để giảm thời gian xếp hàng, tối đa hóa hiệu suất quay vòng của lượt khách", ông Peter Christou gợi ý. Đây cũng là cách để tránh việc đóng cửa các cửa hàng như hiện nay.

Trong cuộc đua mới của công nghệ số, các nhà bán lẻ thành công nhất, giành được nhiều lợi thế trong cuộc cạnh tranh là những nhà bán lẻ có các kênh thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ, xây dựng được các mô hình kinh doanh mới không chỉ thay đổi và thích nghi phù hợp với sự tiến hóa của cuộc cách mạng công nghệ mà còn phù hợp với các tâm lý, hành vi tiêu dùng mới.

Hệ thống bán lẻ đang thay đổi - Ảnh 3.

Nguồn: Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch & đầu tư - Đồ họa: TẤN ĐẠT

Bán lẻ đa kênh là cách thức kết nối tất cả các kênh bán hàng online và offline thành một chuỗi khép kín. Khách hàng tiếp cận đến bất cứ kênh bán hàng nào cũng có trải nghiệm đồng nhất từ chương trình khuyến mãi, quyền lợi thành viên, hàng hóa đến giá cả...

Nhà đầu tư nước ngoài chưa bỏ cuộc

Trong kế hoạch tăng tốc vào thị trường Việt Nam vừa được chia sẻ gần đây, ông Olivier Langlet - tổng giám đốc Central Retail Việt Nam - cũng cho biết khoản đầu tư 20.000 tỉ đồng trong 5 năm tới sẽ hướng đến mục tiêu đưa tập đoàn trở thành nền tảng đa kênh số 1 trong lĩnh vực thực phẩm và kinh doanh trung tâm thương mại ở Việt Nam.

Trong 10 năm qua, doanh thu bán lẻ tại thị trường Việt Nam đã đóng góp 22% tổng doanh thu của Central Retail. Đây là một mức tăng nhảy vọt.

Thay vì mở mới, một trong những chiến lược đáng chú ý là tập đoàn của Thái Lan này hướng đến mục tiêu nắm bắt các cơ hội mua bán và sáp nhập để tăng tốc mở rộng kinh doanh thay cho chỉ tập trung mở mới.

Khi các ông lớn công nghệ lao vào bán thuốc tây, hàng gia dụng

BAN LE

Một cửa hàng FPT Shop trên đường Nguyễn Thị Thập, quận 7 (TP.HCM) được “tái cơ cấu” bán sản phẩm công nghệ, điện thoại, laptop và cả... đồ gia dụng - Ảnh: ĐỨC THIỆN

Đại dịch COVID-19 đã khiến nhiều người tiêu dùng có xu hướng tìm đến những điểm bán dược phẩm có tên tuổi, hệ thống lớn bởi "dễ có thuốc đặc trị, thuốc chất lượng và được phục vụ chu đáo".

Sự thay đổi đó đã khiến nhiều hệ thống bán lẻ lớn tại Việt Nam phải thay đổi chiến lược bán hàng của mình. Chẳng hạn thị trường bán lẻ dược phẩm đang chứng kiến cuộc đua vô cùng khốc liệt của hai "ông lớn" là Thế Giới Di Động (hệ thống nhà thuốc An Khang) và FPT Retail (hệ thống nhà thuốc Long Châu)...

Những doanh nghiệp bán lẻ lớn luôn biết cách tìm thấy cơ hội trong bối cảnh thị trường bán lẻ có nhiều khoảng trống sau các làn sóng dịch bệnh, đồng thời các lĩnh vực mới đều chưa thực sự có đơn vị nào dẫn dắt thị trường. Ai nhanh tay chiếm lĩnh sẽ có cơ hội thành công lớn.

Giám đốc một công ty bán lẻ


Thực tế, tiềm năng của thị trường bán lẻ thuốc tây đã khiến nhiều hệ thống bán lẻ lớn tập trung phát triển thần tốc. Ngày 15-7, chuỗi nhà thuốc An Khang công bố đạt cột mốc 500 cửa hàng chỉ sau nửa năm.

Từ cuối tháng 5-2022, mỗi tháng hệ thống mở mới khoảng 100 cửa hàng. Với tốc độ vũ bão như thế, chỉ trong vòng vài tháng, từ 178 nhà thuốc, hệ thống này đã cán mốc 500 cửa hàng trên khắp miền Nam, tiến dần ra cả khu vực miền Trung và Bắc Bộ.

Ông Đoàn Văn Hiểu Em, giám đốc điều hành của Tập đoàn Thế Giới Di Động, tự tin cho biết: "Tốc độ mở chuỗi của An Khang đang vượt qua kỳ vọng ban đầu của ban giám đốc và có thể hoàn thành sớm kế hoạch 800 cửa hàng trong năm 2022. Tôi có thể tin tưởng cuối năm nay An Khang sẽ có lời".

Vào đầu tháng 7-2022, FPT Retail cũng công bố chuỗi nhà thuốc FPT Long Châu chính thức hoàn thành mục tiêu phủ sóng tại 63 tỉnh thành trên cả nước với gần 700 nhà thuốc và hơn 6.000 dược sĩ phục vụ. Đại diện hệ thống này tiết lộ sẽ cố gắng đạt 800 cửa hàng vào cuối năm 2022.

Song song đó, FPT Long Châu còn đầu tư vào chuyển đổi số, hoàn thiện nền tảng bán lẻ số để giúp tăng hiệu suất vận hành, bán hàng qua mạng nhiều hơn cho khách hàng.

Bên cạnh việc mở thêm cửa hàng hoàn toàn mới, nhiều hệ thống bán lẻ lớn đang có xu hướng tái cơ cấu bằng cách tối ưu hóa từng cửa hàng hiện có, thu hẹp diện tích để nhường cho cửa hàng thương hiệu mới, theo mô hình shop-in-shop.

Chẳng hạn, nhiều cửa hàng thương hiệu Thế Giới Di Động hay Điện Máy Xanh trước đây đã bị thu nhỏ, nhường phần diện tích cho các thương hiệu bán lẻ mới như: Topzone - chuỗi bán lẻ ủy quyền các sản phẩm Apple chính hãng (đạt 50 cửa hàng vào tháng 6 năm nay, chỉ sau 8 tháng phát triển); chuỗi cửa hàng AVA nhắm đến thị trường thời trang, đồ thể thao, mẹ và bé, xe đạp, trang sức...

Cũng với cách làm tương tự, FPT Retail đã có đến 100 cửa hàng bán đồ gia dụng FPT Shop chỉ sau chưa đầy một năm gây dựng. Việc FPT Shop "lấn sân" sang lĩnh vực gia dụng từ tháng 6-2021 được xem là bước đi hòng biến những khó khăn, thách thức thành cơ hội trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Theo chia sẻ của đại diện FPT Shop, mặt hàng gia dụng sẽ trở thành một trong những ngành hàng mũi nhọn, được FPT Shop tiếp tục chú trọng đầu tư và phát triển. Dự kiến đến cuối năm 2022, FPT Shop sẽ tăng gấp đôi độ phủ lên 200 cửa hàng trên cả nước.

ĐỨC THIỆN

Chiến lược "cá bơi ngược dòng"

QD_DienThoaiDiDong

Doanh nghiệp Di Động Việt lên kế hoạch tuyển nhân sự nhằm mở rộng hệ thống cửa hàng bán lẻ theo xu hướng “đa kênh” - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Những thay đổi trong hệ thống bán lẻ mặt hàng điện thoại di động cho thấy thị trường luôn có sự đổi mới. Những chuỗi "cửa hàng bán lẻ chất lượng" chính là cách tồn tại trong thế giới kinh doanh đầy cạnh tranh này.

Cách đây vài năm, người tiêu dùng Việt Nam muốn mua điện thoại iPhone của "chính hãng" Apple sẽ phải nhờ người thân mua ở nước ngoài đem về hoặc mua "hàng xách tay" ở các cửa hàng bán lẻ trong nước. Cách mua này khiến người tiêu dùng dễ gặp rủi ro về chất lượng sản phẩm, lại không được bảo hành chính hãng hoặc muốn bảo hành cũng rất nhiêu khê.

Tuy nhiên hiện nay, người tiêu dùng tha hồ chọn lựa giữa hàng loạt cửa hàng bán lẻ chính hãng (được Apple ủy quyền) mọc lên ngày càng nhiều ở Việt Nam. Có thể kể ra những hệ thống lớn như: FPT Shop, Topzone, Di Động Việt, Shopdunk, CellphoneS, Minh Tuấn, 24hStore...

Tại những cửa hàng chính hãng này, chất lượng sản phẩm là miễn bàn, người dùng chỉ phải phân vân ở giá bán, chế độ khuyến mãi để cân đo đong đếm trước khi quyết định mà thôi.

Và cũng chính vì điều đó, giữa các hệ thống bán lẻ chính hãng nêu trên luôn có sự cạnh tranh vô cùng quyết liệt để giật khách đến mua hàng. Bên cạnh giá bán, các đại lý còn đua thêm khuyến mãi, hậu mãi để thu hút khách đến với hệ thống của mình...

Trước đó, vào cuối tháng 6-2022, hệ thống CellphoneS công bố khai trương cửa hàng thứ 90, hiện diện tại 20 tỉnh thành. Đây là chuỗi cửa hàng bán lẻ chính hãng của nhiều hãng di động và phụ kiện như: Apple, Samsung, Xiaomi, OPPO, Sony, LG, Anker, Aukey...

Hay ngay cả thương hiệu sản xuất lớn như Samsung cũng "nhảy" vào thị trường này khi hợp tác với nhiều doanh nghiệp bán lẻ mở chuỗi cửa hàng ủy quyền cao cấp SamCenter.

Tính đến thời điểm này, SamCenter đã có đến 11 cửa hàng tại Hà Nội và TP.HCM. Tại SamCenter, người tiêu dùng có thể trải nghiệm hệ sinh thái Galaxy đa dạng, bao gồm toàn bộ dòng sản phẩm di động của Samsung, máy tính bảng, đồng hồ thông minh và tai nghe.

Trong khi các "ông lớn" bán lẻ tái cơ cấu hệ thống thì những doanh nghiệp nhỏ lại liên tục mở rộng tối đa sự hiện diện của mình. Là một doanh nghiệp bán lẻ sản phẩm công nghệ, đặc biệt là các sản phẩm của Hãng Apple, Di Động Việt đang là một cái tên gây chú ý khi liên tục khai trương các cửa hàng mới trong năm 2022.

Cách đây vài ngày, hệ thống này khai trương thêm loạt cửa hàng mới tại các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Bình Phước, nâng tổng số cửa hàng bán lẻ Di Động Việt lên con số 45 trên khắp cả nước. Ông Nguyễn Ngọc Đạt, tổng giám đốc Di Động Việt, tiết lộ: "Đang triển khai làm thêm vài điểm bán mới nữa, sẽ khai trương nhanh thôi".

Trong khi những khó khăn sau dịch đang khiến không ít doanh nghiệp phải tái cơ cấu, thu hẹp quy mô, thậm chí đóng cửa, việc liên tục mở rộng hệ thống của các doanh nghiệp nêu trên được đánh giá là "cá bơi ngược dòng".

Giải thích về lựa chọn đầy táo bạo này với Tuổi Trẻ, ông Đạt chia sẻ: "Vượt qua được đại dịch COVID-19 trong năm 2021 như một sự may mắn diệu kỳ và đầy thách thức đã giúp cho tập thể trẻ Di Động Việt mạnh mẽ hơn, từ đó mạnh dạn áp dụng chiến lược "cá bơi ngược dòng" để đưa mình vào thế phải sống và tồn tại trong môi trường cạnh tranh đầy khốc liệt như hiện tại".

ĐỨC THIỆN

Lời thì mở, lỗ thì đóng

Người phụ trách một siêu thị mini ở quận 1 (TP.HCM) cho biết yếu tố cơ bản để quyết định đóng cửa một điểm bán chính là doanh thu/m2. Khi tổng mức thua lỗ của các cửa hàng bị đóng cửa quá lớn, nhà quản lý phải điều chỉnh mô hình hoạt động và hình thức bài trí. Việc đóng cửa để khai trương các cửa hàng thí điểm là cách thức nhanh nhất để tái cấu trúc.

Câu chuyện ầm ĩ từ sự đóng cửa nhanh các cửa hàng thuộc chuỗi Bách Hóa Xanh vừa qua là như thế. Tính từ tháng 4-2022 đến nay, Bách Hóa Xanh đã đóng khoảng 360 cửa hàng. Doanh nghiệp này cũng khẳng định số cửa hàng phải đóng cửa sẽ tăng thêm trong nỗ lực tối ưu hóa lợi nhuận.

Năm 2020, chuỗi Winmart+ của WinCommerce cũng "gây choáng" thông báo có hơn 420 cửa hàng kém hiệu quả dừng hoạt động... Một ông lớn khác là Saigon Co.op cũng tuyên bố sẽ kiên quyết đóng cửa hoặc chuyển đổi mô hình các điểm bán không hiệu quả và thực tế có nhiều cửa hàng Co.op Food của nhà bán lẻ này đã đóng cửa thời gian qua.

Tuy vậy, ở chiều ngược lại, thị trường bán lẻ trong nước vẫn ghi nhận sự tăng tốc của những tay chơi lớn. Trong 6 tháng đầu năm nay, nhà bán lẻ Nhật Bản AEON Việt Nam đã tiếp tục đưa vào vận hành nhiều siêu thị vừa và nhỏ thuộc chuỗi AEON MaxValu tại các khu nội ô.

Doanh nghiệp này cho biết sẽ điều chỉnh, chuẩn hóa mô hình để nhân rộng và hướng đến 100 điểm bán vào năm 2025. Thị trường cũng ghi nhận sự gia nhập mới của Nova Mart với quyết tâm mở rộng 300 điểm bán trong năm 2022. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm, thương hiệu bán lẻ này liên tiếp khai trương nhiều chi nhánh mới.

Những thay đổi này làm cho việc cạnh tranh bằng cách "tăng độ phủ mặt bằng" không còn là chiến lược khôn ngoan của các nhà bán lẻ và để tạo được sự khác biệt, các cửa hàng sẽ phải đưa ra cách bài trí hoàn toàn mới và hoạt động của cửa hàng hỗ trợ các mô hình kinh doanh mới.

N.B.

Ngành tiêu dùng - bán lẻ tại Việt Nam: Ngành tiêu dùng - bán lẻ tại Việt Nam: 'cuộc chơi' của doanh nghiệp đầu ngành

Dù ngành bán lẻ được đánh giá đầy tiềm năng, song hầu hết các công ty phân tích đều nhận định "miếng bánh không dành cho tất cả mọi người". Thị trường sẽ chứng kiến sự bứt phá của những tập đoàn tiêu dùng quy mô lớn, chiến lược bài bản.

Xem thêm: mth.61613848062702202-iod-yaht-gnad-el-nab-gnoht-eh/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“Hệ thống bán lẻ đang thay đổi”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools