Ngày 28-7, đoàn giám sát chuyên đề Quốc hội khóa XV đã có buổi làm việc với UBND TP.HCM về việc thực hiện pháp luật về nội dung thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên địa bàn TP giai đoạn 2016 - 2021.
Đoàn do Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương làm trưởng đoàn.
Đoàn giám sát chuyên đề Quốc hội khóa XV làm việc với UBND TP.HCM về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Ảnh: N.HUỲNH |
Nhiều kết quả tích cực về chống lãng phí
Báo cáo tại đây, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, trong giai đoạn 2016- 2021, TP đã thực hiện tiết kiệm 10% số chi thường xuyên ngay từ khâu dự toán để bố trí nguồn thực hiện cải cách tiền lương với 2.384 tỉ đồng. Đồng thời đã cắt giảm, tiết kiệm các khoản chi thường xuyên là 2.085 tỉ đồng.
Giai đoạn này, TP cũng điều chỉnh giảm dự toán kinh phí tự chủ (kinh phí thường xuyên) của các cơ quan, đơn vị do giảm chỉ tiêu biên chế với tổng số tiền là 206 tỉ đồng.
Từ năm 2016 đến năm 2021, TP đã thu hồi 68 địa chỉ nhà đất với diện tích 350.174 m² do các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp trên địa bàn đang quản lý và giao cho các cơ quan chức năng tổ chức bán đấu giá. Đến nay, đã bán bốn địa chỉ, thu được số tiền 1.735 tỉ đồng.
Số tiền này được dùng để đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi công cộng phục vụ người dân.
Người đứng đầu chính quyền TP.HCM nhìn nhận, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vẫn còn nhiều tồn tại, cần phải khắc phục.
Cụ thể, thủ tục về lĩnh vực đầu tư công còn kéo dài làm tăng mức đầu tư. Mặc dù tình trạng dàn trải dần khắc phục nhưng vẫn còn do số lượng dự án và nhu cầu vốn đầu tư quá lớn. Nhiều vướng mắc khi chuyển sang thực hiện chính quyền đô thị chậm được giải quyết, mặc dù đã được dự liệu sẽ phát sinh.
Trong quản lý sử dụng tài sản công, nổi lên là vấn đề đất đai, chậm phê duyệt phương án giá đất, thủ tục gia hạn hợp đồng thuê đất, gia hạn thời gian thực hiện dự án đầu tư, vướng mắc về phương án sử dụng đất của doanh nghiệp cổ phần hóa.
Việc sử dụng mặt bằng không hiệu quả, cho thuê lại, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất khác với phương án được duyệt hoặc quyết định cho thuê đất, bỏ trống không sử dụng nhưng chậm thu hồi gây lãng phí nguồn tài nguyên đất đai.
Ngoài ra, công tác lập, thẩm định, phê duyệt Đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết của đơn vị sự nghiệp công lập còn vướng mắc. Pháp luật về quản lý sử dụng tài sản công cũng chưa có quy định việc cho thuê tài sản được giao cho các đơn vị quản lý, giữ hộ nên khi triển khai gặp nhiều trở ngại, khó khăn.
Đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, việc chậm cổ phần hóa trong một số trường hợp cụ thể cũng được xem là làm chậm đi cơ hội đầu tư sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và không kịp thời bổ sung nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Từ đó, TP kiến nghị Quốc hội sớm ban hành Luật Đất đai sửa đổi. Trong đó quan tâm đến việc điều chỉnh các quy định phù hợp về bồi thường, giải phóng mặt bằng giúp thuận lợi hơn cho công tác triển khai các dự án đầu tư công và đảm bảo quyền lợi của người bị thu hồi đất.
TP.HCM cũng kiến nghị bổ sung Luật đầu tư công về một số nội dung như quy định về thẩm quyền quyết định điều chỉnh, ngừng, hủy bỏ chương trình, dự án đã được quyết định chủ trương đầu tư nhưng chưa được quyết định đầu tư…
Chủ tịch Phan Văn Mãi nói, cần phải hết sức tập trung chống lãng phí, tiết kiệm trong sử dụng ngân sách, tài sản công.
“Cái gì cần chi là chúng ta chi, còn cái gì không cần chi thì dù là nhỏ nhất cũng không chi” - ông nói.
Ông Mãi cũng thông tin thêm, TP có chủ trương xây dựng đề án về quản lý tài sản công, kể cả trụ sở các cơ quan, nhà đất hiện đang quản lý. TP sẽ phân nhóm cái nào sẽ bán ngay, cái nào để đầu tư, cái nào nên giữ lại lâu dài cho TP. Cạnh đó, TP sẽ sắp xếp lại một số cơ quan, tận dụng quỹ nhà đất dư ra để khai thác, phát huy hiệu quả về kinh tế.
Khắc phục sớm những cái “đã rõ, đã chín”
Phát biểu kết luận buổi giám sát, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị TP thực hiện nghiêm túc kết luận của Thủ tướng Chính phủ trong buổi làm việc vừa qua.
Ông cho rằng TP vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức phía trước.
“Cái cũ chưa xong, cái hiện tại phát sinh chưa gỡ ra, cái mới chắc chắn phát sinh còn nhiều, phải tiếp tục tháo gỡ” – ông Trần Quang Phương nói và nhìn nhận có những quy định, chính sách, pháp luật còn nhiều mâu thuẫn chồng chéo, vướng mắc thì đoàn giám sát sẽ tiếp thu để tháo gỡ.
Ông đề nghị cần đi từ góc nhìn của tiết kiệm, chống lãng phí và bám sát các điều khoản của Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để đánh giá vấn đề. Đồng thời làm rõ tồn tại, khuyết điểm, đặc biệt “soi” vào các hành vi lãng phí.
Ông nhấn mạnh những vấn đề đã rõ, đã chín, thuộc phạm vi của TP thì cần tập trung chỉ đạo khắc phục sớm, không đợi đến khi có kết luận và nghị quyết của Quốc hội về chuyên đề giám sát.
Về việc tổng kết Nghị quyết 54/2017 và trình Quốc hội ban hành nghị quyết mới, ông Trần Quang Phương tin rằng TP sẽ làm tốt trọng trách này và đề xuất đúng đắn để Quốc hội ủng hộ. Bởi Quốc hội đã có cơ chế đặc thù cho nhiều tỉnh chứ không riêng TP.HCM. Chủ yếu cần cơ chế, chính sách để tháo chiếc áo quá chật so với sức vực dậy của TP.