Thu hoạch lúa hè thu năm 2022 tại tỉnh Sóc Trăng - Ảnh: CHÍ QUỐC
Ngày 26-7, tại TP Cần Thơ diễn ra hội thảo khởi động dự án chuyển đổi chuỗi giá trị lúa gạo ứng phó với biến đổi khí hậu và hướng tới sự phát triển bền vững ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Hội thảo do Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) phối hợp với Tổ chức Phát triển Hà Lan tổ chức.
Tại hội thảo, bà Trần Thu Hà, giám đốc dự án, cho biết dự án sẽ được triển khai trong 5 năm (2022-2027) và được Chính phủ Úc tài trợ 10-15 triệu đôla Úc; được thực hiện tại các địa phương có diện tích trồng lúa lớn ở Đồng bằng sông Cửu Long như Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp…
Cụ thể, dự kiến hỗ trợ sinh kế cho khoảng 300.000 hộ nông dân trồng lúa, giảm phát thải khoảng 200.000 tấn khí CO2, giảm 20-30% chất thải hóa học, tiết kiệm khoảng 15% chi phí đầu vào.
Để thực hiện được mục tiêu này, dự án sẽ mời gọi các doanh nghiệp kinh doanh trong chuỗi giá trị lúa gạo tham gia, triển khai phương pháp canh tác lúa cải tiến, giảm lượng khí thải.
Và để khuyến khích doanh nghiệp tham gia, dự án có sử dụng cơ chế trao giải thưởng dựa trên kết quả đạt được.
Tại hội thảo, ông Nguyễn Như Cường, cục trưởng Cục Trồng trọt, cho biết sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất lúa gạo đang đứng trước 3 thách thức gồm sản xuất nhỏ lẻ, manh mún; xung đột quốc tế làm chi phí đầu vào tăng, đặc biệt là giá phân bón tăng với tốc độ phi mã; ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
300.000 hộ nông dân trồng lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long sẽ được hỗ trợ sinh kế trong 5 năm tới - Ảnh: CHÍ QUỐC
TTO - Ông Hoàng Trung - cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) - đã chia sẻ những giải pháp trước mắt và lâu dài hỗ trợ nông dân khi giá phân, thuốc bảo vệ thực vật liên tục tăng cao.