Công ty Cổ Phần Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn (SCSC) được hình thành từ sự góp vốn của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (13% cổ phần), Công ty Cổ phần Gemadept tỷ lệ 32% cổ phần, Công ty sửa chữa máy bay 41 tỷ lệ 13% cổ phần và các cổ đông trong ngoài nước khác.
Theo giấy phép số 1696/GPCCDV-CHK ngày 28/05/2010 do Cục Hàng không Việt nam cấp, Công ty SCSC được phép cung cấp dịch vụ Nhà ga hàng hóa hàng không quốc tế tại Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất.
Với số tiền đầu tư lên đến 50 triệu USD, Nhà ga hàng hóa Hàng không SCSC được xây dựng trên diện tích rộng 143.000 mét vuôn, bao gồm 3 khu vực:
Khu vực sân đậu: 52.000 m2, có sức chứa 3 máy bay B747F hoặc 5 máy bay A321 cùng lúc. Khu vực Nhà ga hàng hóa: 27.000 m2, có khả năng xử lý hàng hóa lên đến 350,000 tấn mỗi năm. Khu vực nhà kho, bãi đậu xe và tòa nhà văn phòng: 64.000 mét vuông.m2.
Dự án xây dựng nhà ga được lên kế hoạch vào tháng 5 năm 2008 và quá trình xây dựng được bắt đầu vào tháng 3/2009. Đầu tháng 10/2010, nhà ga hàng hóa SCSC đã được đưa vào khai thác.
Mới đây, SCSC đã công bố báo cáo tài chính quý II/2022. Theo đó, doanh thu lũy kế 6 tháng đầu năm đạt 455 tỷ đồng, tăng trưởng 12% so với cùng kỳ năm ngoái.
Là công ty độc quyền khai thác hoạt động vận chuyển hàng hóa tại sân bay Tân Sơn Nhất, gần 95% doanh thu của SCSC đến từ khai thác nhà ga hàng hóa. Ngoài ra, công ty còn ghi nhận doanh thu từ hoạt động cho thuê sân đậu máy bay, cho thuê văn phòng, bãi đậu xe, sân bóng... và các dịch vụ liên quan khác.
Tốc độ tăng của giá vốn hàng hóa chậm hơn doanh thu nên lợi nhuận gộp bán hàng và cung cấp dịch vụ 6 tháng đầu năm đạt 372 tỷ đồng, tăng trưởng 15% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, công ty đạt 366 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng trưởng gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Với mức lợi nhuận này, tính ra trung bình 1 ngày công ty thu được khoảng 2 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế TNDN.
Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất
Tại ngày 30/06, tổng tài sản của SCSC đạt 1.537 tỷ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Với đặc thù kinh doanh của công ty, cơ cấu tài sản chủ yếu bao gồm tiền các loại (hơn 700 tỷ đồng, chiếm 45% tổng TS), phải thu về cho vay ngắn hạn (150 tỷ đồng, chiếm 10% tổng TS), tài sản cố định (gần 400 tỷ đồng, chiếm 27% tổng TS),..
Về cơ cấu nguồn vốn, công ty chủ yếu kinh doanh bằng vốn chủ sở hữu, nợ phải trả tại 30/06/2022 là 156 tỷ đồng, chỉ chiếm 10% tổng nguồn vốn. Công ty không có vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn.
Trong nguồn vốn chủ sở hữu, vốn góp của chủ sở hữu là 579 tỷ đồng, chiếm 42% tổng vốn chủ sở hữu, còn lại là lợi nhuận sau thuế chưa phân phối và thặng dư vốn cổ phần.
Về lưu chuyển tiền tệ, mặc dù dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của công ty dương hơn 300 tỷ đồng, nhưng do trong kỳ công ty chi hơn 700 tỷ đồng cho vay, mua công cụ nợ của các đơn vị khác và trả cổ tức gần 187 tỷ đồng nên dòng tiền thuần cuối kỳ âm nhẹ hơn 9 tỷ đồng.
Trong thông báo kết luận của Thủ tướng tại cuộc họp các dự án đang triển khai tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất mới được Văn phòng Chính phủ ban hành,Thủ tướng cho biết để nâng cao năng lực khai thác sân bay Tân Sơn Nhất, từ năm 2020, Chính phủ đã đồng ý triển khai dự án cải tạo, nâng cấp đường băng; đồng thời, Thủ tướng đã quyết định chủ trương đầu tư dự án xây dựng nhà ga hành khách T3.
Thủ tướng yêu cầu ACV và UBND TP.HCM tiến hành khởi công nhà ga T3 trong quý 3-2022 sau khi nhận bàn giao mặt bằng, hoàn thành đồng bộ đưa vào khai thác, sử dụng trong tháng 9-2024.
An Vũ
Theo Nhịp Sống Kinh Tế