Nếu làm kiên quyết, tình trạng này sẽ được khắc phục kể từ ngày 1-8 để chúng ta sớm khép lại "sự nghiệp" kéo dài 5 năm triển khai thu phí không dừng.
Gần 5 năm với bao lần lùi áp dụng, đó cũng là quãng thời gian người dân cả nước chấp nhận cảnh lụy trạm thu phí, phải xếp hàng trước cái barie.
Biết bao bức xúc từ người dân, thiệt hại khủng do kẹt xe, rất nhiều chỉ đạo từ Chính phủ và Bộ GTVT, báo chí cũng liên tục phản ánh... Thế mới biết, muốn bỏ cái barie đâu dễ, dù ai cũng thấy sự tiện lợi của thu phí không dừng.
Chúng ta có nên để mất quá nhiều thời gian, công sức khi thực hiện một việc mà ai cũng thấy tiện lợi, minh bạch và đã được thế giới làm từ lâu? Rồi đây, khi không còn phải lụy trạm thu phí,chúng ta mới thấy mình đã bỏ phí 5 năm không sử dụng tiện ích của ETC.
Bỏ phí 5 năm có nguyên nhân từ quản lý nhà nước điều hành không dứt khoát, từ các doanh nghiệp BOT (gồm cả đơn vị làm đường và đơn vị cung cấp dịch vụ ETC, trong đó đơn vị BOT làm đường không muốn minh bạch nguồn thu phí) và thói quen của một bộ phận người dân (như xe ít đi, nạp tiền vào tài khoản ETC chưa dùng đến sao không được trả lãi...).
Sự thiếu kiên quyết của Bộ GTVT đã góp phần tạo tâm lý không dán thẻ có sao đâu trong người dân. Dẫn đến người dán thẻ bực dọc người không dán thẻ làm tắc nghẽn giao thông, rồi buông lời nặng nhẹ. Nhưng rồi cái đúng vẫn thắng, nhưng xã hội phải trả giá.
Câu chuyện mất nhiều năm để triển khai thu phí không dừng là bài học chung cho tất cả các công trình, dự án về cơ sở hạ tầng. Ai cũng biết hạ tầng phải đi trước để tạo không gian cho kinh tế - xã hội phát triển.
Chúng ta có rất nhiều quy hoạch về giao thông, đường cao tốc, sân bay, không chỉ quy hoạch trong từng giai đoạn trước mắt mà còn "tầm nhìn" xa hơn như đến 2040 hay 2050. Thế nhưng quy hoạch, ý tưởng là một chuyện, còn triển khai lại là vấn đề khác.
Trong rất nhiều dự án hạ tầng, tình hình chung luôn là "đi trước" khi được khởi công, triển khai rất sớm nhưng lại "về sau", sau khi đã trải qua nhiều năm tháng đắp chiếu, chậm tiến độ, tăng vốn, dời ngày hoàn thành, khiến các dự án hạ tầng không chỉ lãng phí, kém hiệu quả mà còn trở thành rào cản làm ăn, kéo giảm chất lượng cuộc sống người dân.
Như dự án giải cứu sân bay Tân Sơn Nhất, từ nhà ga T3 cho đến các dự án kết nối giao thông bên ngoài sân bay, chậm triển khai, nói mãi, thậm chí không thể bức xúc hơn được nữa, nhưng đến nay vẫn chờ.
Hệ quả là nhà quản lý sân bay đau đầu, hành khách vất vả; ai cũng phiền, cũng bức xúc, trách móc lẫn nhau rồi chịu đựng.
Tình trạng tài xế taxi ngả giá, nặng lời với khách đón xe rời sân bay cũng có phần do hạ tầng sân bay quá tải. Hay dự án metro số 1 của TP.HCM được khởi công từ 2008, qua bao lần khất hẹn, nay tiếp tục chờ đến 2023.
Nếu metro số 1 về đích đúng hẹn, nhiều người dân TP.HCM đã có thói quen đi lại bằng xe công cộng thay vì xe cá nhân...
Chưa có metro, người dân lỡ "say" đi lại bằng xe cá nhân, sau này "cai" rất khó. Vì thế, cần phải rút ra bài học từ việc khó bỏ cái barie trên trạm thu phí, đừng để "cái sảy nảy cái ung" mà sau này muốn khắc phục không chỉ tốn kém, mất thời gian mà còn để lại những thói quen, hình ảnh không thân thiện trong xã hội.
TTO - Chiều tối 27-7, hàng ngàn xe cộ nối đuôi nhau di chuyển rất chậm trên đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây hướng từ Đồng Nai đến trạm thu phí Long Phước.
Xem thêm: mth.15971439082702202-taht-ohk-eirab-ob/nv.ertiout