Ngày 27.7, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác của Chính phủ đã làm việc với TP.HCM về tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH) giai đoạn tháng 1 - 7.2022, một năm thực hiện các kết luận của Thủ tướng trong buổi làm việc hồi tháng 5.2021 và tháo gỡ vướng mắc một số dự án (DA) trọng điểm.
Kinh tế phục hồi nhanh và khá toàn diện
Báo cáo với đoàn công tác, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhìn nhận, sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, TP.HCM tập trung ngay vào phục hồi KT-XH và đạt được kết quả khá toàn diện. Trong đó, tốc độ tăng trưởng GRDP 6 tháng đầu năm ước tăng 3,82%, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 6 tháng ước gần 25 tỉ USD, tổng thu ngân sách 7 tháng đầu năm đạt khoảng 282.000 tỉ đồng (đạt 73,2% dự toán), các hoạt động văn hóa xã hội sôi động trở lại, an sinh xã hội được đảm bảo, các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp được triển khai có hiệu quả… Qua phân tích, ông Mãi cho biết nếu từ nay đến cuối năm không có biến động lớn thì TP.HCM có thể đạt mức độ tăng trưởng GRDP từ 7 - 7,2% (cao hơn chỉ tiêu là 6 - 6,5%).
Thủ tướng Phạm Minh Chính thị sát dự án tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) sáng 27.7 Nguyên Vũ |
Để duy trì vị trí dẫn đầu và đóng góp nhiều hơn, lãnh đạo TP.HCM kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng và các bộ ngành tháo gỡ hàng loạt vướng mắc từ cơ chế chính sách, phân cấp phân quyền, bất cập quy định pháp luật cho đến từng DA trọng điểm cụ thể. Qua làm việc với Văn phòng Chính phủ và các bộ ngành, UBND TP.HCM đã phân nhóm các vướng mắc chung liên quan cơ chế chính sách với 15 vấn đề.
Về các nội dung cụ thể, ông Mãi kiến nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị quyết triển khai DA vành đai 3, cũng như bố trí vốn để đảm bảo tiến độ thi công. Đối với tuyến vành đai 4 đi qua 5 địa phương (TP.HCM, Long An, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai và Bình Dương), ông Mãi cho rằng cần sớm khởi động để có thể trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại kỳ họp giữa năm 2023.
TP.HCM cũng đề xuất Thủ tướng chấp thuận chủ trương cho phép dùng 7 khu đất để thanh toán cho 2 DA theo hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) kéo dài, gồm 3 khu đất thanh toán cho DA chống ngập do triều và 4 khu đất thanh toán cho DA đường nối Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa - QL1 (TP.Thủ Đức).
Cũng tại buổi làm việc, Chủ tịch Phan Văn Mãi đề xuất Chính phủ và các bộ ngành tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến xử lý đất công xen cài trong khu dân cư, cho thuê nhà đất do các đơn vị sự nghiệp công lập quản lý, bố trí vốn cho 3 DA bệnh viện khu vực cửa ngõ (Hóc Môn, Củ Chi và Thủ Đức), điều chỉnh thời gian thực hiện 2 DA đường sắt đô thị (metro), bố trí đủ vốn trung hạn cho tuyến metro số 1...
Mạnh dạn thí điểm
Ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM, cho rằng thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng đã có nhiều quyết định, chỉ đạo quyết liệt tháo gỡ vướng mắc, mở cơ chế để TP.HCM phát huy nội lực. Hiện sự phát triển của TP.HCM đang gặp phải các điểm nghẽn về thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của T.Ư. Dẫn câu chuyện Thủ tướng thị sát và chỉ đạo tháo dỡ 12 ụ bê tông trong sân bay Tân Sơn Nhất, Bí thư Thành ủy cho biết các ụ bê tông này cản trở hoạt động của sân bay cũng là cản trở sự phát triển của thành phố và của đất nước, nên các chỉ đạo của Thủ tướng là rất cấp thiết để địa phương không đánh mất cơ hội phát triển.
Khẳng định TP.HCM luôn nhận thức về trách nhiệm của mình đối với sự phát triển của đất nước, ông Nên cho hay TP đang tập trung tổng kết Nghị quyết 16 năm 2012 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 54 năm 2017 của Quốc hội để xin ý kiến Bộ Chính trị, Quốc hội cho phép được thí điểm làm những việc mà quy định pháp luật chưa có hoặc không còn phù hợp.
Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao những kết quả đạt được của TP.HCM, trong đó thu ngân sách chiếm gần 1/3 cả nước cho thấy sự đóng góp quan trọng của TP. Để đạt kết quả đó, TP.HCM đã thực hiện nghiêm túc và có sáng tạo các đường lối của Đảng, Quốc hội, Chính phủ trong điều kiện thực tiễn địa phương, sự nỗ lực vượt lên khó khăn của hệ thống chính trị, sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan T.Ư.
Bên cạnh đó, Thủ tướng chỉ rõ một số nhiệm vụ mà TP.HCM cần cố gắng hơn như triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, giải ngân đầu tư công, tiêm vắc xin phòng Covid-19, công tác quy hoạch, việc phát triển văn hóa gắn với du lịch, một số vấn đề vướng mắc liên quan tới các dự án sau kết luận thanh tra, kiểm tra.
Đồng tình với đề xuất của lãnh đạo TP.HCM, Thủ tướng nhấn mạnh những gì thực tiễn đặt ra mà chưa có luật, hoặc luật vượt quá thực tiễn thì mạnh dạn làm thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm và mở rộng dần. Như vấn đề biên chế, Thủ tướng gợi ý Bộ Nội vụ cần nghiên cứu tổ chức bộ máy, biên chế cho TP.HCM theo hướng đặc thù, vì quy mô dân số của TP.HCM khác với các tỉnh, thành khác nên không thể cào bằng số lượng biên chế như nhau.
Lập tổ công tác hỗ trợ TP.HCM
Về phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng đề nghị TP.HCM bám sát, tập trung triển khai 3 khâu đột phá chiến lược, 6 nhiệm vụ trọng tâm được nêu trong các nghị quyết của Đảng, Chính phủ. Thủ tướng yêu cầu tuyệt đối không được có tâm lý chủ quan, lơ là với dịch bệnh, tập trung đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc xin Covid-19, mua sắm thuốc và trang thiết bị y tế, bảo đảm nhân lực y tế chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người dân.
Bên cạnh đó, TP.HCM cần rà soát các quy định pháp luật liên quan tới triển khai các chương trình, dự án để cùng Chính phủ, các bộ ngành giải quyết; kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, kết hợp hài hòa giữa chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa, bảo đảm các cân đối lớn, giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy chuyển đổi số, đảm bảo môi trường…
Tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ bằng trái tim nhân ái
Chiều 27.7, Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp gỡ các đội tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ nhân kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27.7.1947 - 27.7.2022).
Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ sự trân trọng và chia sẻ với những hy sinh, mất mát to lớn của các cán bộ, chiến sĩ trực tiếp làm nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; đồng thời nhấn mạnh đây là công việc có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện sự biết ơn đối với hy sinh của các anh hùng liệt sĩ. “Chúng ta đã, đang và sẽ tiếp tục hành trình này bằng trái tim nhân ái, tấm lòng nhiệt huyết và đức hy sinh. Chúng ta làm việc này để xoa dịu nỗi đau cho thân nhân các liệt sĩ”, Thủ tướng xúc động.
Theo kế hoạch đến năm 2030, các đội đặt mục tiêu tìm kiếm, quy tập được khoảng 15.000 hài cốt liệt sĩ; hoàn thành tìm kiếm, quy tập và kết luận khu vực, địa bàn có thông tin mộ liệt sĩ tập thể. Từ năm 2031 trở đi, tiếp tục tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ đến khi không còn thông tin về hài cốt liệt sĩ, mộ liệt sĩ.
Phạm Thu Ngân
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng cho biết Thường trực Chính phủ sẽ thường xuyên làm việc với TP.HCM, định kỳ vào giữa năm, cuối năm và các cuộc họp đột xuất nếu cần thiết. “Tinh thần là sẽ có một tổ công tác thường xuyên làm việc với TP.HCM do Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ làm tổ trưởng, thứ trưởng các bộ ngành có nhiều vấn đề liên quan đến TP.HCM là thành viên, đầu mối tại TP.HCM là Chủ tịch UBND TP.HCM. Tổ công tác thường xuyên trao đổi để tập trung tháo gỡ, sau khi thí điểm với TP.HCM sẽ mở rộng ra các tỉnh thành”, Thủ tướng nêu định hướng.
Đối với các đề xuất cụ thể của TP.HCM, Thủ tướng cơ bản tán thành, đồng thời giao các bộ, ngành liên quan tiếp tục phối hợp, xử lý. Trong những ngày tới, Chính phủ sẽ ban hành nghị quyết triển khai DA vành đai 3 để các địa phương triển khai, song song đó là giao Bộ GTVT chủ trì chuẩn bị DA vành đai 4 trên tinh thần phân cấp về các địa phương. Ông yêu cầu khẩn trương chuẩn bị thủ tục trình cấp có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh thời gian thực hiện 2 tuyến đường sắt đô thị, xác định phần vốn bổ sung vào kế hoạch đầu tư công trung hạn của tuyến metro số 1, chuẩn bị thực hiện tuyến metro số 2, bố trí vốn cho 3 DA bệnh viện cửa ngõ… Thủ tướng đề nghị Văn phòng Chính phủ xác định rõ mốc thời gian hoàn thành của từng nhiệm vụ để đôn đốc các bộ, ngành liên quan, vấn đề nào vượt thẩm quyền thì báo cáo ngay.