Ngày 27/7 (theo giờ Mỹ), Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC), hội đồng gồm các quan chức FED chịu trách nhiệm về chính sách tiền tệ, cho biết họ quyết định tăng lãi suất cơ bản thêm 0,75 điểm phần trăm lên phạm vi từ 2,25% đến 2,5%. Như vậy, FED đã tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm hai lần trong hai tháng qua.
Theo đánh giá của các chuyên gia, lần điều chỉnh lãi suất này của FED đánh dấu tốc độ tăng lãi suất nhanh nhất trong 4 thập kỷ qua. Tuy nhiên, mức tăng này là phù hợp, trong bối cảnh lạm phát giá tiêu dùng tháng 6 tại Mỹ đã tăng kỷ lục tới 9,1% (cao nhất trong hơn 4 thập kỷ). Ở một khía cạnh khác, nỗ lực giảm lạm phát không phải là không có rủi ro, khi nhiều dấu hiệu cho thấy kinh tế Mỹ đã tăng trưởng chậm lại, các chỉ số về chi tiêu tiêu dùng và sản xuất đều ảm đạm hơn.
FED đã tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm hai lần trong hai tháng qua
Chủ tịch FED Jerome Powell và các quan chức hàng đầu khác đã khẳng định FED sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết để đưa lạm phát trở lại mức mục tiêu 2% hàng năm, ngay cả khi điều đó có nghĩa là tỷ lệ thất nghiệp cao hơn và tiềm năng suy thoái trong ngắn hạn.
Ông Powell cũng thừa nhận FED có rất ít khả năng để giảm giá thực phẩm và năng lượng, nhưng sẽ tiếp tục tăng lãi suất nếu lạm phát không "quay đầu đi xuống". Ông Powell và nhiều nhà kinh tế cho rằng việc để lạm phát vượt khỏi tầm kiểm soát sẽ gây ra suy thoái kinh tế nghiêm trọng hơn là do lãi suất cao hơn gây ra.
Các chuyên gia này cảnh báo rằng nếu không có những bước đi quyết liệt để chống lạm phát, việc tăng giá cuối cùng sẽ khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng đột biến, do đó cần cho FED và Quốc hội Mỹ ít "dư địa" để hỗ trợ nền kinh tế bằng các biện pháp kích thích.
Chủ tịch FED Jerome Powell thể hiện quyết tâm chống lạm phát
Hiện nay nhiều nhà đầu tư đang dự báo về khả năng lãi suất sẽ được tăng lên khoảng 3,5% vào cuối năm. Ngay sau cuộc họp ngày hôm nay của Fed, vẫn có tới hơn một nửa các chuyên gia nhận định, lãi suất sẽ lần thứ ba liên tiếp, tăng thêm 0,75 điểm phần trăm trong cuộc họp vào tháng 9 tới.
Mặc dù nền kinh tế Mỹ nói chung vẫn ổn định, nhưng nhiều hộ gia đình ngày càng chịu áp lực do giá cả tăng cao về thực phẩm, xăng dầu và vấn đề nhà ở. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ cũng giảm trong quý đầu tiên của năm 2022 và các nhà kinh tế cho rằng có khả năng GDP sẽ giảm một lần nữa trong quý thứ hai, "đáp ứng" điều mà lâu nay là định nghĩa thông thường cho một cuộc suy thoái.
Trong khi các nhà kinh tế cho rằng thị trường việc làm mạnh mẽ là một dấu hiệu trấn an cho nền kinh tế Mỹ, một số người tin rằng FED đã đẩy Mỹ đến bờ vực suy thoái kinh tế và nên giảm tốc cuộc chiến chống lạm phát.
VTV.vn - Cả thế giới quay cuồng trong cơn bão lạm phát cùng với đó là tiếng chuông cảnh báo nguy cơ suy thoái đang ngày một hiện hữu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.12555616082702202-cul-yk-taus-ial-gnat-cut-peit-def/et-hnik/nv.vtv