Trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, cựu phó tổng thống Joe Biden là đại diện chính thức của đảng Dân chủ đứng ra đối đầu với đương kim Tổng thống Donald Trump. Vị trí này vào năm 2016 là do cựu ngoại trưởng Hillary Clinton đảm nhiệm. Dù là nhân vật có kinh nghiệm hoạt động chính trị lâu năm, bà Clinton vẫn thua một cách chóng vánh trước ông Trump.
Giới phân tích đã có nhiều cách lý giải thất bại bất ngờ của bà Clinton và một trong số đó là việc bà không tạo được sức hút đủ lớn với cử tri, gây thất thoát phiếu. Câu hỏi được đặt ra là liệu những người từng cảm thấy không thích bà Clinton vào năm 2016 có sẵn sàng cho ông Biden cơ hội vào tháng 11 tới không?
Cử tri Mỹ nói gì?
Trả lời phỏng vấn của tờ The New York Times, nhiều người dân Mỹ không chọn bà Clinton năm 2016 nhưng đang chuẩn bị bỏ phiếu cho ông Biden đưa ra nhiều lý do khác nhau cho quyết định của mình. Theo Samantha Kacmarik, một sinh viên đang theo học tại TP Las Vegas (bang Nevada), trước đây tâm lý chung cử tri vùng chị là bà Clinton là đại diện của tầng lớp lãnh đạo thủ cựu và tham nhũng. Bà là vợ của cựu tổng thống Bill Clinton (nhiệm kỳ 1993-2001), là cựu thượng nghị sĩ bang New York cũng như là cựu ngoại trưởng Mỹ nên bà chắc chắn có quan hệ mật thiết với giới tinh hoa Washington.
Kacmarik giải thích: “Chúng tôi không thể nào tin tưởng được những cam kết mà bà ấy đưa ra. Bầu cho bà ấy không khác gì trao quyền lực cho một nhóm nhỏ cá nhân từ năm này qua năm khác. Nước Mỹ lúc đó cần những thay đổi mới và bà Clinton không phải là một phần của nó”.
Thomas Moline, một nhân viên vệ sinh ở TP Minneapolis (bang Minnesota) thì chia sẻ rằng bà Clinton lúc đó có nhiều tai tiếng chính trị, khiến anh nhớ lại những sai phạm xảy ra dưới thời chính quyền Tổng thống Clinton. Một trong những lùm xùm lớn nhất là bà Clinton bị cáo buộc sử dụng máy chủ cá nhân để trao đổi các thư từ ngoại giao nhạy cảm khi còn là ngoại trưởng. Điều gây tranh cãi ở đây là thay vì hợp tác với đơn vị điều tra từ Quốc hội và Cục Điều tra Liên bang (FBI) thì bà lại cố tình che giấu nhiều thư từ được yêu cầu giao nộp và xóa 31.000 email khác với lý do “không cần đến nữa vì đã cũ”. Trong khi đó, ông Clinton lại vướng vào bê bối tình ái với thực tập sinh Monica Lewinsky mà hậu quả là ông bị đưa ra luận tội vào năm 1998.
Cựu phó tổng thống Joe Biden (phải) xuất hiện để ủng hộ một cuộc vận động tranh cử của cựu ngoại trưởng Hillary Clinton (trái) ở bang Pennsylvania vào tháng 8-2016. Ảnh: AP
“Tôi biết từ sớm rằng ông Trump chắc chắn không phải người tôi chọn. Tuy nhiên, tôi có ấn tượng xấu sau tám năm lãnh đạo của chồng bà Clinton. Bên cạnh đó, chưa làm tổng thống đã nhiều tiêu cực như vậy, nếu bà ấy đắc cử thì mọi chuyện còn có thể đi đến mức nào nữa?” - Moline nói về điều mình từng băn khoăn. Anh cũng cho biết hiện anh không có những thắc mắc tương tự với ông Biden và rất thoải mái khi bỏ phiếu cho ứng viên này.
Nhiều cử tri khác cũng cho biết cảm thấy ngần ngại trước lịch sử hoạt động của bà Clinton. Nhiều người cũng không thích màn trình diễn của cựu ngoại trưởng Mỹ trong ba lần tranh luận trực tiếp với ông Trump. Theo họ, các phát ngôn của bà cũng thô lỗ không khác gì đối thủ, trong khi đáng lẽ bà phải là người văn minh, lịch sự hơn.
Ông Joe Biden luôn tỏ ra là một người không hề nao núng trước nghịch cảnh và những lời chỉ trích từ đối thủ và đảng Cộng hòa. Mọi người không quá ngưỡng mộ ông ấy nhưng họ thích những gì ông ấy đang thể hiện. Chủ tịch Công ty tư vấn chính trị Tulchin Research BEN TULCHIN |
Khác biệt lớn giữa ông Biden và bà Clinton
Theo tờ The New York Times, hình ảnh của ứng viên Biden hiện nay khác rất nhiều so với bà Clinton bốn năm trước. Đối với nhiều cử tri Dân chủ và các cử tri độc lập từng đi bỏ phiếu cách đây bốn năm, ông Biden dễ chấp nhận hơn bà Clinton và họ cảm thấy hài lòng hơn khi bỏ phiếu cho đại diện đảng Dân chủ năm nay. Ngoài ra, bà Clinton rõ ràng gặp vấn đề trong nỗ lực xây dựng niềm tin với người dân mà nhiều khả năng là do bà tự tin vào khả năng sẽ chiến thắng trước ông Trump - một nhân vật mà trong mắt bà là hoàn toàn không hội tụ đủ điều kiện cần thiết để hoạt động ở chính trường Mỹ. Bà cũng không biết điểm dừng khi liên tục sử dụng các phát ngôn mang tính công kích để đáp trả ông Trump, rơi vào cái bẫy của ông là muốn chọc tức để bà mất bình tĩnh và lộ sơ hở.
Với ông Biden, hoạt động của ông thời gian qua chứng tỏ ông đã rút được nhiều kinh nghiệm sau kết quả bầu cử năm 2016. Ông ít khi phản ứng lại những lời khiêu khích của ông Trump và luôn giữ cho mình một thái độ điềm tĩnh, thân thiện và lịch sự. Ông cũng tập trung làm rõ những mục tiêu và chương trình mới sẽ thực hiện vào nhiệm kỳ tới nếu đắc cử, tạo ra hình ảnh tương phản với ông Trump muốn giữ nguyên tình thế hiện tại. Lưu ý là ông Trump thắng được vào năm 2016 nhờ xây dựng mình trở thành nhân tố đột phá có thể đem lại cải cách tích cực.
Với thất bại của chính quyền hiện tại trong việc kìm hãm đại dịch COVID-19 cũng như để nạn bạo lực sắc tộc xảy ra, ông Biden chắc chắn tận dụng tốt bối cảnh này để cũng đưa bản thân thành nhân tố đột phá như ông Trump ngày nào.
Mặt khác, nhìn từ số liệu, phân tích của Công ty tư vấn chính trị Clarity Campaign Labs (Mỹ) cho thấy kể từ năm 2019, tỉ lệ ủng hộ của ông Biden trung bình vượt bà Clinton đến 4%-8% tại những bang chiến địa so với cùng kỳ năm 2016. Kết quả khảo sát cũng cho thấy ông được ủng hộ nhiều hơn bà Clinton ở một loạt nhóm cử tri, đáng chú ý nhất là người cao tuổi, nhóm công dân da trắng và vùng ngoại ô.
Bà Clinton là hiện tượng nhất thời nhờ yếu tố giới tính? Một khác biệt khá quan trọng khác mà The New York Times chỉ ra thêm là kỳ bầu cử năm 2016 là cuộc so găng giữa hai ứng viên gây tranh cãi nhiều nhất trong lịch sử Mỹ. Một người là nhân vật phá cách trong khi người còn lại được chú ý do có tham vọng trở thành nữ tổng thống Mỹ đầu tiên. “Khi đất nước chưa bao giờ có một nữ tổng thống, thật khó để tưởng tượng mọi thứ sẽ ra sao và ai cũng tập trung dõi theo bà Clinton” - chủ tịch tổ chức EMILY’s List, chuyên tham gia vận động ủng hộ các nữ ứng viên của đảng Dân chủ, bà Stephanie Schriock, kể lại. Có thể thấy nếu bỏ đi yếu tố giới tính thì hồ sơ của bà Clinton cũng không thật sự nổi bật khi đặt cạnh các ứng viên tổng thống trước đó. Ngoài ra, The New York Times cho rằng nhiều khả năng bà Clinton biết rõ vị thế của mình nên thường có những cử chỉ khiến người ta cảm giác bà ưu việt hơn họ, trong khi nhiệm vụ của một ứng viên tổng thống là phải càng tiếp xúc nhiều với dân chúng càng tốt. |