Bà Nhung và chú trong ngày đón hài cốt cha mình - Ảnh: BỘ CHQS NGHỆ AN
Cuộc hội ngộ đẫm nước mắt
Bà Nguyễn Kim Nhung quê ở Gia Viễn - Ninh Bình, lặn lội đi tìm mộ cha suốt nửa cuộc đời. Thông tin duy nhất gia đình bà có được chỉ là mảnh giấy nhỏ ghi liệt sĩ hy sinh năm 1968 tại mặt trận phía Nam.
Thế nhưng 50 năm sau, một cuộc hội ngộ bất ngờ khi bà tìm lại đúng hài cốt của cha mình ở Xiêng Khoảng (Lào). Khi ấy hài cốt của ông được cất bốc.
Bà Nguyễn Kim Nhung và chú ruột Nguyễn Đình Doanh khóc nấc lên khi nhìn thấy viên gạch có chữ "Quảng" đặt cạnh chiếc quách phủ cờ Tổ quốc. Bà Nhung chưa một lần được nhìn mặt cha. Lần gặp đầu tiên là di cốt đặt trong chiếc quách phủ cờ đỏ thắm. Viên gạch bên cạnh khắc chữ "Quảng" như chiếc bài vị được đồng đội chôn cùng huyệt mộ.
Bà Nhung là con của liệt sĩ Nguyễn Đình Quảng, hy sinh năm 1968, quê quán ở Gia Viễn, Ninh Bình. "Cha tôi đi bộ đội lúc tôi còn trong bụng mẹ. Ngày bé, mẹ chỉ bảo tôi là "bố đi công tác", sau này lớn tôi mới biết bố tôi đã hy sinh", bà Nhung kể.
Gia đình bà Nhung cứ đau đáu nỗi niềm tìm lại được mộ liệt sĩ suốt cả nửa thế kỷ. Mảnh giấy gửi về cho gia đình chỉ ghi vỏn vẹn vài chữ tên tuổi, đơn vị, năm hy sinh và một địa điểm rất mơ hồ "hy sinh tại mặt trận phía Nam".
Em trai liệt sĩ Quảng - ông Nguyễn Đình Doanh tìm khắp các địa điểm nơi Sư đoàn 316 (Quân khu 2) chiến đấu trong năm 1968 nhưng không tìm ra địa điểm đơn vị anh trai ông chiến đấu. Cuộc tìm kiếm như mò kim đáy bể suốt ngần ấy năm kể từ ngày im tiếng súng.
Nghĩa trang nào ông cũng hỏi thông tin, đơn vị bộ đội nào từ Bắc chí Nam ông cũng nhờ người tìm giúp nhưng trận đánh cuối cùng của anh mình ở đâu? Anh được chôn cất nơi nào? Có ai hương khói hay anh vẫn nằm đâu đó dưới đất rừng lạnh lẽo?
Ông Doanh, bà Nhung bao lần sụt sùi nước mắt thắp hương cho hàng ngàn ngôi mộ vô danh ở Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, Nghĩa trang liệt sĩ quốc tế Việt Lào... Họ vẫn hy vọng một ngày nào đó được thay một tấm bia liệt sĩ chưa xác định được thông tin bằng tên anh mình.
Hy vọng của gia đình bà Nhung lóe lên khi ông Doanh nhận được tin từ Sư đoàn 316: Liệt sĩ Quảng có thể được an táng đâu đó ở Mường Pẹt, tỉnh Xiêng Khoảng (Lào). Đơn vị của ông bị ném bom trên đường hành quân, tám người hy sinh trong trận oanh tạc ấy.
Ông Doanh biết thêm một thông tin quan trọng: đồng đội khắc tên Quảng lên một viên gạch, chôn cùng huyệt mộ. Hai chú cháu lặn lội về Xiêng Khoảng, họ mang theo sơ đồ mộ chí, đến đúng tọa độ.
Thế nhưng cảnh vật đã đổi thay, không còn đặc điểm nào giống với mô tả của tờ sơ đồ, trừ mốc tọa độ. Không ai nhớ một thông tin gì, chỉ vài người già nói chỗ này trước đây đã có bộ đội Việt Nam sang tìm mộ. Họ cất bốc, mang về Việt Nam nhưng không biết mang về đâu. Rồi nhiều năm gần đây năm nào cũng thấy bộ đội Việt Nam sang, họ đào xới cả khu vực, có chỗ vết đất vẫn còn mới.
Hai chú cháu dò hỏi, họ được mách ở gần đây có bộ đội Việt Nam đóng quân, họ mới cất bốc được nhiều hài cốt, để ở doanh trại thắp hương. Ông Doanh, bà Nhung tức tốc tìm đến nơi đóng quân của Đội quy tập hài cốt liệt sĩ - Bộ Chỉ huy quân sự (CHQS) tỉnh Nghệ An ở Xiêng Khoảng.
Họ sững sờ trước hơn 80 chiếc quách phủ cờ Tổ quốc, khói hương nghi ngút. Chợt ông Doanh hét lên: "Anh tôi đây rồi!". Hai chú cháu ôm nhau khóc nức nở trước một chiếc quách bên cạnh đặt một viên gạch khắc chữ "Quảng".
Cán bộ, chiến sĩ của Đội quy tập khi ấy không ai nói được một lời nào, xúc động chứng kiến cuộc gặp đầy nước mắt.
Anh Nguyễn Văn Nam, khi ấy là đội trưởng Đội quy tập hài cốt liệt sĩ - Bộ CHQS tỉnh Nghệ An, đưa ra một tờ sơ đồ mộ chí. Kỳ lạ thay tấm sơ đồ này trùng khớp với tấm sơ đồ mà ông Doanh xin được ở Sư đoàn 316.
"Chúng tôi cũng tìm mộ của anh Quảng nhiều năm rồi! - Anh Nam chia sẻ - Vừa mới tìm được thì gặp người thân của liệt sĩ. Liệt sĩ Quảng cũng là trường hợp duy nhất xác định được danh tính trong hàng trăm liệt sĩ được chúng tôi quy tập trong ba năm qua".
Đội quy tập hài cốt liệt sĩ, Bộ CHQS tỉnh Nghệ An, cất bốc hài cốt liệt sĩ từ nước bạn Lào - Ảnh: BỘ CHQS TỈNH NGHỆ AN
"Chú bộ đội về xin muối, gạo"
Nguyên đội trưởng Đội quy tập hài cốt liệt sĩ, Bộ CHQS tỉnh Nghệ An chia sẻ trong suốt những năm công tác ở đội, anh không thể nào quên trường hợp liệt sĩ Quảng. Nghĩa trang ở Mường Pẹt là một nghĩa trang nhỏ.
Sau ngày kết thúc chiến tranh, những chiến sĩ hy sinh năm ấy đã được đồng đội đến quy tập về Nghĩa trang liệt sĩ quốc tế Việt Lào (Nghệ An).
Tuy nhiên, tài liệu của sư đoàn ghi có tám đồng chí hy sinh nhưng đồng đội chỉ tìm được bảy huyệt mộ. Họ đã đào khắp khu vực nhiều tháng trời, lật từng hòn đá, ngọn cỏ nhưng chỉ tìm được bảy người.
Hàng chục năm sau, cứ gặp bộ đội Việt Nam là người trong bản lại mách ở gần đây vẫn còn mộ của bộ đội Việt Nam. Người trong bản truyền tai nhau về giấc mơ có một anh bộ đội Việt Nam hay vào bản xin gạo, xin muối.
Anh Nam biết trong khu vực nhất định còn một liệt sĩ nữa chưa được đưa về đất mẹ. Tám đồng đội hy sinh trong trận bom năm ấy đã có bảy người được tìm thấy từ năm 1979.
Từ ngày ấy đến nay, nhiều lần đội của anh Nam tìm kiếm, đào xới khắp khu vực nhưng không tìm thấy người còn lại. Họ lần giở lại tài liệu của đồng đội đã cất bốc nghĩa trang khu vực Mường Pẹt từ năm 1979, trở lại thực địa, phán đoán, xác định lại những ngóc ngách có thể bị bỏ sót.
Nghĩa trang nhỏ đã bị đào xới một lần, mọi dấu tích đều khác xa so với sơ đồ. Anh em trong đội hạ quyết tâm, đào lại một lần nữa. "Chúng tôi cố gắng hết sức để đưa các anh ấy về đất mẹ. Đó là một phần nhỏ để động viên, an ủi gia đình, một phần nhỏ tri ân các anh ấy", anh Nam nghẹn ngào kể.
Đất Xiêng Khoảng rắn như đá, chỗ nào dễ sấn lưỡi mai xuống là chỗ đó đã được đào rồi. Chỗ nào đất còn rắn, cả đội tập trung đào, vừa đào vừa tìm kiếm. Họ dừng lại xem xét từng mẩu vải dù đã mục, từng mảnh nilông lẫn trong đất.
Vài ngày trôi qua, cả khu vực như vị trí của sơ đồ đánh dấu lại đã được đào xới, duy nhất còn một gốc cây bạch đàn rất lớn chưa động đến.
"Anh em chúng tôi tập trung đào sát gốc cây, cuối cùng - Người đội trưởng năm xưa xúc động kể - Liệt sĩ Quảng được đồng đội bọc lại, cuộn tròn trong chiếc tăng, anh em tôi vẫn quen gọi là mộ "đùm". Có lẽ anh ấy trúng bom nên không còn nguyên vẹn...".
Điều bất ngờ bên cạnh chiếc tăng dưới huyệt mộ ấy có một viên gạch. Trên mặt khắc chữ "Quảng", đồng đội đã khắc tên, chôn cùng anh để sau này dễ nhận ra, đưa anh về đất mẹ, về bên gia đình...
Anh Nguyễn Văn Nam tâm sự trong 80 hài cốt liệt sĩ được tìm thấy lúc bấy giờ chỉ có liệt sĩ Quảng xác định được thông tin. Viên gạch khắc chữ Quảng, nhưng nếu không có cuộc gặp bất ngờ của người thân trong gia đình, cơ quan chức năng rất khó tìm ra.
Nhiều trường hợp liệt sĩ được ghi đầy đủ họ tên, năm sinh, ngày mất nhưng không tìm được gia đình, quê quán. Họ đành để anh ấy nằm cùng đồng đội ở Nghĩa trang liệt sĩ quốc tế Việt Lào với những tấm bia "Liệt sĩ chưa xác định được thông tin".
________________________________
Một chiếc quách, một bộ hài cốt nhưng có bốn đốt sống cổ thứ 7 khác nhau! Rõ ràng đây là hài cốt của bốn liệt sĩ được liệm chung một mộ!
Kỳ tới: Nơi tìm hy vọng cuối cùng
TTO - "Trong ba ngôi mộ ấy, tôi không biết mộ nào của cha mình, tôi đành xin ba nắm đất về thờ như có cả ba người cha...", ông Nguyễn Công Kình xúc động tâm sự quãng thời gian hơn 20 năm tìm lại mộ cha là liệt sĩ ở chiến trường Lào.
Xem thêm: mth.89480952252702202-om-teyuh-ioud-gnoh-hcag-neiv-4-yk-hna-ohc-net-ial-mit-7-72/nv.ertiout