Khi đang xem trận đấu cricket tại nhà riêng ở Melbourne, điện thoại của George Boubouras "nổ tung" bởi những dòng thông báo. Cuối ngày 13/7, khoảng 10 giờ 45 tối, Boubouras liên tục nhận được tin nhắn và các cuộc điện thoại. Khi đó, đồng euro đã giảm xuống và giao dịch ngang giá với USD. Tất cả mọi người – từ khách hàng, các nhà quản lý quỹ và trader, đều muốn nhận được lời khuyên từ trưởng bộ phận nghiên cứu của K2 Asset Management. Câu trả lời của ông khi đó là: "Đừng chống lại đồng USD ở thời điểm này."
Chỉ hơn 1 giờ sau, một cú sốc khác lại ập đến. Giống ECB và các NHTW khác, NHTW Canada (BOA) cũng chật vật để giữ đồng nội tệ giao dịch ổn định với đồng USD và quyết định tăng lãi suất thêm 1 điểm phần trăm. Đây là động thái mà hầu như không ai dự đoán được. 10 giờ tiếp theo, sự kiện bất ngờ lại xảy ra. Cơ quan Tiền tệ của Singapore đã can thiệp vào thị trường ngoại hối, thông báo sẽ đưa ra nỗ lực để thúc đẩy tỷ giá SGD/USD trở lại mức cao.
Khi đó, điện thoại của Mitul Kotecha cũng liên tục đổ chuông. Chiến lược gia của TD Securities đang đi nghỉ cùng vợ ở Thái Lan trong dịp kỷ niệm 25 năm ngày cưới. Ông chia sẻ: "Tất cả chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn. Tôi không thể tin được sự hỗn loạn đã xảy ra."
Đồng USD – đồng tiền được sử dụng cho hoạt động thương mại toàn cầu, đang ghi nhận đà tăng mà ít có thời điểm nào trong lịch sử hiện đại có thể "sánh kịp". Việc đồng USD tăng giá chủ yếu là kết quả của việc Fed liên tục tăng lãi suất. Diễn biến này sẽ đẩy chi phí nhập khẩu lương thực và khiến tình trạng nghèo đói trên thế giới trở nên trầm trọng hơn, cùng với đó là tổn thất cho các nhà đầu tư cổ phiếu và trái phiếu ở khắp thế giới.
Đồng bạc xanh hiện đang giao dịch ở mức cao nhất mọi thời đại, theo một số chỉ số. USD tăng 15% so với một rổ tiền tệ kể từ giữa năm 2021. Và với quyết tâm tiếp tục nâng lãi suất của Fed nhằm dập tắt lạm phát, thì đà tăng của đồng USD trong thời gian tới rất khó để giảm tốc.
Những diễn biến này dường như có vài điểm tương đồng với chiến dịch chống lạm phát mà cựu Chủ tịch Fed Paul Volcker thực hiện vào đầu những năm 1980. Đó là lý do tại sao nhiều người đang suy đoán về khả năng Thỏa ước Plaza – thỏa thuận mà các nhà hoạch định chính sách kinh tế ký kết để kiềm chế đà tăng của đồng USD khi đó, sẽ được thảo luận lại.
Một thỏa thuận tương tự dường như là điều gì đó xa vời, nhưng khi một số chỉ số cho thấy đồng USD có thể leo thang mạnh như trước đây, thì rõ ràng những tác động của xu hướng này – khiến lợi nhuận của hệ thống tài chính toàn cầu biến động và nhiều tổn thất khác, chỉ còn là vấn đề thời gian.
Vishnu Varathan – trưởng bộ phận kinh tế và chiến lược tại Mizuho Bank Singapore, cho hay: "Không có viên đá kryptonite (loại đá khắc tinh của Superman trong truyện tranh) nào để kìm hãm đà tăng của đồng USD ngay lập tức. Eurozone đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của mâu thuẫn Nga – Ukraine, còn đà tăng trưởng của Trung Quốc vẫn không chắc chắn. Đơn giản, sự thay thế cho đồng USD là không có dù bạn có tìm kiếm ở nơi nào. Và điều này đang ảnh hưởng đến mọi thứ, từ các nền kinh tế, các đồng tiền tệ khác cho đến lợi nhuận doanh nghiệp."
Việc đồng USD tăng giá nhanh chóng đang hiện hữu trong cuộc sống hàng ngày ở khắp nơi trên thế giới vì được coi là "chất bôi trơn" cho hoạt động thương mại toàn cầu. Khoảng 40% trong tổng số 28,5 nghìn tỷ USD giá trị hoạt động thương mại toàn cầu hàng năm được định giá bằng đồng bạc xanh. Việc đồng USD tăng giá không ngừng nghỉ có nguy cơ tạo ra "vòng lặp doom" kéo dài.
Nhu cầu đối với đồng USD tăng cao là vì một lý do đơn giản: Khi thị trường toàn cầu biến động, nhà đầu tư sẽ tìm kiếm một nơi trú ẩn an toàn. Ngân hàng Thanh toán Quốc tế giải thích, sự an toàn đó hiện chủ yếu chỉ có ở đồng USD. Quy mô và sức mạnh của nền kinh tế Mỹ vẫn ở vị thế vững chắc và trái phiếu chính phủ Mỹ vẫn là một trong những cách an toàn nhất để lưu trữ tiền. Đồng USD cũng chiếm tỷ trọng lớn trong dự trữ ngoại hối.
Một số chỉ số hàng đầu theo dõi đồng USD cho thấy khả năng tiếp tục tăng cao sẽ diễn ra. Bloomberg Dollar Spot Index chạm đỉnh trong tháng này trong khi mới chỉ được thành lập từ cuối năm 2004. ICE US Dollar Index – theo dõi hiệu suất đồng USD với các đồng tiền tệ khác, vẫn ở mức thấp 54% so với năm 1985 – năm ký kết Thỏa ước Plaza.
Tuy nhiên, bối cảnh hiện tại lại khác, theo Brendan McKenna – chiến lược gia tại Wells Fargo Securities. Sức mạnh của đồng USD hiện vẫn chưa hiện hữu quá rõ ràng và Fed có khả năng sẽ hạ lãi suất vào một thời điểm nào đó trong năm tới. Ông cho hay: "Hành động phối hợp giữa các nước G10 để kiểm soát giá đồng USD và hỗ trợ các đồng tiền tệ khác không phải là ưu tiên ở thời điểm này."
Mặc dù vậy, nhiều đồng tiền tệ của các nền kinh tế lớn trên cũng đang bị ảnh hưởng. Ngoài euro, đồng yen Nhật cũng giảm xuống mức thấp nhất 24 năm khi các nhà đầu tư đổ xô tìm kiếm lợi nhuận cao hơn. Còn đối với nhiều thị trường mới nổi, thiệt hại còn đáng lo ngại hơn. Đồng rupee của Ấn Độ, peso của Chile và rupee của Sri Lanka đã chạm mức thấp kỷ lục trong năm nay, bất chấp các nỗ lực của NHTW.
Một cuộc khảo sát của Bank of America thực hiện với các nhà quản lý quỹ cho thấy vị thế mua đối với đồng USD đã tăng lên mức cao nhất trong 7 năm.
Jane Foley – trưởng bộ phận chiến lược forex tại Rabobank, cho hay: "Chỉ khi nào nhà đầu tư chuẩn bị tinh thần ‘đón nhận’ các tài sản rủi ro trở lại, chúng tôi mới dự đoán đồng USD quay đầu. Nhưng điều này có thể sẽ không xảy ra cho đến khi thị trường tin rằng Fed đã thay đổi lộ trình."
Trong bối cảnh giá cả tăng vọt, những động thái cứng rắn của Fed và rủi ro suy thoái toàn cầu, thì đồng USD vẫn tiếp tục tăng giá. Đây là lý thuyết "đồng USD cười" được cựu chuyên gia tiền tệ của Morgan Stanley – Stephen Jen, đưa ra. Theo đó, đồng USD diễn biến theo 2 thái cực: tăng khi nền kinh tế Mỹ tăng trưởng hoặc có nhiều rủi ro và suy yếu khi tăng trưởng kém.
Theo Garrett Melson – chuyên gia đến từ Natixis Investment Managers, "nụ cười" của đồng USD lần này có thể u tối hơn một chút. Ông nhận định: "Các yếu tố vĩ mô trong năm nay thực sự khiến đồng USD quay trở lại xu hướng năm 2010, giống một vòng luẩn quẩn hơn là ‘đồng USD cười’." Tăng trưởng kinh tế Mỹ tương đối mạnh mẽ, làm tăng nhu cầu với đồng USD. Điều này gây áp lực lên nền kinh tế toàn cầu, thúc đẩy nhu cầu với đồng USD và các tài sản của Mỹ với vai trò là hầm trú ẩn. Và vòng lặp này cứ diễn ra.
Vậy điều gì có thể phá vỡ vòng tròn này? Các nhà đầu tư từ Singapore cho đến New York đang đưa ra giả thiết về các chất xúc tác như kinh tế hạ nhiệt, dự đoán khi nào Fed hạ lãi suất hoặc sự hồi phục của nền kinh tế Trung Quốc. Song, không rõ khi nào những điều này mới xảy ra.
CPI của Mỹ đã tăng lên mức cao mới là 9,1% vào tháng 6. Fed cũng chưa từng nâng lãi suất mạnh tay đến vậy kể từ giữa những năm 1990. Kể từ đó, kinh tế toàn cầu đã thay đổi đáng kể. Trong 3 thập kỷ, sự phát triển của ngành sản xuất Trung Quốc đã giúp giá của hàng triệu sản phẩm ở mức thấp dù chi phí nguyên liệu thô có tăng lên.
Khi nguồn cung lao động giá rẻ và dòng vốn của Trung Quốc yếu dần, áp lực giá cả lại gia tăng. Sau đó, chiến tranh thương với Mỹ, đại dịch và mâu thuẫn Nga – Ukraine đã khiến hệ thống thương mại toàn cầu đang bình lặng bỗng rơi vào cảnh hỗn loạn. Khi nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới vẫn theo đuổi chính sách zero Covid, ngay cả khi biết rõ tăng trưởng sẽ giảm tốc, thì việc mọi thứ trở lại bình thường dường như vẫn còn xa vời.
Với quá nhiều bất ổn, các NHTW từ Úc cho đến Canada không còn lựa chọn nào khác ngoài "theo chân" Mỹ và tăng chi phí đi vay để chống lạm phát. Dự báo về những đợt nâng lãi suất mới thậm chí còn được điều chỉnh cao hơn. Và không ai rõ chu kỳ này khi nào mới kết thúc, rất ít nhà đầu tư sẵn sàng đặt cược "chống lại" đồng bạc xanh.
Tham khảo Bloomberg
http://tintuc.vdong.vn/07/1443635.htm