Thông tin được các nền kinh tế thế giới, giới đầu tư và kinh doanh quốc tế quan tâm, bình luận nhiều nhất đó là quyết định tiếp tục tăng mạnh lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Mức tăng lãi suất thêm 0,75 điểm % đúng như dự báo trước đó. Như vậy từ 28/7, lãi suất cơ bản tại Mỹ sẽ dao động quanh mức từ 2,25 - 2,5%.
Theo đánh giá của các chuyên gia, lần điều chỉnh lãi suất này của FED đánh dấu tốc độ tăng lãi suất nhanh nhất trong 4 thập kỷ qua trong bối cảnh lạm phát giá tiêu dùng tại Mỹ đã tăng kỷ lục trên 9%. Quyết định này đã lập tức tác động đến thị trường toàn cầu.
Chứng khoán tăng điểm sau khi FED tăng lãi suất
Sau quyết định của FED, các thị trường chứng khoán ở Mỹ và châu Âu đồng loạt tăng điểm. (Ảnh minh họa - Ảnh: AP)
Ngay sau quyết định của FED, các thị trường chứng khoán ở Mỹ và châu Âu đồng loạt tăng điểm. Khép phiên giao dịch ngày 27/7, chỉ số công nghiệp Down Jones tăng 1,4%, lên hơn 32.000 điểm. Chỉ số tổng hợp S&P 500 tăng 2,6%, vượt mốc 4.000 điểm, trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq tăng mạnh nhất với mức tăng 4,1%, lên trên 12.000 điểm.
Tại châu Âu, dẫn đầu là chỉ số EURO STOXX 50 tăng 0,9% lên trên 3.600 điểm. Các chỉ số DAX 30 tại thị trường Frankfurt (Đức) tăng 0,5%, chỉ số FTSE tại thị trường London, Anh lúc đóng cửa tăng 0,6%, còn chỉ số CAC 40 tại thị trường Paris, Pháp tăng 0,8%.
Tại châu Á, chỉ số Nikkei 225 trên sàn chứng khoán Tokyo (Nhật Bản) tăng 0,4%, lên gần 28.0000 điểm. Tại Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite trên sàn Thượng Hải tăng 0,2%, lên hơn 3.200 điểm.
Tại Hàn Quốc, thị trường chứng khoán cũng đi lên. Chỉ số Kospi tăng 0,82% lên trên 2.400 điểm. Chỉ số Kosdaq tăng 0,33% lên gần 800 điểm.
Các thị trường chứng khoán Sydney, Singapore, Mumbai, Manila, Jakarta... cũng ngập tràn trong sắc xanh.
Mỹ tăng lãi suất tác động đến Việt Nam
Hơn 70% doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Việt Nam sử dụng đồng USD trong thanh toán. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất thêm 0,75 điểm %, tức là đồng USD mạnh lên so với các đồng tiền khác. Doanh nghiệp nhập khẩu sẽ mất nhiều tiền hơn để mua USD trong các giao dịch thanh toán.
Đóng cửa phiên giao dịch chiều 28/7, giá bán USD tại các ngân hàng thương mại niêm yết quanh mức 23.500 - 23.520 đồng/USD, tăng nhẹ khoảng 10 đồng so với ngày hôm qua. Mức này là không đáng kể, nhưng nếu tiếp tục tăng sẽ tạo áp lực với các khoản vay bằng USD.
"Các khoản cho vay lẫn nhau giữa các ngân hàng thương mại sẽ bị ảnh hưởng, làm chi phí đầu vào đối với đồng USD. Như vậy sẽ làm giảm NIM lợi nhuận của ngân hàng", bà Nguyễn Ánh Vân, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt, cho biết.
Khi đồng USD mạnh lên so với Euro, với Yen Nhật hay với Won của Hàn Quốc, về lý thuyết doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa, thiết bị từ các thị trường này sẽ được hưởng lợi, nhưng thực tế lại khác.
"Chúng tôi nhập khẩu các linh kiện từ Hàn Quốc, nhưng giá cả lại theo các tiêu chuẩn, không dựa vào đồng tiền Won, chủ yếu là giao dịch bằng ngoại tệ là USD", ông Trịnh Bá Ngọc, Giám đốc Công ty Osaka Seimitsu, cho hay.
Doanh nghiệp nhập khẩu sẽ mất nhiều tiền hơn để mua USD trong các giao dịch thanh toán. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Áp lực là có, nhưng đồng tiền Việt Nam chỉ mất giá khoảng 2,5%, mức thấp nhất tại châu Á. Đây là kết quả của nhiều nguyên nhân.
"Chúng ta có dự trữ ngoại hối tương đối tốt, lạm phát của chúng ta thấp hơn rất nhiều so với các nước khác, kể cả Mỹ hay châu Âu. Thương mại của chúng ta vẫn thặng dư, kể cả cán cân thanh toán vẫn khá ổn", TS. Võ Trí Thành, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, nhận định.
Các nước nỗ lực kiềm chế lạm phát
Hiện 77% ngân hàng trung ương trên thế giới đã quyết định tăng lãi suất trong 6 tháng qua. Đây cũng là đợt nâng lãi suất đồng bộ nhất trong hơn 20 năm qua, nhằm kiềm chế lạm phát cũng như ứng phó với việc tăng lãi suất liên tục của FED.
Tuy nhiên có những ngân hàng trung ương như Nhật Bản, Trung Quốc, vẫn đi ngược lại xu hướng này, vẫn giữ chính sách nới lỏng tiền tệ để đạt được các mục tiêu tăng trưởng.
Phân tích của tạp chí Financial Times dựa trên số liệu của các ngân hàng trung ương cho thấy, các nhà hoạch định chính sách trên toàn thế giới đã công bố hơn 60 đợt nâng lãi suất chỉ trong 3 tháng qua, con số lớn nhất kể từ năm 2000.
Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đã nâng lãi suất 5 lần kể từ tháng 12/2021, lên 1,25% - mức lãi suất chủ chốt cao nhất kể từ tháng 1/2009.
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ngày 21/7 đã nâng lãi suất lần đầu tiên sau 11 với mức tăng 0,5 điểm %.
Ngân hàng trung ương nhiều nước khác như Thụy Sỹ, Na Uy, Philippines và Mexico gần đây đều đã nâng lãi suất.
Tuy nhiên làn sóng thắt chặt chính sách tiền tệ để chống lạm phát có nguy cơ đẩy nền kinh tế thế giới rơi vào suy thoái.
Đi ngược với xu hướng này, nhiều nước vẫn không tăng lãi suất hoặc giữ nguyên chính sách nới lỏng tiền tệ. Trong cuộc họp ngày 21/7 vừa qua, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) mặc dù nâng mức dự báo lạm phát, nhưng vẫn quyết định giữ nguyên chính sách tiền tệ siêu lỏng.
Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế lớn nhất đang duy trì lập trường tiền tệ nới lỏng. Tháng 5 vừa qua, nước này thông báo lãi suất cho vay trên thị trường kỳ hạn 5 năm đã giảm từ 4,6% xuống 4,45%.
Kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Ngân hàng Trung ương Nga (BoR) đã cắt giảm lãi suất 3 lần trong những tháng gần đây.
Chính sách nới lỏng tiền tệ khiến các nước phải đối mặt với nguy cơ cao hơn về dòng vốn chảy ra, biến động ngoại hối cũng như kỳ vọng của thị trường.
Sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tăng lãi suất, sáng 28/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp với lãnh đạo một số bộ ngành. Thủ tướng nhấn mạnh nhiệm vụ trọng tâm số 1 hiện nay là tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng và chống suy thoái. Điều hành tỷ giá, lãi suất, tín dụng hợp lý, nắm chắc tình hình và chủ động xử lý một cách khoa học, hiệu quả, không để bị động, lúng túng, bất ngờ; nâng cao tính dự báo để có những mục tiêu, giải pháp, đối sách phù hợp cả trước mắt và lâu dài.
Khi FED thắt chặt chính sách tiền tệ, cũng có lo ngại nền kinh tế lớn nhất giới là Mỹ sẽ giảm tốc, nhu cầu tiêu dùng giảm. Trong khi đây lại là đối tác thương mại lớn của Việt Nam, chiếm gần 30% kim ngạch xuất khẩu năm 2021. Đâu là những áp lực Việt Nam sẽ phải đối mặt? Việt Nam sẽ ứng phó như thế nào?
Chương trình Vấn đề hôm nay (28/7) với sự tham gia của ông Trương Văn Phước, Nguyên Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, sẽ giải đáp những thắc mắc. Mời quý vị theo dõi qua video trên!
VTV.vn - Đồng USD trở nên mạnh hơn sau quyết định tăng lãi suất của FED sẽ tác động đến nền kinh tế Việt Nam.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.26883301282702202-oas-ar-man-teiv-iot-gnod-cat-taus-ial-gnat-def/et-hnik/nv.vtv