Trong gian hàng tại một khu chợ ngoài trời ở Lviv (Ukraine), Ihor Korpii đang sắp xếp lại các hộp việt quất mà hai vợ chồng hái ở khu rừng gần đó. Bên cạnh là đậu và thì là họ trồng trong vườn nhà.
Thu nhập khiêm tốn từ nghề giáo viên khiến Korpii phải trồng trọt thêm trong mùa hè để có tiền nuôi gia đình. Năm nay, anh đã phải tăng giá thêm 10% để bù lại chi phí nhiên liệu và phân bón tăng sau chiến dịch quân sự của Nga. Nhưng hiện tại, người mua cũng chẳng có mấy, mà doanh thu cũng chỉ bằng gần nửa.
"Chiến sự khiến giá mọi thứ tăng cao. Mọi người cũng đang mua ít hơn rất nhiều", anh nói, "Tất cả, kể cả chúng tôi, đều đang thắt lưng buộc bụng. Họ cố tiết kiệm tiền vì chẳng biết ngày mai ra sao".
Xung đột Nga – Ukraine đã kéo giá thực phẩm, nhiên liệu và hàng hóa trên khắp thế giới lên cao, làm trầm trọng lạm phát toàn cầu và đẩy cuộc sống của hàng triệu người vào cảnh khó khăn. Tại Ukraine, giá đã tăng hơn 21% so với năm ngoái. Mức tăng này cao hàng đầu châu Âu, do nhiều cơ sở hạ tầng quan trọng bị tấn công và hoạt động sản xuất nông nghiệp gián đoạn. Giá nhiên liệu tăng tới 90% so với năm ngoái, còn giá lương thực tăng hơn 35%, theo Ngân hàng Trung ương Ukraine.
GDP Ukraine được dự báo giảm hơn một phần ba trong năm nay. Chính phủ cũng cảnh báo nước này đối mặt với thâm hụt tài khóa hơn 5 tỷ USD một tháng do chiến sự. Ukraine tuần trước cũng thoát vỡ nợ trái phiếu chính phủ trong gang tấc.
Dù các tổ chức quốc tế đã hỗ trợ gần 13 tỷ USD cho Ukraine, tình hình vẫn chưa cải thiện nhiều. Ngân hàng Trung ương Ukraine đã phải hạ giá đồng hryvnia thêm 25% so với USD để tránh khủng hoảng tài chính. Dù vậy, động thái này sẽ khiến nhiều hàng hóa càng thêm đắt đỏ.
Tin tức này dĩ nhiên chẳng mấy vui vẻ với các doanh nghiệp như CSAD-Yavoriv – một công ty vận tải chuyên chở các hàng hóa như ngũ cốc đi khắp Ukraine và quanh châu Âu. Xe tải càng trở nên cần thiết sau khi lực lượng Nga tấn công nhiều cảng biển và tuyến đường sắt. Giá nhiên liệu cũng tăng gấp 3 sau khi xung đột nổ ra.
Để đổ đầy bình nhiên liệu một chiếc xe tải, Marichka Ustymenko – Phó giám đốc CSAD-Yavoriv cho biết họ hiện tốn khoảng 850 euro (870 USD), tăng từ 300 euro trước chiến sự. Các hãng sản xuất đang chuyển chi phí đó vào sản phẩm, từ bỉm đến đồ nội thất. Giá hàng nhập khẩu cũng tăng vọt do nội tệ mất giá.
"Giá sản phẩm quá cao, mà lương của mọi người vẫn giữ nguyên", bà Ustymenko cho biết. Các chuyến hàng viện trợ chỉ xoa dịu được phần nào tình hình. Với những người già, nhận lương hưu cố định và hàng triệu người Ukraine mất việc hoặc giảm lương, tình hình tài chính đang rất eo hẹp.
Giá thực phẩm tăng rõ rệt nhất. Chỉ số Borscht – theo dõi giá các nguyên liệu làm món súp truyền thống của Ukraine – đã tăng 43% trong tháng 6 so với cùng kỳ năm ngoái. Việc lực lượng Nga chiếm các vùng nông nghiệp đã khiến hoạt động thu hoạch bị ảnh hưởng.
Nằm trên một con phố ở trung tâm Lviv, Borsch – quán café từng thu hút nhiều khách du lịch châu Âu – giờ đang chật vật tồn tại. Yuliya Levytsko – người quản lý cửa hàng cho biết họ đã phải nâng giá món súp borscht. Gia đình Levytsko cũng phải giảm chi tiêu về mức cơ bản.
Chi phí thực phẩm chiếm tới ba phần tư lương tháng của cô, tăng so với chỉ một nửa trước chiến sự. Tiền xăng xe của chồng Levytsko cũng tăng gần 30%. Cả hai đều đang tìm việc làm thêm và Levytsko còn ghi lại từng đồng chi tiêu.
"Chúng tôi không biết tình hình sau này sẽ ra sao", Levytsko nói. Cô cho biết nhiều người Ukraine đang tiết kiệm để chuẩn bị cho mùa đông khắc nghiệt, khi giá nhiên liệu và thực phẩm có thể còn tăng nữa.
Tại một khu chợ ngoài trời ở Lviv, các quầy thịt cũng ế ẩm. Giá thịt bò, thịt lợn, gà và sản phẩm từ sữa hầu như không biến động, nhưng việc bán hàng cũng rất chậm. "Giá các mặt hàng này không tăng mấy, nhưng mọi người đều đang giảm chi", Lesia – người bán thịt tại khu chợ này 20 năm qua cho biết.
Nhiều sản phẩm nhập khẩu, như gia vị, chocolate từ Thổ Nhĩ Kỳ, Chile và Azerbaijan giờ cũng khó kiếm và đắt đỏ hơn do chiến sự. Oksana – chủ một quầy hàng cho biết trước đây, hàng hóa bà mua từ Thổ Nhĩ Kỳ chỉ mất vài ngày. Nhưng hiện tại, khi các cảng ở Biển Đen bị lực lượng Nga chặn lại, hàng hóa phải đi đường vòng, mất hơn một tuần mới đến nơi và chi phí tăng 30%.
"Anh thấy đấy. Nửa tiếng vừa rồi mới có 2 người mua. Đồ của tôi lại không phải là hàng thiết yếu nữa. Họ chỉ cần cải bắp, dưa chuột và sữa thôi", bà nói.
Hà Thu (theo New York Times)